Phúc Jindo: Chàng trai Việt đam mê chụp ảnh núi Phú Sĩ

Phúc Jindo, chàng trai Việt Nam làm việc ở Nhật Bản, có sở thích lưu giữ những khung hình về núi Phú Sĩ. Với anh, ở mỗi thời điểm, ngọn núi tại xứ sở Mặt Trời mọc lại mang một vẻ đẹp rất riêng, khó có thể trùng lặp.

Phúc Jindo (Phúc Bùi - tài khoản Instagram: @phuc_jindo3776) đang là nhiếp ảnh gia được nhiều bạn trẻ biết đến qua loạt tác phẩm ảnh đẹp về núi Phú Sĩ tại Nhật Bản. Anh đã có khoảng thời gian hơn 5 năm sinh sống và làm việc tại đất nước Mặt Trời mọc, cùng với đó là hành trình “săn” những khoảnh khắc tuyệt đẹp của ngọn núi Phú Sĩ, biểu tượng xứ Phù Tang.

Cơ duyên nào khiến Phúc “phải lòng” với núi Phú Sĩ?

Phúc Jindo: Lúc mới sang Nhật thì mình cũng chỉ chọn đại một tỉnh để làm việc thì tình cờ tại tỉnh Yamanashi lại có núi Phú Sĩ. Khi mà công việc đã đi vào quỹ đạo, ổn định hơn thì mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về ngọn núi hùng vĩ này. Thời tiết ở đây sẽ thay đổi thường xuyên và có những hiện tượng như “mây nón” rất đẹp.

Ban đầu, Phúc chụp ảnh chỉ để ghi lại hành trình của mình thôi, sau mình đi có đi đến những nơi có triển lãm ảnh về núi Phú Sĩ, mình thấy thích rồi bắt đầu tìm hiểu về thời gian, địa điểm chụp và rồi in dần vào tiềm thức của mình.

Tại sao Phúc lại chọn núi Phú Sĩ để theo đuổi cho hành trình nhiếp ảnh?

Phúc Jindo: Núi Phú Sĩ không chỉ là biểu tượng của Nhật Bản mà nó còn ẩn chứa điều gì đó rất thần bí và phải tìm hiểu sâu thì mới có trải nghiệm tinh thần đó. Thực tế là nhiều hôm mình đi từ đêm đến sáng để bắt được khoảnh khắc Mặt Trời mọc trên đỉnh núi Phú sĩ, hay còn gọi là “kim cương Phú Sĩ” và cả những lúc mình chờ để chụp được khoảnh khắc trăng trên trên đỉnh núi Phú Sĩ hay còn gọi là “ngọc trai Phú Sĩ” thì lại bị mây che, không chụp được gì dù trước đó trời rất đẹp.

Đặc biệt, trong một năm, chỉ có vài ngày mình có thể chụp được “kim cương Phú Sĩ” cùng một vị trí chứ không phải quanh năm. Còn về chu kỳ Mặt Trăng lại khác với Mặt Trời nên mình phải dò tìm vị trí và thời gian khác hoàn toàn so với mặt trời.

Phúc cân bằng giữa công việc và nhiếp ảnh thế nào?

Đã là đam mê thì mình sẽ cố gắng theo đuổi thôi chứ chả phải để ý rằng hôm nay mình sẽ làm việc ca nào, nếu làm ca sớm thì chiều đi làm về mình có thể đi chụp còn nếu làm ca muộn thì Phúc sẽ tranh thủ buổi sáng sớm đi chụp rồi về đi làm. Phú Sĩ đẹp nhất là vào bình minh và khi chiều muộn nhưng lợi ích của việc đi chụp sớm là sẽ vắng khách du lịch, có thể tự do sáng tác.

Bên cạnh đó, chụp ảnh giúp mình đỡ stress hơn. Mục đích ban đầu Phúc đi chụp ảnh chỉ là để giải trí sau giờ làm vất vả, đi làm về dù mệt nhưng hôm sau mình vẫn muốn đi chụp ảnh và vô cùng hứng khởi. Được đi chụp ảnh là mình luôn tràn đầy năng lượng chứ không thấy mệt mỏi gì cả.

Đâu là khoảnh khắc khó chụp nhất đối với Phúc?

Phúc Jindo: Chắc có lẽ là năm 2022 khi mà có hiện tượng trăng máu xuất hiện. Lúc ấy thì mình cũng đi chụp nhưng mà trăng khi xuất hiện trên đỉnh Phú Sĩ vẫn chỉ là trăng bình thường, khi mà trăng lên cao hơn thì lại chuyển hoàn toàn thành trăng máu, đó là một trong những khoảnh khắc mình rất ấn tượng.

Khi chụp một bức ảnh, với Phúc đâu là yếu tố quan trọng nhất?

Phúc Jindo: Mình không quá giỏi về kỹ thuật mà chỉ chụp dựa trên cảm nhận. Ngoài tự học ra thì mình chụp dựa vào cảm nhận riêng nhưng mà yếu tố cần căn chỉnh nhiều nhất khi chụp có lẽ là bố cục, vì chụp núi Phú Sĩ thì cần phải có bố cục rõ ràng mới thể hiện được hết vẻ đẹp. Sau bố cục chắc là thời gian, khi đã chụp lâu và có kinh nghiệm thì mình sẽ biết được nếu muốn chụp khoảnh khắc đó thì nên đi vào thời gian, khung giờ nào cho phù hợp.

Chụp núi Phú Sĩ trong khoảng thời gian dài, liên tục liệu Phúc có từng cảm thấy “chán”?

Dĩ nhiên là có. Mình bị bí ý tưởng và sau đó sẽ phải bắt đầu tìm những khung hình mới, những con đường mới để mình thay đổi, đến những nơi mình chưa từng đặt chân đến. Phú Sĩ có một cái đặc điểm là sẽ không bao giờ thiếu chủ đề và góc chụp chỉ có mình thiếu thời gian thôi. Từ góc nhìn, cảm nhận và kinh nghiệm mình sẽ chọn được góc chụp và bố cục.

Ví dụ như vào mùa Đông ở hồ Yamanakako, băng sẽ đóng trên mặt hồ, có những đoạn băng bị vỡ sẽ tạo nên vết nứt trên bề mặt, nếu mình biết khai thác có thể tạo ra bức ảnh rất riêng.

Điều bạn tự hào nhất về hành trình theo đuổi đam mê này?

Phúc Jindo: Mình từng tham gia rất nhiều cuộc thi nhưng mãi đến 2 năm gần đây mình mới bắt đầu có được những thành quả nho nhỏ. Mới đây thì mình cũng may mắn đạt được giải Ấn tượng trong cuộc thi Ảnh của Trung tâm Di sản thế giới Fujiyama, Hiệp hội Du lịch tỉnh Shizuoka và nhà đài NHK Shizuoka tổ chức.

Ảnh đạt Top 3 do HHDL Tỉnh Shizuoka và Nhà đài NHK shizuoka tổ chức (Lần đầu tham dự).

Ảnh đạt giải Tác phẩm xuất sắc do HHDL Tỉnh Shizuoka và Nhà đài NHK shizuoka tổ chức (Lần thứ 2 liên tiếp).

Ảnh đạt giải Tác phẩm xuất sắc do HHDL Tỉnh Shizuoka và Nhà đài NHK shizuoka tổ chức (Lần thứ 3 liên tiếp).

Ảnh đạt giải Tác phẩm xuất sắc cuộc thi ảnh do tạp chí Du lịch tổ chức.

Hiện tại, Phúc có nghĩ đến việc sẽ có một triển lãm riêng?

Phúc Jindo: Hiện tại thì chưa nhưng trong tương lai cũng có thể có. Phúc nghĩ mình cần thêm thời gian để phát triển, tìm hiểu sâu hơn cũng như có nguồn ảnh dồi dào và chất lượng hơn nữa.

Cảm ơn Phúc vì buổi trò chuyện này và chúc bạn tiếp tục có những bức ảnh đẹp!

Quỳnh Duyên - Ảnh: NVCC, @phuc_jindo3776

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/phuc-jindo-chang-trai-viet-dam-me-chup-anh-nui-phu-si-post1632206.tpo