'Rất dễ xảy ra tiêu cực nếu gộp tài sản độc lập đấu giá theo lô'

Đại biểu cho rằng việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô khi đưa ra đấu giá sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực.

Chiều 21-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Theo đó, dự thảo đã bổ sung những người không được đăng ký tham gia đấu giá (Điều 38 về đăng ký tham gia đấu giá). Cụ thể, những người này gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.

 Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang). Ảnh: PHẠM THẮNG

Quyền của công dân sẽ bị hạn chế

Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu (ĐB) Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng quy định như dự thảo nhằm tránh tình trạng thông đồng dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu bổ sung “cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột” vào nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá sẽ không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế.

“Quy định như vậy là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất ở cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nhìn nhận nếu quy định cấm như dự thảo nhưng không kiểm soát được sẽ dẫn đến sai sót, sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... thì phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại; đồng thời lo ngại sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại, thậm chí có thể đối diện với tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.

ĐB Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) thì đánh giá nếu quy định trên được thông qua, quá trình áp dụng sẽ có nhiều vướng mắc, nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo về người tham gia đấu giá. “Để tháo gỡ, đồng thời bảo đảm tính khả thi trong áp dụng pháp luật, đề nghị quy định rõ trong dự thảo cha mẹ là cha mẹ đẻ hay cả cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế; con là con ruột hay con nuôi, con dâu, con rể…” - bà Tâm đề nghị.

 Ông Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, góp ý cho dự thảo luật. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, góp ý cho dự thảo luật. Ảnh: PHẠM THẮNG

Không cho phép gom đất đai để bán theo “gói”

Góp ý cho dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo luật có nêu: “Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc cấm gộp các tài sản có công năng sử dụng độc lập thành một lô để bán đấu giá nhằm hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân; đề nghị không nên quy định việc đấu giá một tài sản hoặc nhiều tài sản theo lô mà nên để người có tài sản đấu giá quyết định và chịu trách nhiệm về việc đấu giá tài sản”.

Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc chịu trách nhiệm đối với tài sản đưa ra đấu giá, việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô khi đưa ra đấu giá tại dự thảo luật.

“Quy định như vậy không rõ ràng và rất dễ xảy ra tiêu cực” - ĐB Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm và phân tích đây là trách nhiệm của người có tài sản.

Với tài sản cá nhân, việc áp dụng quy định luật này không vấn đề, họ có quyền bán sỉ/bán buôn. Tuy nhiên, nếu là tài sản nhà nước, người có tài sản là đại diện cho sở hữu nhà nước, họ chịu trách nhiệm gộp các tài sản độc lập thành lô khi đưa ra đấu giá là không rõ ràng, rất dễ xảy ra tiêu cực.

Ông Giang dẫn chứng việc thanh lý các tài sản nhà nước. “Thực tế, khi thanh lý các lô xe công ở các cơ quan, giờ gom vào bán 10-20 xe thì ai tham gia? Chắc chắn là đầu nậu. Người có nhu cầu thực chỉ quan tâm mua 1-2 xe chứ khó mua 10-20 xe” - ông Giang nói và đề nghị phải cấm tuyệt đối việc này.

Đặc biệt, theo ĐB Giang, với tài sản độc lập như đất đai thì không cho phép gom để bán theo gói. Còn với tài sản khác, trong trường hợp thực tế có thể đấu giá hai bước. Bước đầu đấu giá riêng lẻ, sau đó có thể bán lô theo diện thanh lý với phế liệu. “Như vậy sẽ đảm bảo sự tham gia của tổ chức, cá nhân, bảo đảm sự minh bạch khi đấu giá tài sản nhà nước” - vị ĐB nói thêm.

Ngăn chặn các hành vi trục lợi trong đấu giá tài sản

Một trong những vấn đề nhận được góp ý tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản liên quan đến chế tài, xử lý vi phạm với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho hay: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ sáu tháng đến năm năm.

“Việc này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...” - ông Thanh nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/rat-de-xay-ra-tieu-cuc-neu-gop-tai-san-doc-lap-dau-gia-theo-lo-post791755.html