Nỗ lực đưa kiệt tác 'Thiếu nữ bên hoa huệ' về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang cố gắng để đưa kiệt tác 'Thiếu nữ bên hoa huệ' của danh họa Tô Ngọc Vân về Bảo tàng. Tuy nhiên, đến thời hiện tại, công việc này chưa hoàn tất vì còn cần một số yếu tố khác.

Đây là chia sẻ từ TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân tại chương trình gặp gỡ và giao lưu cùng các diễn giả về chủ đề “Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân”, tại Hà Nội vào ngày 11/5. Chương trình do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh và 80 năm ra đời tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” – Bảo vật quốc gia đang được bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình của danh họa Tô Ngọc Vân giới thiệu tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa huệ".

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình của danh họa Tô Ngọc Vân giới thiệu tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa huệ".

Tại chương trình, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về cuộc đời, sự nghiệp của danh họa Tô Ngọc Vân. Các diễn giả khẳng định, họa sĩ Tô Ngọc Vân là một nhân cách lớn của nền hội họa Việt Nam. Ngay từ những năm học trong Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam và là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu này ở Việt Nam. Ông đã diễn tả được vẻ đẹp duyên dáng của người Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp của người phụ nữ ở thị thành. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, danh họa Tô Ngọc Vân là điển hình của người nghệ sĩ – chiến sĩ và là họa sĩ đầu tiên hy sinh trong kháng chiến.

Dịp này, người yêu hội họa nhiều thế hệ được lắng nghe nhiều câu chuyện xúc động về danh họa Tô Ngọc Vân qua lời kể của họa sĩ Ngọc Linh – một trong số các học trò của danh họa, thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến. Đặc biệt, họa sĩ Ngọc Linh cho biết, tháng 4/1954, danh họa Tô Ngọc Vân đi lên chiến trường Điện Biên Phủ. Ông vẽ rất nhiều ký họa về hoạt động tại mặt trận. Ngày 17/6/1954, danh họa cùng 2 họa sĩ bậc thầy đi thực tế kháng chiến tại Điện Biên Phủ. Khi Pháp ném bom, một tảng đá văng vào danh họa, khiến ông hy sinh.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn xúc động chia sẻ về danh họa Tô Ngọc Vân.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn xúc động chia sẻ về danh họa Tô Ngọc Vân.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai của danh họa Tô Ngọc Vân cũng cho hay, khi đi lên Điện Biên Phủ, cha của ông đã xác định lên chiến trường có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm đi, với mong muốn vẽ được những tác phẩm chân thực nhất về chiến trường.

Danh họa Tô Ngọc Vân sinh năm 1906 tại Hà Nội, mất năm 1954, khi đi thực tế chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé”, “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ” , “Thiếu nữ bên hoa sen”….

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/no-luc-dua-kiet-tac-thieu-nu-ben-hoa-hue-ve-bao-tang-my-thuat-viet-nam-i730890/