Phó Thống đốc NHNN: Không có lỗ hổng mang tính chất hệ thống toàn ngân hàng

Chiều 3/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thông tin về hành vi, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc bồi thường, hoàn tiền tại vụ bà Vũ Thị Hoài Anh, Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân ngân hàng MSB chiếm đoạt tài sản của khách hàng 338 tỷ đồng.

Chiều 3/4, tại buổi họp báo Chính phủ Thường kỳ 3/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, thời gian qua đúng là có sự việc tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất. Có những vi phạm có thể do cá nhân, tập thể hoặc ngân hàng

“Tuy nhiên nói lỗ hổng có tính chất hệ thống toàn ngân hàng thì tôi khẳng định là không mà thực tế chỉ diễn ra ở một số ngân hàng, tổ chức, đơn vị hoặc các phòng giao dịch. Các vi phạm có thể do cơ chế, cách thức quản lý của các đơn vị đó… Cũng có thể vi phạm do cá nhân, nhân viên ngân hàng, do sự chủ quan, thậm chí là cá nhân thông đồng với nhân viên ngân hàng để có tiêu cực, không chỉ lừa nhau mà còn lừa cả ngân hàng” - ông Đào Minh Tú nói.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thông tin tại buổi họp báo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thông tin tại buổi họp báo.

Phó Thống đốc cho hay, qua mỗi vụ việc, Ngân hàng Nhà nước đều rút kinh nghiệm chung tất cả các ngân hàng và có chỉ đạo để khắc phục kịp thời.

Liên quan đến góc độ quy chế, quy định, Ngân hàng Nhà nước luôn rà soát một cách thường xuyên. Từ lâu tất cả các quy định liên quan đến mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền cũng như gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp đã được hệ thống các văn bản quy phạm rất đầy đủ. Trong đó đã xác định quy định trách nhiệm rất rõ ràng của các ngân hàng thương mại trong cung ứng các dịch vụ liên quan đến mở tài khoản, tiền gửi tiết kiệm.

Bên cạnh đó, đã có quy định đối với trách nhiệm của những người gửi tiền, khách hàng để đảm bảo an toàn, năm 2014 Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư 23 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; sau đó các văn bản quy phạm cũng được thường xuyên cập nhật bổ sung để phù hợp từng điều kiện. Trong trường hợp hiện nay khi sử dụng công nghệ, giao dịch trực tuyến để mở tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm…

“Tuy nhiên việc triển khai các quy định đó của các ngân hàng thương mại bằng các quy định nội bộ, hoặc quy định riêng của mình trong hoạt động quản trị của từng ngân hàng. Việc đó là trách nhiệm của các ngân hàng. Cho nên việc xảy ra vụ việc tại ngân hàng MSB phải xem xét trách nhiệm của ngân hàng xem đã thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước hay chưa” - ông Đào Minh Tú cho hay.

Liên quan đến vụ việc cụ thể tại Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân, ông Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được báo cáo của Ngân hàng MSB. Vụ việc này là do chính ngân hàng phát hiện ra trên cơ sở kiểm soát hoạt động rủi ro của mình và chuyển sang cơ quan Công an điều tra.

Cơ quan Công an cũng đang khẩn trương điều tra để xem xét trách nhiệm thuộc về ai, của ngân hàng MSB hay của cá nhân bà Vũ Thị Hoài Anh hoặc của các cá nhân khác liên quan.

“Để xác định đúng sai, trách nhiệm ở đâu thì phải đợi kết luận điều qua của cơ quan công an. Tuy nhiên có nguyên tắc là những quyền lợi chính đáng của khách hàng sẽ luôn được bảo vệ. Nếu như ngân hàng và cá nhân bà Vũ Thị Hoài Anh có những sai phạm thì phải có trách nhiệm với khoản tiền của khách hàng nếu như khách hàng đã thực hiện đúng các quy định trong giao dịch” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Qua đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ mong muốn, ngoài những quy định cụ thể mỗi bên thực hiện tốt, khách hàng cần quan tâm đến quyền lợi của chính mình, kiểm soát số dư tiền gửi trong tài khoản để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khi giao dịch, sử dụng các dịch vụ tại ngân hàng.

Trước đó, Công an TP Hà Nội đã thông tin về vụ việc khách hàng bỗng dưng mất 58 tỉ tại ngân hàng MSB (Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam).

Cơ quan an ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận tin báo của MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng trên có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin báo trên tố cáo bà Bùi Thị Hoài Anh (sinh năm 1984, trú tại chung cư 390 Bồ Đề, Long Biên), Giám đốc MSB chi nhánh Thanh Xuân có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền 165 tỉ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra ngày 18/10/2023, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh. Bước đầu xác định bà Bùi Thị Hoài Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỉ đồng

Người đầu tiên tố bị mất số tiền lớn gửi tại MSB là bà N.T.L (Hà Nội). Tài khoản được bà L mở tháng 3/2021, do MSB quản lý để báo cáo số dư cuối ngày và cuối tháng phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán của MSB.

Ngày 7/10/2023, theo Giấy xác nhận thông tin tài khoản do MSB chi nhánh Thanh Xuân cung cấp, số dư tiền gửi của bà N.T.L là 58,65 tỉ đồng. Ngày 12/10/2023, theo kết quả in sao kê ngân hàng thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản, số tiền chỉ còn 93.640 đồng.

Đến ngày 28/3 vừa qua, có thêm nạn nhân lên tiếng về việc bị mất số tiền lớn khi gửi tại MSB. Cụ thể, bà V.T.K.O (Hà Nội) cho biết, đã gửi tổng cộng 31,7 tỉ đồng vào MSB. Sau một số lần giao dịch, đến ngày 5/10/2023, số dư trong tài khoản của bà còn 27,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, bà đến Ngân hàng MSB yêu cầu được sao kê tài khoản thì phát hiện chỉ còn 46.328 đồng.

Trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều giao dịch chuyển, rút tiền không phải do chủ tài khoản yêu cầu hoặc tự thực hiện. Ngoài ra, số dư trên sao kê không đúng với số dư MSB thông báo trên các Giấy xác nhận thông tin tài khoản/Số dư tài khoản hoặc email do MSB gửi cho bà tại thời điểm tương ứng.

Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/pho-thong-doc-nhnn-khong-co-lo-hong-mang-tinh-chat-he-thong-toan-ngan-hang.html