Phú Thọ sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19

Trong những ngày gần đây, bản đồ dịch COVID-19 của tỉnh đã bắt đầu đổi màu khi các ca mắc COVID-19 mới liên tục giảm. Để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thời gian qua, ngành Y tế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, hiệu quả trong thu dung, chăm sóc và điều trị. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tiến sĩ Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế

(baophutho.vn) - Trong những ngày gần đây, bản đồ dịch COVID-19 của tỉnh đã bắt đầu đổi màu khi các ca mắc COVID-19 mới liên tục giảm. Để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thời gian qua, ngành Y tế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, hiệu quả trong thu dung, chăm sóc và điều trị. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 này, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận gần 1.400 ca mắc COVID-19. Đối phó với dịch bệnh, ngành Y tế đã nỗ lực như thế nào để sớm kiểm soát các vùng dịch?

Đồng chí Lê Quang Thọ: Để sớm kiểm soát tình hình, các nguyên tắc cơ bản và biện pháp cốt lõi trong phòng chống dịch COVID-19 đã được ngành y tế phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai tổng thể, đồng bộ bao gồm: Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, truy vết F1, F2 thần tốc; xét nghiệm sàng lọc diện rộng phát hiện sớm F0, cách ly khỏi cộng đồng; khoanh vùng phong tỏa diện hẹp các ổ dịch; đảm bảo tuân thủ các quy định trong khu vực cách ly, phong tỏa để hạn chế lây nhiễm chéo; tiếp tục kiểm soát người về từ các vùng ổ dịch ở các tỉnh, thành khác; tăng cường tầm soát tất cả người có biểu hiện ho, sốt; tầm soát ngẫu nhiên tại cộng đồng, trong các nhóm nguy cơ; người lao động trong CSSXKD, học sinh và giáo viên trong một số trường học,… Phân loại bệnh nhân phù hợp, điểu trị kịp thời, hiệu quả theo ba tầng điều trị và áp dụng sớm mô hình quản lý bệnh nhân tại nhà. Đẩy nhanh nhất tiến độ tiêm chủng vắc xin để phấn đấu sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chủ động xây dựng các phương án, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực về y tế đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai Nghị quyết 128/ QĐ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.

Với những giải pháp tổng thể nêu trên, tới nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã trong tầm kiểm soát. Dự kiến đến hết tuần 3, tháng 11 toàn tỉnh sẽ không còn xã cấp độ dịch 3 và 4; đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Cán bộ y tế khám và phát thuốc cho bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà

PV: Vậy đánh giá chung về việc kiểm soát tình hình dịch của tỉnh tới lúc này như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Quang Thọ: Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang hoàn toàn trong tầm kiểm soát, thể hiện qua những nội dung sau:

Thứ nhất, số ca mắc mới giảm dần và hầu hết là từ các F1 hoặc các trường hợp đang trong vùng cách ly, phong tỏa. Số mắc ngoài cộng đồng vẫn còn, nhưng rải rác, được phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh và xử lý triệt để. Trong tuần vừa qua, số nhiễm mới trung bình 40 ca/ngày, giảm rõ rệt so với 3 tuần trước (từ 48 ca - 60 ca/ngày) và không phát sinh các ổ dịch lớn ở cộng đồng.

Nhận định trong những ngày tới, số mắc mới tiếp tục giảm do toàn tỉnh đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống tổng thể, đồng bộ như: Kiểm soát chặt chẽ các khu vực cách ly, phong tỏa; tăng cường tầm soát ngẫu nhiên nhóm đối tượng nguy cơ ngoài cộng đồng, tại cơ sở khám chữa bệnh, tại khu vực đông dân cư có giao thông đa dạng, tại cơ sở sản xuất kinh doanh, tại trường học khi học sinh đi học trở lại; tiếp tục tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoặc cho phép hoạt động có điều kiện đối với các dịch vụ thiết yếu nhưng có nguy cơ (nhà hàng ăn uống chỉ phục vụ 50% công suất...); đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người đến/trở về từ vùng ổ dịch ở các tỉnh, thành khác.

Thứ hai, công tác phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả người mắc COVID-19 theo phân tầng của tỉnh đã được chủ động chuẩn bị và đang vận hành tốt. Hiện tại, toàn tỉnh có 568 bệnh nhân (BN) đang được điều trị, trong đó 189 ca tại 2 Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp tỉnh, 295 ca tại 5 BVDC cấp huyện; 72 điều trị tại nhà và 12 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trong số BN đang điều trị, có 4,4% người trên 65 tuổi, 22,0% trẻ em dưới 16 tuổi, 0,2% phụ nữ mang thai; 65,0% không triệu chứng, 31,0% nhẹ, 2,8% vừa, 0,9% ca bệnh nặng và 0,3% ca bệnh nguy kịch. Số ra viện trung bình trong tuần vừa qua là 71 ca/ ngày. Với số ca nhiễm mới hàng ngày đang giảm dần và thấp hơn nhiều so với số ca khỏi bệnh, dự kiến trong tuần tỉnh có thể tạm dừng hoạt động của một số BVDC cấp huyện.

Thứ ba, tiếp tục tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tiến độ phân bổ vắc xin của Bộ Y tế. Đến thời điểm này, toàn tỉnh lũy tích đã có 892.140 người trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (chiếm 84,3%), trong đó có 188.572 người đã được tiêm đủ 2 mũi (17,8%), 703.568 người mới được tiêm 1 mũi (66,5%). Dự kiến đến hết tháng 12/2021, trên 90% người trên 18 tuổi được tiêm đủ hai mũi và 95% trẻ em 12-17 tuổi được tiêm vắc xin.

PV: Một trong những giải pháp để chăm sóc và điều trị cho các F0 tại nhà là thành lập các mô hình trạm y tế lưu động, vậy đồng chí có thể đánh giá hiệu quả từ mô hình này?

Đồng chí Lê Quang Thọ: Trong đợt dịch này, phương thức quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà và mô hình trạm y tế lưu động lần đầu tiên được áp dụng tại tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến nay đã có 208 (20,4%) F0 được quản lý, điều trị tại nhà, trong đó có 120 người đã khỏi bệnh và 88 F0 đang tiếp tục được theo dõi, điều trị. Trong quá trình quản lý, theo dõi F0 tại nhà, không xuất hiện bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tuyến điều trị.

Từ đó, có thể nhìn ra những mặt tích cực, hiệu quả của mô hình như: Ngành y tế hoàn toàn chủ động về nhân lực, trang thiết bị, phương thức hoạt động. Giảm tải áp lực phải thành lập hoặc mở rộng quy mô BVDC, qua đó giảm đáng kể chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân lực. Những F0 đủ điều kiện được quản lý ở nhà có cơ hội được chăm sóc tốt hơn về vật chất và tinh thần, nhanh chóng hồi phục hơn. Sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, cấp xã trong chỉ đạo và huy động các lực lượng chức năng ở cơ sở (chi bộ, hành chính khu dân cư, Tổ COVID-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động...) để giám sát chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự và các điều kiện hậu cần hỗ trợ quản lý F0 tại nhà.

Chúng tôi nhận thấy quản lý F0 tại nhà với mô hình trạm y tế lưu động cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đây chính là sự thể hiện rõ nét nhất của phương châm “4 tại chỗ” và là xu hướng tất yếu để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân trong vùng có nguy cơ cao

PV: Công tác cách ly F1 tại nhà đã được Phú Thọ triển khai hiệu quả như thế nào trong thời gian qua, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Quang Thọ: Ngay từ đầu đợt dịch này, ngành y tế đã nhận định, dự báo số F1 trong vài tuần sẽ có thể lên tới hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn và đã đến thời điểm cần áp dụng rộng rãi cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Kể từ đó tới nay, đã có 15.613 F1 được áp dụng cách ly tại nhà (chiếm 97% tổng số F1 trong đợt dịch). Qua cách làm này, chúng tôi có một số ghi nhận như sau:

Đã có 770 F1 (5,3%) cách ly tại nhà chuyển thành F0, bởi vậy việc cách ly kịp thời F1 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ngăn ngừa dịch lây lan bùng phát. Chỉ có 80 người cùng hộ gia đình F1 đang cách ly tại nhà (xấp xỉ 0,5%) cũng chuyển thành F0 sau khi F1 chuyển thành F0, theo chúng tôi, đây là tỷ lệ hoàn toàn có thể chấp nhận được trong bối cảnh diễn biến dịch như hiện nay.

Sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo và huy động các lực lượng chức năng ở cơ sở để quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự và cung cấp, hỗ trợ hậu cần cho các hộ gia đình đang cách ly F1 tại nhà. Đặc biệt, hướng dẫn, giám sát thường xuyên để hạn chế lây chéo virus từ F1 (chuyển F0) sang các thành viên khác trong gia đình.

Tiết kiệm được đáng kể nguồn lực so với tổ chức cách ly tập trung. Nếu trung bình mỗi F1 cách ly y tế tập trung phải chi phí 120.000/ngày, thì việc áp dụng cách ly 15.613 F1 tại nhà đã tiết kiệm được trên 26 tỷ đồng chi phí xã hội. Ngoài ra, đã giảm đáng kể chi phí từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu, bố trí lực lượng chức năng để tổ chức cách ly y tế tập trung.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi

Cách ly tại nhà giúp người dân yên tâm, không còn tâm lý e ngại nơi ăn ở và là một trải nghiệm trực quan, sinh động để toàn thể cộng đồng nhận thức rõ hơn về mối nguy mầm bệnh lây lan và những yêu cầu bắt buộc trong phòng, chống dịch COVID-19, giúp người dân tự giác hơn, cảnh giác hơn, trách nhiệm hơn trong áp dụng 5K để chủ động tránh cho chính bản thân mình và gia đình.

Cùng với quản lý F0 tại nhà, việc cách ly F1 tại nhà là xu hướng tất yếu của quản lý rủi ro, cần phải được mở rộng một cách an toàn, hiệu quả trong thời gian tới.

PV: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Quý

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202111/phu-tho-som-kiem-soat-tinh-hinh-dich-benh-covid-19-181066