Phát triển bền vững du lịch Điện Biên, giải pháp nào?

Là vùng đất cách mạng gắn với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', Điện Biên đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước phát triển du lịch bền vững.

Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế

Tại hội thảo “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” sáng 17.3, PGS. TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, Điện Biên được thiên nhiên ban tặng cảnh quan đa dạng từ rừng nguyên sinh đến thác nước, từ đồi núi, hang động đến hồ nước; là nơi giao thoa văn hóa của 19 dân tộc với những văn hóa riêng. “Sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa là nguồn cảm hứng phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn. Việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Điện Biên cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ và quảng bá tài nguyên vốn có”.

Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác và phát huy tương xứng. Hiện mới chỉ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ và khu du lịch quốc gia Pá Khoang - Mường Phăng là những điểm đến của tỉnh được du khách biết đến nhiều. Lấy ví dụ riêng về di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Phó giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên Phạm Thị Thảo nêu thực trạng, di tích chưa có quy hoạch tổng thể, nhiều điểm di tích chưa được cắm mốc, định vị, một số điểm di tích có các hộ dân sinh sống. Song song đó, hạn chế về nguồn lực nên công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa tương xứng với ý nghĩa và tầm vóc của di tích; phần lớn môi trường cảnh quan di tích chưa được khôi phục; chưa thể hiện được bối cảnh chiến trường xưa… Hoạt động trải nghiệm văn hóa, dịch vụ tại các điểm di tích nghèo nàn, đơn điệu, chưa mang lại cho du khách cảm xúc chân thực về một chiến thắng mang tầm quốc tế…

Chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2024 lan tỏa văn hóa độc đáo các dân tộc tại Điện Biên và cả nước. Ảnh: M.Đức

Khảo sát từ thực tế phát triển du lịch văn hóa, lịch sử tại đây, các chuyên gia du lịch cho rằng, Điện Biên gặp một số hạn chế, điểm nghẽn cần tháo gỡ như: công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiếu đồng bộ và chưa bền vững; kiến trúc, ngôn ngữ, trang phục truyền thống, phong tục các dân tộc thiểu số đang có xu hướng bị mai một. Công tác quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử của Điện Biên đến bạn bè trong nước và quốc tế chưa tương xứng…

Phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Điện Biên đang đặt ra những thách thức cần vượt qua để bảo đảm phát triển bền vững và hiệu quả.

Tháo “nút thắt” để phát triển

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Điện Biên đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ các “nút thắt” để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó có du lịch bền vững. Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên Lò Văn Phương cho biết, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7.5.2021 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ba trụ cột chính, là du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”, Điện Biên đã đầu tư xây dựng hoàn thành Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bức tranh Panorama, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, cải tạo, sửa chữa khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Tỉnh đang tiếp tục thực hiện bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, trọng tâm là di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2... Đồng thời, đề xuất, Chính phủ xem xét, cho chủ trương xây dựng Khu căn cứ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng thành Khu Di tích lịch sử - Du lịch Mường Phăng để phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Góp ý kiến giúp Điện Biên tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế phát triển du lịch, PGS. TS Phạm Hồng Long cho rằng, tỉnh cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa và lịch sử độc đáo, hấp dẫn gắn với khai thác và phát huy các giá trị của các di tích lịch sử như di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm tìm hiểu lịch sử chiến tranh với các hoạt cảnh, minh họa thực tế, trực tiếp, sử dụng công nghệ tiên tiến về âm thanh, ánh sáng, tạo cảm giác chân thực cho du khách. Xây dựng sản phẩm cụ thể kết nối các điểm đến đặc trưng về văn hóa vật thể và phi vật thể: tham quan, tìm hiểu các di tích văn hóa, lịch sử: thành Bản Phủ, tháp Chiềng Sơ, tháp Mường Luân, di tích thành Vàng Lồng.

Khai thác sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận gồm các điệu múa xòe Thái và thực hành then của người Thái, chủ yếu tại xã Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ. Khai thác sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như nghề làm giày thêu của người Xạ Phang, sinh sống tại Tủa Chùa, Mường Chà và Nậm Pồ; nghệ thuật biểu diễn khèn của người Mông; nghệ thuật trình diễn múa dân gian của người Khơ Mú; lễ Kin Pang Then…

Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hoàng Nam Đỗ Ngọc Hoan cũng góp ý, khi khách đến Điện Biên, ngoài thăm các di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng còn muốn được tham gia các loại hình du lịch khác. Do đó, Điện Biên cần khuyến khích nhà đầu tư mở rộng các công trình liên quan đến phục vụ nhu cầu du lịch, tạo sức hút giúp khách lưu trú dài ngày. Có thể áp dụng các biện pháp như: tạo trải nghiệm du lịch đa dạng, xây dựng chiến dịch marketing sáng tạo với các kênh truyền thông hiện đại; duy trì giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc trong tỉnh bằng các chính sách kịp thời, phù hợp…

Việc tập trung phát triển du lịch dựa trên tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Điện Biên là một bước quan trọng trong bảo tồn và gìn giữ di sản quý báu, tạo nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương và giúp du khách hiểu rõ và trân trọng hơn về giá trị của môi trường và văn hóa. Đồng thời, thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng, tỉnh có thể xây dựng và định vị thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh cũng như ghi dấu ấn trong Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/phat-trien-ben-vung-du-lich-dien-bien-giai-phap-nao-i363171/