PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 7 CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC

Sáng ngày 03/5, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự phiên họp có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương…

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo chương trình làm việc, Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7 của Ủy ban sẽ cho ý kiến về 5 nội dung, gồm: (1) dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); (2) dự thảo Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; (3) Báo cáo tham gia thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; (4) Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; (5) dự thảo Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện quyền trẻ em năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ trực tiếp thảo luận, cho ý kiến về dự thảo các báo thẩm tra của Ủy ban đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đối với các nội dung còn lại, Thường trực Ủy ban sẽ xin ý kiến các thành viên Ủy ban bằng văn bản.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày Tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ, đồng thời cho rằng việc sửa đổi Luật sẽ góp phần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các đại biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tại Phiên họp

Trong quá trình xây dựng luật, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo quán triệt thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về văn hóa, di sản văn hóa; bảo đảm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và cá nhân vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời hạn chế tối đa tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm tính kế thừa, chỉ quy định những vấn đề mới đã rõ, được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; sửa đổi những quy định chồng chéo, bất cập, không phù hợp, không khả thi.

Liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, các ý kiến tại Phiên họp đều cho rằng, việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay là cần thiết, có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn; đồng thời cho rằng việc đầu tư Chương trình sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần đáp ứng yêu cầu chấn hưng và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự án Luật Di sản (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là các nội dung quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đât nước trong điều kiện mới.

Đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án Luật quan trọng, được dư luận xã hội rất quan tâm, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác, do đó cần phải rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo để tránh trùng lắp, chồng chéo và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thành các chính sách cụ thể. Quan trọng và cần nhất là "quy định chính sách gì để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa không bị mai một; nhất là chuyển đổi số trong văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; cải tạo, nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa, chúng ta phải nghĩ cho hiện tại và tương lai cũng như cho phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở miền núi, hải đảo, dân tộc ít người”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.

Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết đây là nội dung lớn mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội, được cử tri, nhân dân, các địa phương đặc biệt quan tâm. Do vậy, các nội dung Chương trình cần phải được tính toán kỹ lưỡng về nguồn lực (từ con người đến cơ sở vật chất, kinh phí, điều kiện…); cân nhắc việc sử dụng, phân bổ nguồn lực sao cho đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; có lộ trình phù hợp để đảm bảo được tính khả thi… “Riêng đối với các vấn đề lớn cần phải xin ý kiến Bộ Chính trị”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận, gửi văn bản để các thành viên nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp cụ thể vào các nội dung có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Phát biểu kết thúc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội liên quan đến dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban cũng đã biểu quyết thông qua dự thảo Báo cáo thẩm tra đối với 02 nội dung này.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên họp

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trình bày Tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trình bày Tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp

Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu kết thúc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội liên quan đến dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

Phát biểu kết thúc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội liên quan đến dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

Thu Phương – Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86555