Phan Kế An - Người họa sỹ cách mạng

Tranh của Phan Kế An chứa phong cách hiện thực, tập trung nhiều ở các đề tài gắn bó với lãnh tụ, kháng chiến, sinh hoạt của các dân tộc miền núi, trung du bằng cảm xúc chân thực và sâu lắng.

Nhắc đến nền hội họa Việt Nam, cùng với hai bộ tứ huyền thoại: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái và Trí - Lân - Vân - Cẩn, những cây đại thụ sừng sững, còn có một thế hệ họa sỹ trưởng thành từ cái nôi của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Họ đã trở thành những nghệ sỹ, chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa, khẳng định tình yêu, trách nhiệm của mình đối với cách mạng, với dân tộc, là tấm gương sáng cho các thế hệ nghệ sỹ tạo hình Việt Nam. Một trong số đó chính là họa sỹ Phan Kế An.

Chân dung họa sỹ Phan Kế An

Chân dung họa sỹ Phan Kế An

Họa sỹ Phan Kế An sinh ngày 20/3/1923, quê ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Cha ông là Khâm sai đại thần Phan Kế Toại từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Họa sỹ Phan Kế An là một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20. Hơn 70 năm cầm cọ vẽ, ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn qua các triển lãm, đặc biệt, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 đợt 1.

Năm 2018, họa sĩ Phan Kế An về với đất mẹ nhưng tình yêu hội họa, sự cống hiến của ông cho nền mỹ thuật cách mạng sẽ còn mãi với thời gian. Những tác phẩm gắn liền với tên tuổi ông sống mãi cùng nền hội họa nước nhà.

Nhắc đến họa sĩ Phan Kế An, công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam đều nhớ đến những tác phẩm nổi tiếng như: “Những đồi cọ”, “Cánh đồng bản Bắc”, “Gác chuông”, “Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa”... Trong đó, bức tranh sơn mài “Nhớ một chiều Tây Bắc” đã trở thành dấu ấn vàng son trong lịch sử hội họa Việt Nam.

Tác phẩm sơn mài "Nhớ một chiều Tây Bắc" họa sỹ Phan Kế An vẽ năm 1955

Tác phẩm sơn mài "Nhớ một chiều Tây Bắc" họa sỹ Phan Kế An vẽ năm 1955

Đây cũng chính là tác phẩm đã gợi cho họa sĩ - nhà thơ Đoàn Việt Bắc phổ thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác nhạc thành ca khúc cùng tên. Bức tranh nổi tiếng "Nhớ một chiều Tây Bắc" của họa sỹ Phan Kế An vẽ cảnh núi non hùng vĩ với những mảng nắng chiều vương vất, bóng dáng những anh bộ đội thấp thoáng, đầy gợi cảm với màu sắc trong sáng của núi rừng Tây Bắc.

"Có một điểm rất đặc biệt là bảng màu xuất hiện ở tranh này có những màu xanh rất lạ, bởi thông thường tranh sơn mài của mình thì chỉ có màu đỏ, vàng, đen, trắng. Cụ An là một trong những người đầu tiên tìm ra cái màu xanh ấy" - Họa sỹ trẻ Vũ Đỗ chia sẻ.

Ký họa "Bác Hồ làm thơ ở Pác Bó" năm 1969

Ký họa "Bác Hồ làm thơ ở Pác Bó" năm 1969

Những bức ký họa Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sỹ Phan Kế An cũng là những dấu ấn sâu đậm đối với lịch sử hội họa Việt Nam. Bà Phan Mai Thanh Thúy, con gái của họa sỹ cho biết, khi còn trẻ, họa sỹ Phan Kế An đã sớm tham gia hoạt động sinh viên cứu quốc. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ lên Việt Bắc công tác ở Hội Văn hóa Cứu quốc cùng với nhiều họa sĩ đàn anh... Khi làm việc ở tòa soạn Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh, họa sĩ Phan Kế An đã có cơ hội được vẽ ký họa Bác Hồ.

"Bố tôi vẫn thường kể trên chiến khu được vẽ và sống cạnh Cụ Hồ 20 ngày. Trong 20 ngày đó bố tôi vẽ xong được mấy chục bức thì Cụ Hồ mới bảo là kẹp lên những cái dây treo ở lán, sau đó gọi toàn thể mọi người đến xem triển lãm. Và đấy là triển lãm đầu tiên của bố tôi do Cụ Hồ tổ chức..." - bà Phan Mai Thanh Thúy, con gái của họa sỹ cho biết.

Ký họa bút sắt "Hồ Chủ tịch ở Việt Bắc", tháng 11-1948

Ký họa bút sắt "Hồ Chủ tịch ở Việt Bắc", tháng 11-1948

Thời điểm đó, họa sỹ Phan Kế An đã ký họa hơn 20 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi bức đều ẩn chứa trong đó những cảm nhận sâu sắc, niềm yêu kính đối với Người. Trong số đó, có những bức tranh sau này đã được in với số lượng lớn để phát hành khắp chiến khu, nhiều bức đến nay đã được xem là những tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Những bức ký họa ấy đã khơi nguồn để chủ đề Bác Hồ chảy mãi trong suốt cuộc đời cầm cọ vẽ của họa sĩ Phan Kế An. Để rồi khi không còn được gặp Bác, chỉ vẽ Bác qua trí tưởng tượng hay khi mắt đã mờ, chân đã chậm, họa sĩ vẫn "tạc" chân dung Người bằng trái tim và tất cả tình cảm, lòng kính yêu của mình.

Ký họa "Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc"

Ký họa "Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc"

Không chỉ nổi tiếng với tranh ký họa, họa sĩ Phan Kế An còn được biết đến với dòng tranh biếm họa cùng bút danh Phan Kích. Tranh của ông luôn được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, có phong cách hiện thực, tập trung nhiều đề tài phục vụ kịp thời các giai đoạn cách mạng và kháng chiến.

Với những đóng góp to lớn của mình, họa sỹ Phan Kế An đã trở thành một tên tuổi sáng giá của nền mỹ thuật nước nhà, một trong những người đặt nền móng cho nền nghệ thuật hiện thực cách mạng, đồng thời mở đầu cho một xu hướng nghệ thuật chính thống, là xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Một tác phẩm tranh lụa của họa sỹ Phan Kế An

Một tác phẩm tranh lụa của họa sỹ Phan Kế An

"Ông là người cùng với danh họa Tô Ngọc Vân và các họa sỹ trường Mỹ thuật Đông Dương khác tạo nên nền nghệ thuật tạo hình cách mạng Việt Nam ngay từ những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, hình thành cả một đội ngũ, một nền cốt quan trọng để sau này những thế hệ đi sau thừa hưởng tiếp tục và phát triển" - Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.

Sau này, những bức ký họa, bản khắc gỗ chân dung Bác Hồ đã được họa sĩ Phan Kế An trao tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh để lưu giữ những tháng ngày không quên và hạnh phúc nhất của cuộc đời làm hội họa của ông - một họa sỹ, chiến sỹ cách mạng.

Đình Châu/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/phan-ke-an-nguoi-hoa-sy-cach-mang-post1095541.vov