Sáng nay 14-5, tiếp tục đấu thầu vàng, giá tham chiếu 88 triệu đồng/lượng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng

Tổng khối lượng vàng miếng đấu thầu sáng nay 14-5 tương tự như các phiên trước là 16.800 lượng, tỉ lệ đặt cọc 10%. Tuy nhiên, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng miếng SJC mua vào của doanh nghiệp trên thị trường ngày 13-5 (giá này chỉ phục vụ việc tính đặt cọc).

Điểm khác biệt lớn nhất của phiên đấu thầu này là khối lượng đấu thầu tối thiểu giảm xuống còn 5 lô, tương đương 500 lượng, giảm 200 lượng so với phiên đấu thầu gần đây nhất (ngày 8-5 khối lượng đấu thầu tối thiểu 700 lượng). Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên đặt phép đặt thầu tăng mạnh từ 20 lô (2.000 lượng) lên 40 lô (4.000 lượng).

Trước đó, trong 4 phiên đấu thầu vàng đầu tiên, NHNN quy định khối lượng đặt thầu tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối thiểu này bị nhiều chuyên gia, doanh nghiệp phản ánh là quá lớn. Sau đó, tại phiên đấu thầu ngày 8-5, khối lượng đặt thầu tối thiểu chỉ còn 7 lô, tương đương 700 lượng.

Trong 5 phiên đấu thầu vàng mà NHNN tổ chức, có 3 phiên đã bị hủy do không đủ số lượng thành viên tham gia dự thầu. Phiên đấu thầu thành công ngày 23-4 chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng, chiếm 20% khối lượng vàng đem ra đấu thầu. Giá trúng thầu cao nhất: 81.330.000 đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81.320.000 đồng/lượng.

Phiên đấu thầu ngày 8-5, có 3 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng trúng thầu cũng là 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu 86.050.000 đồng/lượng.

Trước đó, năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.

Thông qua 76 phiên đấu thầu vàng này, NHNN đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng. Điều quan trọng nhất là qua dồn dập các phiên đấu thầu vàng, NHNN đã đáp ứng được nhu cầu tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng, "bóc" được toàn bộ vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng, chấm dứt hiện tượng vàng hóa gây nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Mặc dù vậy, mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng của NHNN qua 76 phiên đấu thầu vàng khi đó không có nhiều hiệu quả. Trước khi NHNN thực hiện các phiên đấu thầu vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là gần 3 triệu đồng/lượng. Sau khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng, có những thời điểm, chênh lệch giá vàng có những thời điểm hiếm hoi đã hạ xuống dưới 1 triệu đồng/lượng nhưng đa phần đều đứng ở mức cao, có lúc đã vọt lên tới 5-6 triệu đồng/lượng. Sau phiên đấu thầu vàng thứ 76, chênh lệch giá vàng vẫn đứng ở mức trên 4 triệu đồng/lượng, tức cao hơn thời điểm trước khi bắt đầu đấu thầu vàng.

Với mức độ ế ẩm của các phiên đầu thầu vàng được tổ chức từ tháng 4-2024 đến nay, mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng của NHNN cũng rất khó đạt được. Các chuyên gia cho rằng giải pháp căn cơ nhất vẫn là cho phép nhập khẩu vàng, chấm dứt độc quyền vàng miếng.

Chuyên gia cho rằng mức giá đấu thầu hiện nay quá cao, không thể đạt được mục đích kéo giảm chênh lệch giá vàng. Doanh nghiệp mua vàng đấu thầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu giá vàng quay đầu giảm.

Bên cạnh đó, việc các phiên đấu thầu vàng liên tiếp phải hủy hoặc trúng thầu với tỉ lệ thấp khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng, khiến chênh lệch giá vàng càng tăng mạnh.

Theo chuyên gia, quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông.

Giải trình tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-5, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho rằng trước mắt sẽ tăng cung cho thị trường qua việc tổ chức các phiên đấu thầu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế. NHNN đã có văn bản đề nghị các bộ Công an, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ… phối hợp kiểm tra giám sát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, đẩy giá. Về giải pháp lâu dài, NHNN báo cáo tổng kết Nghị định 24, đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng. NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để có thể đề xuất thêm những giải pháp cho phù hợp tình hình mới, để sửa Nghị định 24 trong thời gian tới…

Trước đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Đào Xuân Tuấn cho biết NHNN đã lấy ý kiến các bộ, ngành, trình Thủ tướng văn bản tổng kết Nghị định 24, trình chủ trương nên sửa Nghị định 24, đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thể có thêm nhiều thương hiệu vàng khác.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết ngày 14-5, lãnh đạo Chính phủ sẽ có thêm cuộc làm việc với NHNN về vấn đề quản lý thị trường vàng để làm rõ nguyên nhân và giải pháp. Sau khi đánh giá tình hình sẽ cho thanh tra các đầu mối lớn, kể cả các biên giới, cửa khẩu, nếu vi phạm sẽ chuyển Bộ Công an xử lý ngay.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sang-nay-14-5-tiep-tuc-dau-thau-vang-gia-tham-chieu-88-trieu-dong-luong-196240514070403879.htm