Nơi in dấu chân của những người chiến thắng

Hà Nội bây giờ có khá nhiều cây cầu to lớn, hiện đại nối liền hai bờ sông Hồng, nhưng có cây cầu nào nối được quá khứ với hiện tại như cầu Long Biên?

Có cây cầu nào chứng kiến những thăng trầm của Thủ đô vắt ngang qua 3 thế kỷ? Có cây cầu nào được coi là biểu tượng của Hà Nội, với tên gọi gắn liền với địa danh Thăng Long rồng bay ngàn năm văn hiến?... Vâng, sẽ chẳng có cây cầu nào có thể sánh được với tầm vóc văn hóa, giá trị lịch sử của cầu Long Biên đã có tuổi đời trên 120 năm.

Tôi đạp xe lững thững trên cây cầu Long Biên vào một ngày tháng Năm lịch sử, khi lòng người và cả đất trời vạn vật đều mừng vui hát khúc hoan ca quen thuộc: "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui...". Chìm đắm trong giai điệu hào hùng bài "Chiến thắng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tôi như sống với ký ức cùng cha ông khi hình dung từng đoàn lính viễn chinh Pháp thất thểu rời Hà Nội qua cây cầu Long Biên.

Cầu Long Biên. Ảnh: Trung Hiền

Cầu Long Biên. Ảnh: Trung Hiền

Chắc hẳn rằng, Paul Doumer - viên Toàn quyền Đông dương thời ấy, người đã phê duyệt phương án xây dựng cầu Long Biên, đem thành tựu công nghệ của nền văn minh phương Tây tới khai thác xứ thuộc địa không ngờ được, sau nửa thế kỷ, chính cây cầu do người Pháp đầu tư xây dựng lại chứng kiến kết cục thảm bại của người Pháp!

Rồi cũng trên cây cầu này, tôi nghe thấy rầm rập bước chân trở về của đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Thủ đô trong cờ hoa vẫy chào của người Hà Nội.

Trong đoàn quân oai hùng ấy, có hình ảnh thời trai trẻ của bác tôi, với nụ cười rạng rỡ. Ông là chiến sĩ thuộc Trung đoàn Thủ đô, người đã găm lời thề vào ngực trái: "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" trong trận chiến 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. Sau trận chiến cảm tử đó, ông biền biệt đi kháng chiến, để lại niềm thương, nỗi nhớ cùng lời thề hẹn với người thiếu nữ Hà thành: "Nhớ đón anh ngày chiến thắng ở đầu cầu Long Biên bên bờ Hà Nội". Rồi cái ngày đó cũng đã đến, cây cầu Long Biên mừng vui trước niềm vui gặp mặt của đôi lứa yêu nhau và cũng chứng kiến biết bao niềm vui đoàn tụ, có những tiếng cười và cả những giọt nước mắt xúc động!

Những người lính trở về Hà Nội là thế hệ làm nên một Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève công nhận nền độc lập, thống nhất của nhân dân ta, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến.

Nối tiếp truyền thống hào hùng đó, một thế hệ người Hà Nội viết tiếp bản hùng ca mang tên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" tại mảnh đất Đông Đô - Thăng Long lịch sử. Quân và dân Thủ đô anh hùng đã đập tan chiến dịch ném bom hủy diệt 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ, buộc địch phải ký Hiệp định Paris, chấp nhận rút quân Mỹ và đồng minh khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thời cơ lớn cho quân và dân ta "đánh cho Ngụy nhào", thực hiện khát vọng thống nhất non sông vào ngày 30-4-1975.

Trong những ngày đạn bom ác liệt đó, nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch nối với Thủ đô, đế quốc Mỹ đem không quân đánh phá cầu Long Biên 14 lần, trong đó, 10 lần vào những năm 1965 - 1968, làm hỏng 7 nhịp cầu và 4 trụ lớn. Trong 12 ngày đêm năm 1972, không quân Mỹ ném bom trúng cầu Long Biên 4 lần, phá hỏng 1.500 mét cầu và 2 trụ lớn bị cắt đứt. Cầu hỏng thì có thể sửa chữa, nhưng sự mất mát về con người thì mãi mãi là những ký ức đau thương. Cầu Long Biên đã chứng kiến những xác người nằm bên nhịp cầu bị bom Mỹ đánh sập; có xác người còn rơi cuốn theo dòng nước lũ đang chảy xiết...

Nhưng cầu Long Biên cũng là nhân chứng ghi lại khí phách anh hùng của quân và dân Thủ đô.

"Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu

Hỡi em gái mất cha mất mẹ

Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù

Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ".

Đó là trích đoạn bài thơ "Việt Nam máu và hoa" của Tố Hữu viết ở thời điểm đó. Biến đau thương thành hành động, những trận địa pháo cao xạ được đặt xung quanh cây cầu Long Biên và trên những điểm cao của cây cầu thép, sẵn sàng trút hỏa lực vào máy bay địch để trả thù cho người dân Khâm Thiên, cho hàng vạn đồng bào bị sát hại vì bom đạn Mỹ. Tất cả các lực lượng phòng không nhân dân, từ bộ đội chính quy đến dân quân tự vệ đều nguyện một lời thề sắt son, thà chết chứ nhất định phải bảo vệ cây cầu, như bảo vệ một phần máu thịt của Hà Nội thân yêu.

Chiến tranh đã lùi xa, Hà Nội đang đổi thay từng ngày theo hướng văn minh, hiện đại. Một dự án phát triển thành phố mới bên bờ sông Hồng dự kiến sẽ được triển khai, mở ra không gian phát triển mới như các đô thị ven sông nổi tiếng thế giới.

Thời gian trôi đi, cây cầu Long Biên đã già nua, không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại của xã hội; một số hạng mục của cầu do thời gian và chiến tranh cũng bị hư hỏng, xuống cấp. Hà Nội đã có những cây cầu hiện đại hơn bắc qua sông Hồng làm nhiệm vụ thay thế, nên cầu Long Biên không còn là cây cầu đường bộ huyết mạch. Song những người yêu Hà Nội không ai có tâm tưởng coi Long Biên là một cây cầu "bỏ đi"! Thực tế, cây cầu vẫn đang gánh trên mình một trọng trách, nối tuyến đường sắt quan trọng từ ga Hà Nội tới các tỉnh phía Bắc. Nhưng có một thứ quan trọng và ý nghĩa hơn rất nhiều mà không có bất cứ một cây cầu nào có thể làm thay. Đó là sứ mệnh lịch sử nối quá khứ với hiện tại và tương lai mà cây cầu Long Biên đang gánh vác. Cầu Long Biên mãi là một phần văn hóa của người Hà Nội, với vẻ đẹp cổ kính, chứa đựng cả một bầu trời ký ức của người Tràng An, nhất là những người sinh sống hai bên bờ sông Nhị Hà.

Là một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hình ảnh cây cầu Long Biên luôn là một phần hồi ức của tôi. Cũng như nhiều công dân của Thủ đô, tôi mong Nhà nước và toàn xã hội chung tay, có một sự đầu tư đủ lớn để tôn tạo, sửa chữa, phục dựng lại cây cầu Long Biên; để cây cầu sắt này trường tồn cùng với thời gian, với lớp lớp các thế hệ người Hà Nội hôm nay và mai sau.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/noi-in-dau-chan-cua-nhung-nguoi-chien-thang-666054.html