Người trẻ Mỹ có bao nhiêu tiền cũng hết

Nhiều người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z ở Mỹ đang theo đuổi lối sống HIFI. Tuy có thu nhập tốt, tài chính của họ luôn bấp bênh do tiêu xài hoang phí.

 Lối sống HIFI (thu nhập cao, tài chính bấp bênh) khiến nhiều người trẻ Mỹ gặp khó. Ảnh minh họa: Vogue.

Lối sống HIFI (thu nhập cao, tài chính bấp bênh) khiến nhiều người trẻ Mỹ gặp khó. Ảnh minh họa: Vogue.

Nhiều người Mỹ muốn trông giàu có. Và để có cuộc sống trông như những người nổi tiếng, một số người đang chi rất nhiều tiền.

Họ được xếp vào nhóm HIFI (high income, financially insecure), cụm từ mới nhằm mô tả những người có thu nhập cao nhưng tài chính bấp bênh, Business Insider đưa tin.

Theo Sherwood News, nhóm người này chủ yếu bao gồm thế hệ Millennials và Gen Z, họ luôn muốn thể hiện phong cách sang trọng như old money hay quiet luxury (xa xỉ thầm lặng), nhưng lại đang vật lộn để theo kịp lối sống đó.

Theo cuộc khảo sát của Credit Karma với 1.006 người trưởng thành ở Mỹ được công bố vào tháng 12, những người dưới 40 tuổi đang tích lũy nhiều tài sản sớm hơn so với các thế hệ trước. Song 48% Gen Z (sinh năm 1997-2012) và 59% thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) cho biết họ gặp khó khăn tài chính.

 Nhiều người trẻ ở Mỹ tiêu xài hoang phí để trông như người giàu có. Ảnh minh họa: Alexandra Maria/Pexels.

Nhiều người trẻ ở Mỹ tiêu xài hoang phí để trông như người giàu có. Ảnh minh họa: Alexandra Maria/Pexels.

"Khó khăn về mặt tài chính" mà người trẻ Mỹ cảm thấy có thể là do lạm phát. Giá cả luôn ở mức cao, chi phí sinh hoạt tăng vọt, cộng thêm các khoản vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, vẫn còn lý do chủ quan nữa. Đó là do thói chi tiêu không kiểm soát của người trẻ.

Theo Sherwood News, mức chi tiêu quá cao của nhóm người tiêu dùng HIFI bắt đầu trong thời kỳ đại dịch. Do phải ở nhà, lại nhận khoản hỗ trợ của chính phủ, họ tiêu tiền nhiều hơn cho các nền tảng mua sắm trực tuyến, thay vì đi nhà hàng, giải trí hoặc nghỉ dưỡng, du lịch.

Theo báo cáo năm 2024 của Adobe, tính năng "mua trước, trả tiền sau" trên thẻ tín dụng và các nền tảng trực tuyến khác đã thúc đẩy người trẻ xứ cờ hoa mua sắm. Người mua hàng cảm thấy các mặt hàng có giá cả phải chăng hơn khi họ có thể trả góp.

Tuy nhiên, sau giai đoạn Covid-19, nhiều người Mỹ vẫn duy trì thói quen như trước đó. Họ mua sắm nhiều kết hợp với việc đi ăn uống, vui chơi và có những kỳ nghỉ. Ngoài ra, họ cũng muốn cảm thấy giàu có.

Theo một cuộc khảo sát của Schwab với 1.000 người Mỹ vào năm 2023, thế hệ trẻ có xu hướng đo lường mức độ giàu có của họ so với những người cùng lứa tuổi.

Nếu một người bạn hoặc nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội sở hữu thứ gì đó, Gen Z và thế hệ Millennials sẽ không muốn bỏ lỡ. Một số sẽ mua những bộ quần áo, món phụ kiện đắt tiền mà họ thấy các ngôi sao đang khoác lên người, trong khi những người khác sẽ tìm đến những món đồ giả để thỏa mãn mình.

Thế hệ Millennials và Gen Z cũng là nguyên nhân khiến chi tiêu xa xỉ tăng 22% vào năm 2022, theo báo cáo của Bain & Co. công bố vào tháng 1/2023.

Người trẻ ở Mỹ muốn sống cuộc sống hào nhoáng như người nổi tiếng, dùng đồ hiệu, có những chuyến nghỉ dưỡng sang chảnh. Ảnh minh họa: @parishilton, @kimkardashian.

Người trẻ ở Mỹ muốn sống cuộc sống hào nhoáng như người nổi tiếng, dùng đồ hiệu, có những chuyến nghỉ dưỡng sang chảnh. Ảnh minh họa: @parishilton, @kimkardashian.

Nhưng đối với nhiều người, văn hóa chi tiêu này không bền vững.

Vấn đề mất cân bằng giữa thu nhập - chi tiêu ngày càng gia tăng ở nhóm người tiêu dùng HIFI.Mặc dù giàu có, thu nhập của họ thường không đủ để nuông chiều thói quen chi tiêu xa xỉ và chi trả phí sinh hoạt hàng ngày càng cao.

Trong báo cáo của Pymnts, công ty tin tức tài chính và công nghệ, 36% thế hệ Millennial ở các thành phố Mỹ, có thu nhập từ 200.000 USD/năm, đang sống chỉ bằng tiền lương từ tháng này qua tháng khác. Họ không có kế hoạch tiết kiệm hay đầu tư cho tương lai.

Thiên An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/noi-am-anh-xa-hoa-khien-nguoi-tre-my-co-bao-nhieu-tien-cung-het-post1476421.html