Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Viện Nghiên cứu lập pháp

Chiều 5.1, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương; Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đông đảo cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp; các chuyên gia, nhà khoa học.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ảnh: Hồ Long

Thiết thực, hiệu quả gắn với hoạt động của Quốc hội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận công tác tổ chức hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đặc biệt trong năm 2023 đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; tổ chức các nhóm theo dõi từng dự án luật gắn với các Ủy ban.

Cùng với đó, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lập pháp tham gia tích cực, nhiệt tình, có những ý kiến góp ý chất lượng cao vào các dự án luật, thể hiện sự gắn bó giữa Viện Nghiên cứu lập pháp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, thực sự huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu vào hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

“Mối quan hệ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chưa bao giờ chặt chẽ, gắn bó như hiện nay; chưa bao giờ Viện Nghiên cứu lập pháp có sự đóng góp tích cực vào hoạt động của các Ủy ban như hiện nay”. Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng vui mừng nhận thấy, việc đổi mới công tác nghiên cứu, quản lý đề tài khoa học được thực hiện rất chặt chẽ, các đề tài cơ bản gắn với hoạt động của Quốc hội và không chậm tiến độ. Những đổi mới trong hoạt động của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có dấu ấn đậm nét của Viện Nghiên cứu lập pháp. Công tác thông tin khoa học lập pháp cũng ngày một tốt hơn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2024, xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết cho từng công việc; phân công cán bộ thực hiện rõ ràng; việc gì tốt phát huy, chưa tốt thì chấn chỉnh, việc nào chậm thì phải làm bù lại. Lưu ý chức năng trọng tâm của Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan tổ chức nghiên cứu, thông tin khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mọi nhiệm vụ của Viện phải lấy Quốc hội làm trung tâm, gắn với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như Chương trình hoạt động của Quốc hội, đồng thời, tiếp tục huy động lực lượng chuyên gia, nhà khoa học trong thực hiện các nhiệm vụ của Viện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục đổi mới công tác quản lý khoa học; tập trung tham mưu, phục vụ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 – 6.1.2026); nghiên cứu kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng tầm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp; tích cực mời các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu tham gia viết bài trên tạp chí và tổ chức xuất bản số chuyên đề về các dự án Luật; tiếp tục phát huy tinh thần, sức mạnh đoàn kết tập thể, tạo sự đồng thuận cao để thực hiện thắng lợi chương trình, kế hoạch công tác đề ra.

Công tác quản lý khoa học được đổi mới, chuẩn hóa

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, trong năm 2023, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội; sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học; sự đoàn kết, quyết tâm, chủ động của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đạt được những kết quả tích cực theo đúng kế hoạch, được các cấp lãnh đạo ghi nhận và đánh giá tích cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và đại biểu cùng với cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức Viện nghiên cứu lập pháp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và đại biểu cùng với cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức Viện nghiên cứu lập pháp. Ảnh: Hồ Long

Xác định rõ việc thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, thông tin khoa học lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức 57 cuộc hội thảo, tọa đàm, xây dựng báo cáo nghiên cứu chuyên sâu. Trên cơ sở đó, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng, cung cấp 43 văn bản đến các cơ quan của Quốc hội, phục vụ công tác thẩm tra, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, đề án...; 26 chuyên đề, tài liệu thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Kỳ họp thứ Năm và Kỳ họp thứ Sáu; 56 văn bản phục vụ Lãnh đạo Quốc hội trong hoạt động chỉ đạo, điều hành tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực hiện góp ý về nội dung và rà soát, hoàn thiện kỹ thuật của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đối với 7 dự án Luật, 1 nghị quyết quy phạm.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Công tác quản lý khoa học của Viện được đổi mới, chuẩn hóa, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, phát huy được vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ quản, chủ trì. Đối với đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, Viện Nghiên cứu lập pháp tham mưu, phục vụ Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức 3 phiên họp; phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội tổ chức 3 hội thảo khoa học trong kế hoạch năm 2023; là đầu mối đôn đốc các cơ quan thực hiện các chuyên đề nhánh hoàn thiện báo cáo trong năm 2023 đúng thời hạn.

Ảnh: Hồ Long

Ảnh: Hồ Long

Năm 2024, Viện Nghiên cứu lập pháp xác định, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hữu quan và chuyên gia uy tín để triển khai các hoạt động nghiên cứu. Cùng đó, tập trung nhân lực vào nhiệm vụ trọng tâm chiến lược theo sự phân công, tham gia các hoạt động nghiên cứu hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, trong đó có Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh-du-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-cua-vien-nghien-cuu-lap-phap-i356440/