Quốc gia châu Á phá kỷ lục tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới

Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, khi quốc gia này ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong hai năm liên tiếp.

Cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc cho biết tỷ lệ sinh chung - tức là số trẻ trung bình một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời - đã giảm xuống chỉ còn 0,81 vào năm 2021.

Trong cùng giai đoạn, số trẻ sơ sinh ở nước này cũng giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, còn 260.000 trẻ. Đây đã là năm thứ hai liên tiếp số ca sinh của Hàn Quốc giảm xuống dưới 300.000.

Tỷ lệ sinh thấp đang là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách. Chính phủ Hàn Quốc đã chi ngân sách gần 171 tỷ USD trong 15 năm đến năm 2020 để củng cố nhân khẩu học nước này. Nhưng các ước tính chính thức vẫn cho thấy dân số sẽ tiếp tục giảm từ 51,75 triệu vào năm 2021 xuống còn 37,66 triệu vào năm 2070.

Tình hình có vẻ ảm đạm ngay cả ở khu vực Seoul, nơi sinh sống của phần lớn dân số cả nước. Tỷ lệ sinh 0,63 của thủ đô thậm chí còn thấp hơn rõ rệt so với toàn quốc, theo Nikkei Asia.

 Chi phí nhà ở, chăm sóc trẻ em và giáo dục đã khiến nhiều người ở Hàn Quốc ngần ngại sinh con. Ảnh: AFP.

Chi phí nhà ở, chăm sóc trẻ em và giáo dục đã khiến nhiều người ở Hàn Quốc ngần ngại sinh con. Ảnh: AFP.

Gánh nặng ngày càng lớn

Vào năm 2021, loạt phim Squid Game của Hàn Quốc đã làm mưa làm gió trên toàn thế giới. Trong phim, 456 thí sinh mắc nợ sẽ cạnh tranh với nhau trong các trò chơi chết người để có cơ hội giành được 40 triệu USD và xóa nợ.

Bộ phim sau đó đã gây được tiếng vang trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với người trẻ Hàn Quốc - những người đang chật vật tìm cách tiến lên nấc thang xã hội, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và giá nhà tăng chóng mặt.

Thậm chí, một số người trẻ tuổi đã chuyển sang các kế hoạch “làm giàu nhanh chóng” như lao vào vòng xoáy nợ nần để đầu tư tiền điện tử và cổ phiếu, cùng với cờ bạc trực tuyến.

Người trẻ Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những áp lực xã hội và áp lực công việc như làm thêm giờ hay tham gia vào các buổi nhậu nhẹt với sếp và đồng nghiệp.

Những áp lực này càng đè nặng đối với phụ nữ đi làm - đối tượng được kỳ vọng sẽ đáp ứng tất cả điều trên, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội cứng nhắc về nghĩa vụ chăm sóc gia đình và ngoại hình.

Những yếu tố này đã dẫn đến sự thiếu khao khát kết hôn và trở thành cha mẹ của người trẻ tuổi.

"Khi lớn lên, tôi luôn tin rằng mình sẽ kết hôn vào một ngày nào đó. Nhưng rồi tôi ngày càng sợ hãi hôn nhân vì có quá nhiều áp lực cuộc sống đè nặng", Park Hyun Ah chia sẻ với Korea Herald.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, phụ nữ ở Hàn Quốc dành thời gian gấp 4,4 lần so với nam giới để làm việc nhà.

 Áp lực kinh tế, việc làm khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc không muốn nghĩ đến việc lập gia đình. Ảnh: Reuters.

Áp lực kinh tế, việc làm khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc không muốn nghĩ đến việc lập gia đình. Ảnh: Reuters.

Không chỉ vậy, ngay cả khi đã lập gia đình, giá nhà đất và chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng cao cũng khiến nhiều người trẻ xứ củ sâm e ngại việc có con. Ngày càng nhiều người trì hoãn việc sinh đẻ và cố gắng tập trung cho công việc.

Báo cáo tháng 12/2021 của Statistics Korea cho thấy 8,8% phụ nữ đã kết hôn ở Hàn Quốc không có con tính đến năm 2020, tăng gấp đôi so với con số 4,4% được ghi nhận vào năm 2010.

Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group (Mỹ), tỷ lệ chi phí nuôi dạy trẻ trên mức thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất thế giới.

Một nghiên cứu cho thấy các hộ gia đình có con ở độ tuổi trung học trở xuống đã chi trung bình hơn 472 USD/ tháng cho giáo dục tư nhân. Con số này của 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất là hơn 1.000 USD - gấp hơn 10 lần so với nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp nhất.

Trong bối cảnh đó, hơn một nửa thanh niên Hàn Quốc nói rằng việc có con là không cần thiết sau khi kết hôn, theo Fortune.

"Sau khi bàn bạc với chồng, chúng tôi quyết định không sinh con", một phụ nữ ngoài 30 tuổi cho biết.

Trong những năm 1970, số ca sinh hàng năm của Hàn Quốc vào khoảng một triệu. Kể từ đó, nó đã liên tục giảm. Tuổi trung bình của phụ nữ sinh con cũng tăng lên 33,4 vào năm 2021, so với 33,1 trong một năm trước đó.

“Nhìn vào tỷ lệ sinh quá thấp này mới thấy người Hàn Quốc đang cảm thấy việc lập gia đình, sinh con và nuôi dạy con cái khó khăn đến mức nào”, Lee Samsik, giáo sư chính sách tại Đại học Hanyang ở Seoul, cho biết.

Loay hoay tìm giải pháp

Năm 2020, Hàn Quốc lần đầu tiên trải qua đợt giảm dân số tự nhiên do số người chết vượt qua số trẻ sơ sinh. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, vào cuối thế kỷ này, dân số 51 triệu người của Hàn Quốc có thể giảm một nửa.

Trong vài năm gần đây, quốc gia này đã phải cố gắng tìm ra các giải pháp để đối phó với tình trạng dân số và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.

 Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một số khoản trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một số khoản trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một nhóm đặc nhiệm về chính sách dân số vào năm 2019 để xem xét các cách giúp điều chỉnh nhân khẩu học của đất nước. Vấn đề được xem xét bao gồm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế hay đa dạng hóa hình thức kết hôn.

Chính phủ cũng đưa ra một số khoản trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con, bao gồm tiền thưởng 1.185 USD cho mỗi đứa trẻ được sinh ra và trợ cấp 224 USD hàng tháng trong năm đầu đời của trẻ. Con số này sẽ tăng lên 373 USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, những người mới lên chức cha mẹ và có thời gian làm việc trên 6 tháng về mặt lý thuyết được hưởng một năm nghỉ phép có lương.

"Chính sách hỗ trợ đang chuyển từ khuyến khích phụ nữ sinh con, giúp họ cân bằng cuộc sống gia đình - công việc sang cả cung cấp nhiều lợi ích hơn cho nam giới, động viên họ tham gia nuôi dạy con cái", Jung Jae-hoon, giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Phụ nữ Seoul, nói.

Dù vậy, trên thực tế, người lao động nghỉ thai sản vẫn còn hiếm do sự kỳ thị nghề nghiệp, trong khi các bà mẹ nghỉ thai sản thường bị chủ lao động phạt vì làm như vậy.

Các khoản trợ cấp “có thể giúp ích, nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng nó sẽ khó tạo ra sự khác biệt lớn. Hỗ trợ tài chính cho cha mẹ chỉ có tác động hạn chế đến việc sinh đẻ”, Gareth Leather, nhà kinh tế châu Á tại công ty nghiên cứu Capital Economics, viết trong ghi chú vào tháng 8/2021.

Viễn cảnh lực lượng lao động bị thu hẹp đã đặt Hàn Quốc đi đầu trong việc phát triển robot và trí tuệ nhân tạo ở nơi làm việc.

 Các học sinh trung học chúc mừng tiền bối thi đại học. Hàn Quốc tập trung vào các bằng cấp giáo dục khiến việc có con trở nên rất tốn kém. Ảnh: Reuters.

Các học sinh trung học chúc mừng tiền bối thi đại học. Hàn Quốc tập trung vào các bằng cấp giáo dục khiến việc có con trở nên rất tốn kém. Ảnh: Reuters.

Hàn Quốc cũng thực hiện cải cách mở cửa cho lao động nhập cư. Tuy nhiên, chỉ có 3% dân số là người nước ngoài sinh ra, trước lo ngại về những thách thức để trở thành công dân Hàn Quốc. Công chúng cũng phản đối việc người nhập cư ồ ạt tràn vào đất nước.

Trong bối cảnh đó, Lee Sang-lim, nhà nhân khẩu học của Viện nghiên cứu sức khỏe và các vấn đề xã hội Hàn Quốc, cảnh báo nếu chính phủ không can thiệp, đất nước có thể sẽ trải qua tình trạng thiếu lao động trầm trọng vào giữa thập kỷ tới.

“Trong vòng 3-4 thế hệ nữa, dân số quốc gia cũng có thể sụt giảm đáng kể”, ông nói thêm.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quoc-gia-chau-a-pha-ky-luc-ty-le-sinh-thap-nhat-the-gioi-post1349086.html