Nơi 'không ngủ' giữa lòng thành phố

Khi đêm về khuya, mọi người chìm vào giấc ngủ thì nhịp sống tại chợ Tân An (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) lại tất bật. Những chiếc xe tải chở hàng nông sản, thủy hải sản nối đuôi nhau vào chợ. Người lo bốc dỡ hàng hóa, người lo kiểm hàng, tiếng nói cười, trao đổi, gọi điện thoại cho bạn hàng,… vang một góc chợ.

Nhịp sống về đêm

Chợ Tân An hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm

Chợ Tân An hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm

Người dân TP.Tân An vẫn biết đến chợ Tân An là nơi mua, bán sầm uất. Chợ hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng từ 1-5 giờ sáng là thời điểm hàng hóa, nông sản, thực phẩm,... tập kết về nhiều nhất, người bán, người mua tấp nập để kịp chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai. Hàng hóa về chợ chủ yếu đến từ chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, các tỉnh miền Tây và các huyện trong tỉnh.

Theo Ban Quản lý chợ Tân An, chợ được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 7/2010, có tổng cộng 630 sạp cố định. Sau dịch Coivid-19, tình hình mua, bán tại chợ có giảm so với trước. Hiện nay, chợ có 50 sạp bỏ trống. Mỗi đêm, chợ nhập bình quân từ 30-40 tấn nông sản, 1,5-2 tấn thịt bò, 30-40 tấn cá tươi,... “Ban Quản lý chợ luôn cố gắng bảo đảm hoạt động và an toàn cho khu chợ, quản lý hạ tầng và vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi chợ và các tiểu thương hoạt động” - Trưởng ban Quản lý chợ Tân An - Trần Anh Hoàng chia sẻ.

Chợ Tân An không chỉ là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa mà còn là nơi mưu sinh của nhiều người. Khoảng 20 giờ, bà Ôn Kim Liên (xã Bình Tâm) bắt đầu dọn hàng ra bán. Quán của bà bán hủ tiếu, bò kho,... phục vụ các tiểu thương, người giao hàng và một số người đi chợ. Hôm nào đắt hàng, bà bán được 60 - 70 tô. Vừa xong việc, anh Phan Văn Út (tài xế) ghé ăn vội tô hủ tiếu.

Anh Út chia sẻ: “Nghề tài xế xe tải đã gắn bó với tôi hơn 25 năm nay, chủ yếu chở trái cây từ tỉnh Tiền Giang, TP.HCM,… đi giao ở chợ Tân An, khu công nghiệp. Tôi chở hàng riết quen mặt gần hết các quán. Quán đa số phục vụ tiểu thương, cánh tài xế nên giá cả phải chăng”. Không chỉ có quán hủ tiếu của bà Liên, vài xe bánh ngọt, cà phê, nước giải khát,... gần đó cũng rất "hút" khách. Sau khi lót dạ với tô hủ tiếu, nhiều người ghé xe đẩy mua ly cà phê uống cho tỉnh táo để tiếp tục công việc.

Nhịp sống chợ Tân An càng về sáng càng tất bật, ai cũng muốn nhanh chóng mua hàng, vận chuyển về các chợ khác để kịp buổi chợ sáng. Chị Nguyễn Thị Bạch Dung (tiểu thương chợ Tân An) cho biết, từ 0 giờ chị đã có mặt ở chợ chuẩn bị để kịp giao hàng cho khách sỉ. Sau đó, chị mở sạp bán lẻ tại chợ Tân An. "Từ lúc 12-13 tuổi, tôi đã theo mẹ ra chợ bán và theo nghề cho đến nay, tính ra cũng hơn 30 năm rồi. Bán ở chợ Tân An thì đêm cũng như ngày. Ban đêm đón xe hàng, soạn hàng giao khách sỉ. Ban ngày bày hàng hóa bán lẻ cho người đi chợ, rảnh lúc nào chợp mắt lúc đó" - chị Dung chia sẻ.

Buổi chợ sớm mai

Tiểu thương từ các chợ đến chợ Tân An lấy hàng

Tiểu thương từ các chợ đến chợ Tân An lấy hàng

Khi buổi chợ đêm vừa tan, những tiểu thương tại chợ Tân An lại tất bật chuẩn bị cho buổi chợ sáng. Đây là khu chợ thực phẩm lớn nhất TP.Tân An với đầy đủ các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá,... Hàng hóa, nông sản được tập kết từ chợ Tân An rồi phân phối về các chợ khác để kịp phục vụ buổi chợ sáng. 7 giờ sáng, người đến chợ đông hơn, ai cũng muốn chọn được nguồn thực phẩm tươi, bảo đảm an toàn.

Chị Hồ Thị Thu Ngân (phường 1) cùng với 2 người phụ bán tất bật chuẩn bị hàng cho buổi chợ sáng. Gia đình chị có truyền thống bán mắm, cá khô và theo nghề này từ năm 13 tuổi. Chị Ngân cho biết: “Bán cá khô khá vất vả, nhất là vào mùa mưa, khô dễ bị ẩm, mốc, khó bảo quản. Sạp của tôi vừa bán sỉ, vừa bán lẻ, hôm nào đông khách thì cũng bán được trên 200kg. Tôi thường nhập khô từ Châu Đốc (tỉnh An Giang), tỉnh Cà Mau,…”.

Giá bán các mặt hàng tại chợ Tân An thường rẻ hơn các chợ khác. Hàng ngày, bà Nguyễn Thị Bông (phường 2) thường đến chợ Tân An mua thực phẩm. Bà Bông nói: "Tôi đi chợ này vì gần nhà và giá rẻ hơn các chợ khác. Rau, củ, thịt, cá là hàng tươi mới. Mua nhiều thành quen, có khi mình không trả giá nhưng người bán vẫn bớt chút đỉnh, thấy cũng vui”.

Theo sự phát triển, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ra đời phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, thế nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen đi chợ truyền thống. Chính vì vậy, cứ thế, chợ Tân An vẫn nhộn nhịp, cung cấp lượng lớn hàng hóa, thực phẩm, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân./.

Thảo Mi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-khong-ngu-giua-long-thanh-pho-a160171.html