Phát triển ngành nghề góp phần xây dựng nông thôn mới

Ngành nghề nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng CNH,HĐH.

Sản xuất cà gai leo ở Cam Lộ -Ảnh: N.K

Sản xuất cà gai leo ở Cam Lộ -Ảnh: N.K

Toàn tỉnh hiện có 15 nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề truyền thống, làng nghề hoạt động theo mô hình gồm 5 hợp tác xã, 1 doanh nghiệp và hơn 2.200 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động toàn tỉnh. Doanh thu năm 2022 của các làng nghề đạt hơn 108 tỉ đồng. Thu nhập bình quân của mỗi lao động làng nghề ước đạt 3,4 triệu đồng/ người/tháng.

Thực tế cho thấy, các làng nghề nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH địa phương nói chung và trong xây dựng NTM nói riêng. Làng nghề nông thôn phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, tạo thu nhập và cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn như là công cụ để thực hiện CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM.

Chị Lê Thị Bé, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trà Lộc, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nón lá Trà Lộc của làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc ở xã Hải Hưng (Hải Lăng) cho biết, thôn có gần 250 hộ sản xuất nón lá, trong đó có 30 người tham gia tổ hợp tác, thường xuyên sản xuất sản phẩm quanh năm. Nguyên liệu để sản xuất nón lá chủ yếu khai thác từ các huyện miền núi trong tỉnh.

Hằng năm, chưa tính các hộ dân, riêng tổ hợp tác sản xuất được hơn 20 nghìn sản phẩm, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Để sản phẩm nón lá truyền thống có mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, các đơn vị liên quan của huyện và tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các lao động có thêm kỹ năng thêu và vẽ trên nón lá nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Người lao động của làng nghề nón lá Trà Lộc xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng được tập huấn kỹ năng thêu và vẽ trên nón nhằm nâng cao giá trị sản phẩm -Ảnh: TÚ LINH

Người lao động của làng nghề nón lá Trà Lộc xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng được tập huấn kỹ năng thêu và vẽ trên nón nhằm nâng cao giá trị sản phẩm -Ảnh: TÚ LINH

Làng nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng ở xã Triệu Lăng (Triệu Phong) có gần 50 hộ hoạt động, mỗi năm sản xuất hàng chục nghìn lít nước mắm các loại. Tính riêng lao động trực tiếp sản xuất nước mắm, làng nghề giải quyết việc làm cho gần 200 người, trung bình mỗi tháng thu nhập của lao động từ 4 đến 5 triệu đồng/người. Nhờ có việc làm khá ổn định lao động ở làng nghề góp được nhiều công sức cùng chính quyền địa phương phát triển KT-XH, đặc biệt xây dựng nông thôn mới ở địa phương này.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Minh Trí, để tạo thêm điều kiện cho các làng nghề hoạt động, chi cục đã hỗ trợ 5 dự án mua sắm máy móc, thiết bị, vật liệu cũng như đào tạo nghề, nhờ đó các cơ sở làng nghề ngày càng được đầu tư đồng bộ hơn. Tuy nhiên, các làng nghề phát triển còn chậm, mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.

Việc huy động các nguồn vốn để đầu tư vào phát triển SX-KD chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình. Cùng với đó lao động tại các làng nghề nông thôn chủ yếu chưa qua đào tạo, lao động tay nghề cao còn thiếu. Việc ứng dụng KH-KT vào sản xuất trong ngành nghề nông thôn và làng nghề còn hạn chế. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại như nghề đan lát, rèn nông cụ, chổi đót...

Vì vậy, để các ngành nghề truyền thống và làng nghề phát triển mạnh hơn nữa, cần phải gắn kế hoạch phát triển làng nghề đồng hành với phát triển KT-XH của địa phương. Phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Chú trọng bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập quán của từng địa phương cùng với sự tham gia của cộng đồng. Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống nhưng phải tinh xảo vừa hiện đại mang tính thương mại cao.

Đặc biệt cần chú trọng hoạt động thông tin, tuyên truyền các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống mang tính đặc trưng gắn với hoạt động du lịch tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu; tổ chức hội thi, hội chợ... cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề).

Theo ông Hoàng Minh Trí, xu thế tất yếu là cần chú trọng phát triển làng nghề theo hướng sản xuất tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế vùng miền. Khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà xưởng, đổi mới công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ và các thiết bị sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn để phục vụ ngày càng hiệu quả hơn nữa vào Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/phat-trien-nganh-nghe-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi/182067.htm