Phố Wall tăng điểm trong lúc nhà đầu tư đợi báo cáo việc làm

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào phiên 2/5 khi các nhà đầu tư theo dõi hướng dẫn lãi suất ôn hòa hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và vô số dữ liệu kinh tế, thu nhập hỗn hợp…

Kết thúc phiên 2/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 322,37 điểm (+0,85%) lên 38.225,66 điểm, S&P 500 thêm 45,81 điểm (+0,91%) đóng cửa ở mức 5.064,2 điểm và Nasdaq Composite leo 235,48 điểm (+1,51%) thành 15.840,96 điểm.

9 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P kết thúc ở mức cao hơn, trong đó có ngành công nghệ dẫn đầu. Lĩnh vực vật liệu chịu tổn thất phần trăm lớn nhất.

Nasdaq thiên về công nghệ là chỉ số có đà tăng mạnh nhất, bổ sung thêm 1,5% nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ từ cổ phiếu chip, với Qualcomm báo cáo doanh thu và lợi nhuận hàng quý vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.

Cổ phiếu của nền tảng ô tô đã qua sử dụng Carvana cũng “phi mã” 33,8% nhờ dự báo lợi nhuận lạc quan.

Tuy nhiên, dự báo lợi nhuận đáng thất vọng đã khiến cổ phiếu của DoorDash giảm 10,3%.

Etsy cũng mất 15,0% sau khi công ty không đạt được kỳ vọng của Phố Wall về tổng doanh thu hàng hóa và lợi nhuận trong quý đầu tiên.

Peloton trượt 2,5% do thông báo về việc CEO của nhà sản xuất thiết bị thể dục từ chức và công ty cắt giảm 15% lực lượng lao động toàn cầu.

Sau khi thị trường đóng cửa, Apple đã báo cáo doanh thu hàng quý sụt giảm ít hơn dự kiến, từ đó hỗ trợ cổ phiếu của hãng tăng nhẹ.

Dữ liệu LSEG cho thấy trong số 373 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo thu nhập tính đến sáng 2/5, 77% đã công bố kết quả tốt hơn mong đợi.

“Chủ đề chung của quý này là các công ty đang vượt qua kỳ vọng của giới phân tích nhưng không thực sự được khen ngợi nhiều như những quý trước. Và những đơn vị không đạt được kỳ vọng chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều lời phê bình”, ông Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao và chiến lược gia thị trường tại Murphy & Silvest nhận xét.

Trong khi đó, thị trường đang tiếp tục phân tích những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào 1/5 rằng động thái chính sách tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ là hạ lãi suất; sau khi đã giữ nguyên vào cuối cuộc họp vừa qua.

Tuy nhiên, ông Powell cũng lưu ý rằng các chỉ số lạm phát mạnh gần đây cho thấy rằng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay có thể phải mất thêm một thời gian dài nữa.

“Điểm mấu chốt được rút ra sau các thông báo của Fed vào ngày hôm qua rằng Fed không có ý định tăng thêm lãi suất. Họ sẽ giữ lãi suất ổn định và chờ đợi bất kỳ dấu hiệu nào về kinh tế hoặc lạm phát thấp hơn để nhảy vào cuộc và bắt đầu cắt giảm lãi suất”, ông Paul Nolte cho biết thêm.

Một số dữ liệu được công bố hôm 2/5 cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã giảm, số lượng sa thải theo kế hoạch cũng hạ bớt trong khi đó chi phí lao động hàng quý tăng. Hiện tại, sự tập trung đều hướng về báo cáo việc làm tháng 4 sẽ được đưa ra vào 3/5.

Joseph Sroka, giám đốc đầu tư tại NovaPoint chia sẻ: “Fed đã nhất quán khi nói rằng họ sẽ phụ thuộc vào dữ liệu. Chúng ta bước vào năm 2024 với suy nghĩ sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất sớm nhưng dữ liệu đã không ủng hộ điều đó”.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng cấp triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một phần nhờ vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu rơi xuống gần mức thấp nhất trong 7 tuần, dao động trong biên độ hẹp và chịu áp lực từ nhu cầu toàn cầu yếu hơn, tồn kho tăng và hy vọng cắt giảm lãi suất bị lung lay.

Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ giảm 5 cent xuống mức 78,95 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 12/3. Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3, sau đó thoát khỏi mức thấp trong phiên để nhích nhẹ 23 cent, tương đương 0,3% và đóng cửa ở mức 83,67 USD/thùng.

Nhà phân tích dầu Alex Hodes của StoneX chỉ ra rằng cả hai điểm chuẩn đều đóng cửa dưới mức trung bình động 200 ngày, đây là chỉ báo kỹ thuật quan trọng cho thấy sự thay đổi của thị trường giá dầu thô.

Trước đó vào 1/5, giá dầu đã mất hơn 3% sau khi chính phủ Mỹ báo cáo dự trữ dầu thô bất ngờ tăng vọt và Fed giữ nguyên lãi suất với lý do lạm phát dai dẳng.

Sụt giảm nhu cầu dầu diesel trên toàn cầu cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại ở các nền kinh tế lớn. Dữ liệu từ công ty tư vấn Insights Global cho thấy tồn kho gasoil, bao gồm dầu diesel, tăng hơn 3% tại trung tâm lưu trữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp của Châu Âu trong tuần tính đến thứ Năm.

Trong trường hợp giá tiếp tục giảm mạnh và nhu cầu không đi lên, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể gia hạn cắt giảm sản lượng, ba nguồn tin từ OPEC tiết lộ với Reuters.

Các nhà giao dịch đang theo dõi xem liệu giá dầu thấp hơn có thúc đẩy chính phủ Mỹ bổ sung nguồn dự trữ chiến lược hay không. “Thị trường dầu vẫn đang mong đợi rằng nếu WTI giảm xuống dưới 79 USD/thùng, Mỹ sẽ tiến hành các động thái bổ sung cho kho dự trữ chiến lược của mình”, ông Hiroyuki Kikukawa, chủ tịch NS Trading nhận xét.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/pho-wall-tang-diem-trong-luc-nha-dau-tu-doi-bao-cao-viec-lam-post551928.html