Phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa trong xây dựng và phát triển quê hương Bình Thuận

Chiều 13/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) 'Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước'. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Cùng dự còn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuận Bích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội trong tỉnh. Chương trình được kết nối trực tiếp với 10 điểm cầu huyện, thị, thành phố.

Quang cảnh hội nghị

Cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) đã ban hành và triển khai Chương trình hành động số 29-NQ/TU, ngày 11/7/2014 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (viết tắt là Chương trình hành động số 29-NQ/TU). Qua 10 năm thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Các lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số

Đến nay toàn tỉnh có 678/691 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 98,1%, 75/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 80,6%), trong đó 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhiều lễ hội văn hóa tiêu biểu của tỉnh đã và đang hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh, cũng như phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, phát triển du lịch. Ngoài ra, việc đưa văn hóa về cơ sở phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, hải đảo được duy trì. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển ngày càng rộng khắp. Bình Thuận cơ bản hoàn thành 5 mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra…

Các môn thể thao truyền thống được tổ chức trong các ngày hội văn hóa

Tại hội nghị, các sở, ngành và địa phương đã chia sẻ những cách làm, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW phù hợp với thực tế ở cơ sở. Trong đó, chú trọng tinh thần đoàn kết, sức mạnh nội sinh của nhân dân, bảo tồn giá trị văn hóa làng xã, gắn với xã hội hóa để phát triển văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng…

Phong trào xây dựng nông thôn mới

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh khẳng định: Bình Thuận có 35 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một đặc trưng văn hóa riêng và rất đa dạng, phong phú. Đây là thế mạnh rất lớn để xây dựng văn hóa, xây dựng con người Bình Thuận phù hợp với chuẩn mực các giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam và tiến cùng thời đại, hội nhập sâu rộng với thế giới. Yêu cầu đặt ra là toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân phải tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 33- NQ/TW, Chương trình hành động số 29-NQ/TU và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu kỹ, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa và xây dựng, phát triển văn hóa, phát triển con người. Nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ đó, cùng thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm triển khai đúng thực chất các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa, xây dựng con người trên địa bàn tỉnh, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người; thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Bình Thuận.

Giữ gìn tục lệ tại các đình làng

Cùng với đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo khẩn trương hoàn thiện đề án “Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Bình Thuận gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam”. Trong đó xác định rõ các chuẩn mực của con người Bình Thuận phù hợp với truyền thống và thời đại để tập trung xây dựng và nhân rộng. Sớm hoàn thành, đưa công trình “Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh” đi vào hoạt động. Đồng thời chỉ đạo trình cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư Bảo tàng tỉnh tại khu vực đã quy hoạch trong Công viên Hùng Vương.

Phong trào văn nghệ quần chúng nâng cao đời sống tinh thần người dân

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào văn hóa. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa, phấn đấu tương xứng với phát triển kinh tế. Có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ để phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ làm công tác văn hóa các cấp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch tại địa phương. Thực hiện có hiệu quả giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đẩy lùi tiêu cực xã hội…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-huy-suc-manh-noi-sinh-cua-van-hoa-trong-xay-dung-va-phat-trien-que-huong-binh-thuan-118832.html