Quản lý tài chính cho người độc thân trên 35 tuổi

Theo sự phát triển của xã hội, càng có nhiều người chọn cuộc sống độc thân thay vì lập gia đình có con. Không bị áp lực về gia đình con cái, liệu những người độc thân trên 35 tuổi cần lưu ý những điều gì về quản lý tài chính cá nhân khi đã bước sang tuổi 35?

Cách đây ba tháng, chị Linh Chi (kế toán) nhận được quyết định cho nghỉ việc từ công ty. Do tình hình kinh doanh khó khăn, công ty quyết định cắt giảm 50 nhân sự, trong đó có chị Chi.

Mặc dù đã rải đơn xin việc tại cả chục công ty, chị vẫn chưa tìm được công việc mới bởi nhiều công ty không tuyển dụng nhân sự mới trong khi độ tuổi của chị khó cạnh tranh trên thị trường lao động. Thất nghiệp ở độ tuổi 36 khiến chị Chi phải đối mặt với khó khăn tài chính bởi tiền lương hàng tháng là khoản thu nhập duy nhất của chị.

Xác định chọn cuộc sống độc thân do không muốn bị áp lực về gia đình, con cái, chị Chi chưa từng nghĩ đến việc tích góp hay đầu tư. “Từ trước đến nay, tôi làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu. Đến khi nguồn thu nhập duy nhất không còn nữa, tôi thực sự rơi vào khủng hoảng”, chị Chi cho hay.

Nếu như những người có gia đình có lợi thế tài chính là có từ hai nguồn thu nhập trở lên thì những người lựa chọn cuộc sống độc thân như chị Chi lại phải “tự lực gánh sinh” và dễ rơi vào khó khăn nếu không có kế hoạch quản lý tài chính đúng đắn.

Theo bà Vũ Thị Hương,Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn đầutư và Quản lý tài sản FIDT, điều đầu tiên những người độc thân trên 35 tuổi cần làm là phải xây dựng lớp bảo vệ tài chính.

Một quỹ dự phòng tương đương 3 - 6 tháng sinh hoạt phí, trong đó bao gồm các khoản trả nợ sẽ là một tấm khiên bảo vệ cần thiết dự phòng cho các tình huống không may xảy ra”, bà nói.

Bên cạnh đó, những người độc thân trên 35 tuổi cũng nên chú trọng đến chi phí y tế. Ở độ tuổi ngoài 35, sức khỏe có thể có những dấu hiệu đi xuống và nhiều người bắt đầu phải chi trả nhiều hơn cho các khoản y tế. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chi phí y tế trong thực tế có thể nhiều hơn số tiền quỹ dự phòng của bản thân.

“Thay vì vì sử dụng hết các khoản dự phòng, tiết kiệm, chật vật vay mượn hay trở thành gánh nặng cho người thân, mua bảo hiểm sẽ là lựa chọn khôn ngoan để giảm thiểu tối đa cho bạn tổn thất về tài chính cũng như tinh thần khi đối mặt với bệnh tật. Nếu đã có một hợp đồng bảo hiểm được mua ở giai đoạn bạn giữa 20-30 tuổi, người mua vẫn cần kiểm tra, đánh giá lại xem mệnh giá và các sản phẩm bổ trợ còn phù hợp với thu nhập và tình trạng tài chính của hiện tại nữa hay không.”, bà Hương cho hay.

Sau khi xây dựng lớp bảo vệ tài chính, theo bà Hương, những người độc thân ngoài 35 tuổi cần phải có kế hoạch quản lý chi tiêu một cách có hiệu quả. Theo bà Hương, “bạn hãy lên kế hoạch quản lý chi tiêu một cách hiệu quả bằng cách áp dụng các phương pháp quản lý chi tiêu truyền thống như mô hình “6 chiếc lọ” hay “3 chiếc lọ”; chẳng hạn như tách phần thu nhập của mình ra ba tài khoản riêng biệt, tiết kiệm, chi tiêu thiết yếu và thụ hưởng”.

Bà Vũ Thị Hương, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, FDIT.

Bà Vũ Thị Hương, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, FDIT.

Phân tích cụ thể hơn, bà Hương đề xuất, số tiền cho tiết kiệm nên phụ thuộc vào mức thu nhập cũng như số người phụ thuộc của mỗi cá nhân. “Giả sử lương hàng tháng của bạn là 30tr/ tháng và chưa có người phụ thuộc, thì số tiền bạn chuyển vào tài khoản tiết kiệm sẽ ở mức từ 20-30%, càng nhiều hơn càng tốt, miễn là không ảnh hưởng tới lối sống của bạn”, bà nói.

Về các khoản chi tiêu thụ hưởng, theo bà Hà, mức chi tiêu đề xuất là 10% và tối đa không quá 15% tổng thu nhập. Số tiền còn lại sẽ dùng cho các khoản chi tiêu thiết yếu như tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại, học tập nâng cao kỹ năng, gặp gỡ bạn bè.

Ngoài ra, theo bà Hương, những người độc thân trên 35 tuổi cũng cần chú ý đa dạng hóa danh mục đầu tư, quản trị rủi ro, đảm bảo tính thanh khoản kết hợp với việc sử dụng các yếu tố đòn bẩy tài chính một cách phù hợp. Điều này sẽ giúp gia tăng tài sản một cách đáng kể trong giai đoạn từ 30 – 40 tuổi, giai đoạn có thể gia tăng tích lũy tài sản nhanh nhất.

“Trong giai đoạn này của nền kinh tế, mức lãi suất tiết kiệm thấp, vàng neo ở mức giá cao khó tiếp cận, thì việc chuyển một phần lớp tài sản qua chứng chỉ quỹ, chứng khoán với tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn và kết hợp khoản vay từ ngân hàng hoặc người thân với chi phí lãi vay thấp cố định trong một số năm sẽ giúp bạn sở hữu được chung cư tầm trung hoặc bất động sản vùng ven với tầm nhìn trung hạn”, bà Hương khuyến nghị.

Thêm vào đó, chuyên gia tài chính cá nhân lưu ý cần đầu tư cho việc nâng cao kỹ năng của bản thân bởi bất kỳ ai cũng phải đối mặt với nguy cơ bị đào thải trong lực lượng lao động, kể cả là nhân viên bình thường hay quản lý. Song song với đó, việc lập kế hoạch tài chính tuổi hưu, nhất là nếu trong tương lai không có điểm tựa bạn đời con cái trong lúc về hưu, cũng là điều cần thiết kể giúp những người độc thân an tâm hơn về tương lai.

Bà Vũ Thị Hương, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, FDIT.

Bà Vũ Thị Hương, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, FDIT.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quan-ly-tai-chinh-cho-nguoi-doc-than-tren-35-tuoi-d110503.html