Phối hợp tìm dấu ấn ung thư trong sàng lọc

Với sự tiến bộ của y học, nhiều bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống. Do đó, chẩn đoán sớm ung thư là mục tiêu đầu tiên trong phòng chống ung thư không chỉ tại Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Bác sĩ nghe tim một bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có hơn 182.500 ca mắc mới và gần 122.700 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa.

Chẩn đoán càng sớm, tỉ lệ điều trị càng cao

Trong thời gian gần đây, với sự tiến bộ của y học, nhiều bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Do đó, chẩn đoán sớm ung thư là mục tiêu đầu tiên trong phòng chống ung thư không chỉ tại Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nếu chẩn đoán sớm trong giai đoạn đầu có thể điều trị khỏi cho bệnh nhân lên tới 90-98%; ngược lại nếu chẩn đoán muộn, ở giai đoạn ung thư đã di căn thì tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân chỉ còn khoảng 25% trong tổng số các trường hợp. Tùy theo loại ung thư mà có những phương pháp chẩn đoán đặc hiệu nhằm phát hiện chính xác bệnh cũng như giai đoạn bệnh.

Gần đây, nhờ tiến bộ của lĩnh vực y học phân tử, sinh hóa, các nhà khoa học đã tìm ra một số chất trong máu tăng khi các tế bào trong cơ thể có tình trạng phân chia mất kiểm soát. Người ta gọi các chất này là chất chỉ điểm ung thư. Các tế bào phân chia mất kiểm soát đến một giai đoạn nào đó sẽ phát triển thành ung thư. Như vậy, xét nghiệm thấy các chất loại này tăng cao trong máu so với bình thường được gọi là dấu ấn ung thư (tumor marker).

Không có chất chỉ điểm khối u nào có thể đạt được độ chính xác 100%. Và một chất chỉ điểm khối u cũng có thể liên quan đến nhiều loại khối u, vì vậy trong lâm sàng có thể sử dụng phối hợp các dấu ấn ung thư. Cụ thể, để tầm soát ung thư dạ dày, cần xét nghiệm CEA, CA72-4, CA 19-9, CA 50, CA 242. Để tầm soát ung thư ruột, cần xét nghiệm CEA, CA 50, CA 242, CA 19-9. Để tầm soát ung thư gan, cần xét nghiệm AFP.

Để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, cần xét nghiệm PSA... Mỗi xét nghiệm đều có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau, có chỉ số độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu thấp, do đó không thể dựa vào các chỉ báo này để chẩn đoán ung thư hay không.

Tìm dấu ấn ung thư chỉ mang tính chỉ điểm, gợi ý, tham khảo chứ không mang tính chẩn đoán xác định. Để chẩn đoán xác định cần làm các xét nghiệm, thực hiện kỹ thuật chuyên sâu hơn.

Xét nghiệm dấu ấn ung thư có vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Một số xét nghiệm có thể tìm được từ một hoặc nhiều hơn các dấu ấn của bệnh ung thư. Để việc chẩn đoán chính xác, tùy vào bệnh ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm một hoặc nhiều hơn một xét nghiệm. Để đảm bảo có một sức khỏe tốt, người dân nên tầm soát ung thư định kỳ mỗi năm một lần.

Bình tĩnh tham vấn làm xét nghiệm chuyên sâu

Tuy nhiên, khi nào cần tầm soát ung thư, tầm soát loại ung thư nào và thực hiện xét nghiệm gì thì cần được sự tư vấn của thầy thuốc một cách cẩn thận. Người dân không nên yêu cầu cơ sở xét nghiệm làm theo ý mình. Bởi vì tìm dấu hiệu chỉ điểm chỉ mang tính gợi ý, không mang tính chẩn đoán quyết định. Nếu một ai đó xét nghiệm có dấu ấn ung thư, thầy thuốc sẽ chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu và phối hợp các yếu tố khác mới chẩn đoán xác định.

Nhiều người qua xét nghiệm sàng lọc có một vài dấu ấn đã lo lắng quá mức, chạy đông chạy tây, ai mách gì đều làm theo, cuối cùng không phải ung thư nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và tài chính của gia đình.

Vậy có cần sàng lọc ung thư bằng xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư không? Câu trả lời là rất cần.

Những ai nên đi xét nghiệm sàng lọc tìm dấu ấn ung thư? Những người trên 40 tuổi, có các yếu tố nguy cơ như gia đình có người bị ung thư, nghiện thuốc lá, phơi nhiễm với các chất độc, viêm gan siêu vi B, C, sụt cân không rõ nguyên nhân... thì nên sàng lọc, nhưng tốt nhất là đi khám sức khỏe và làm theo tư vấn của thầy thuốc. Và nên chọn các cơ sở có uy tín, với độ tin cậy cao để làm xét nghiệm sàng lọc ung thư.

Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã thực hiện các xét nghiệm định lượng các chỉ số tầm soát ung thư: CA: 12.5, CA: 15.3, CA: 19.9, CYFRA: 21.1, tầm soát ung thư dạ dày, tụy, ung thư phổi tế bào lớn, ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư vú, ung thư buồng trứng...

Dấu ấn ung thư chỉ mang tính chỉ điểm, hơn nữa mỗi dấu hiệu không chỉ tăng ở ung thư mà còn tăng ở nhiều bệnh lý khác. Mặt khác, cũng có những dấu hiệu có độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu thấp (dương tính giả). Vì vậy khi có dấu hiệu chỉ điểm nào đó, cần bình tĩnh và tham vấn bác sĩ để làm các xét nghiệm hay các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng khác có độ tin cậy cao hơn.

BS NGUYN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/95/315865/phoi-hop-tim-dau-an-ung-thu-trong-sang-loc.html