Quản lý chuỗi nhà thuốc cần quy định đặc thù

Dù phổ biến trên thị trường, mô hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc vẫn chưa được điều chỉnh bởi một quy định pháp luật cụ thể, dẫn đến doanh nghiệp có ý định thành lập chuỗi gặp khó khi tiếp cận và triển khai hoạt động này.

Theo định nghĩa tại Dự thảo Luật Dược, chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practices – Thực hành tốt nhà thuốc) thuộc cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc hoặc thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất của cơ sở.

Thành lập như các cơ sở riêng lẻ

Khái niệm “chuỗi nhà thuốc” được đưa vào Dự thảo Luật Dược thật ra không phải là một khái niệm mới. Những quy định về chuỗi nhà thuốc đã được đề cập trong các văn bản pháp luật trước đây, thậm chí đã có hẳn một thông tư của Bộ Y tế từ năm 2009 để quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động của chuỗi nhà thuốc GPP. Mặc dù vậy, thông tư này đã hết hiệu lực từ cuối năm 2018. Từ thời điểm đó đến nay, các quy định hiện hành vẫn chưa có bất kỳ sự đề cập nào đến khái niệm chuỗi nhà thuốc và hoạt động của chuỗi nhà thuốc.

Để tạo thuận lợi, luật pháp cần thiết nên có những quy định riêng biệt về thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập chuỗi nhà thuốc. Ảnh: AI

Để tạo thuận lợi, luật pháp cần thiết nên có những quy định riêng biệt về thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập chuỗi nhà thuốc. Ảnh: AI

Với việc chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh việc thành lập, hoạt động và quản lý chuỗi nhà thuốc, nhiều doanh nghiệp dược vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai mô hình này.

Thực tế cho thấy, nhờ chuỗi nhà thuốc mà các doanh nghiệp dược tạo cho mình những lợi thế nhất định so với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ còn lại. Cụ thể, theo Dự thảo Luật Dược, doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà thuốc có quyền luân chuyển thuốc và người phụ trách chuyên môn, nhân sự trong chuỗi nhà thuốc. Trong khi đó, nhà thuốc nhỏ lẻ truyền thống buộc phải đăng ký nhân sự phụ trách chuyên môn cố định.

Những quy định được bổ sung vào Dự thảo Luật Dược chưa cho thấy sự khác biệt trong việc thành lập chuỗi nhà thuốc, so với các quy định tại thông tư năm 2009 của Bộ Y Tế nói trên. Để kinh doanh chuỗi nhà thuốc, doanh nghiệp kinh doanh dược vẫn phải thành lập từng cơ sở bán lẻ thuốc, mỗi cơ sở bán lẻ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Dược. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện thủ tục công bố doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà thuốc.

Về cơ bản, dù cho có kinh doanh chuỗi nhà thuốc và số lượng nhà thuốc trong chuỗi có lớn đến đâu, doanh nghiệp kinh doanh dược vẫn phải thực hiện thủ tục thành lập từng nhà thuốc riêng lẻ trước. Điều này có phần chưa hợp lý với những doanh nghiệp có tiềm lực và định hướng ngay từ đầu về việc kinh doanh này.

Để tạo thuận lợi, luật pháp cần thiết nên có những quy định riêng biệt về thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập chuỗi nhà thuốc. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền nên cho phép doanh nghiệp trực tiếp thành lập chuỗi nhà thuốc, thông qua việc thành lập cùng lúc nhiều nhà thuốc, miễn mỗi nhà thuốc vẫn đáp ứng các điều kiện của một cơ sở bán lẻ thuốc. Hướng đi này cũng sẽ giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết. Đồng thời, với việc xác định trước những nhà thuốc sẽ nằm trong chuỗi, doanh nghiệp sẽ chủ động và tiết kiệm chi phí hơn trong việc đầu tư cho các hệ thống thiết bị, công nghệ là điều kiện để kinh doanh loại hình này.

Vẫn đánh đồng với nhà thuốc riêng lẻ

Về trách nhiệm của doanh nghiệp, hiện nay, ngoài các quy định về điều kiện kỹ thuật mà chuỗi nhà thuốc cần đáp ứng, vẫn chưa có sự khác biệt nào đáng kể về công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền đối với chuỗi so với các nhà thuốc riêng lẻ. Do lợi thế về số lượng, chuỗi nhà thuốc có khả năng tiếp cận sâu và rộng đến người mua. Bởi độ lan tỏa của chuỗi nhà thuốc, các sản phẩm thuốc nếu có khiếm khuyết cũng sẽ tác động nhanh chóng đến nhiều người dùng, khi đó, việc giải quyết hậu quả như đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm hay bồi thường thiệt hại cho người dùng sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp. Điều này đòi hỏi công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền đối với chuỗi nhà thuốc phải chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn so với các nhà thuốc riêng lẻ thông thường, đặc biệt đối với những chuỗi có số lượng nhà thuốc lớn, trải dài tại nhiều địa phương.

Trong khi đó, công tác quản lý hoạt động của chuỗi nhà thuốc theo quy định tại Dự thảo Luật Dược vẫn còn xu hướng đổ đồng với các nhà thuốc riêng lẻ. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển và nhân rộng mô hình chuỗi nhà thuốc, Việt Nam cần thiết phải có sự thay đổi về thủ tục hành chính, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp gia nhập.

Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần chú trọng và có những quy định riêng biệt, chặt chẽ hơn trong công tác quản lý hoạt động của chuỗi nhà thuốc. Để bảo đảm cho các chuỗi nhà thuốc một khi đã được hưởng những “đặc quyền” của riêng mình cần phải ý thức được trách nhiệm đối với cộng đồng và người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ thuốc.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

LS. Nguyễn Văn Phúc(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quan-ly-chuoi-nha-thuoc-can-quy-dinh-dac-thu/