Niên vụ điều 2021-2022 và những vấn đề đặt ra - Bài 4

NÔNG DÂN CÓ THỂ "SỐNG KHỎE" VỚI CÂY ĐIỀU?

BPO - “Sau khi tạm ngưng cạo mủ cao su thì nông dân chuyển sang thu hoạch điều. Có nghĩa là trong 1 năm chúng tôi có việc làm liên tục từ mùa mưa đến mùa khô, duy trì thu nhập cho gia đình. Vì vậy, dù năm nay mất mùa điều nhưng chúng tôi vẫn đặt niềm tin ở loại cây trồng này” - ông Hoàng Văn Tùng, thôn 4, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng chia sẻ.

Vẫn tin tưởng dù mất mùa điều

Những năm trước, mùa thu hoạch điều của gia đình ông Hoàng Văn Tùng ở thôn 4, xã Thống Nhất diễn ra với khí thế hồ hởi, phấn khởi. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc nên 1,2 ha điều của gia đình ông luôn trĩu trái, ngày nào cũng cần từ 3-4 nhân công thu hoạch, sản lượng luôn đạt ở mức 4 tấn/năm. Còn năm nay, do thời điểm điều ra bông gặp phải những cơn mưa trái mùa khiến đen bông, rụng trái quá nửa nên cứ 3 ngày 1 lần, gia đình ông Tùng thu nhặt cả ngày cũng chỉ được 50kg hạt. Ông Tùng nhẩm tính, vụ điều năm nay chỉ bằng 1/4 sản lượng so với mọi năm. Tuy buồn vì vụ điều thất thu nhưng ông Tùng vẫn động viên vợ con tin tưởng ở niên vụ sau.

Mặc dù thất thu vụ điều này nhưng nông dân vẫn đặt trọn niềm tin vào cây điều. Trong ảnh: Nông dân xã Thống Nhất và cán bộ Hội Nông dân xã kiểm tra chất lượng hạt điều năm 2022

Mặc dù thất thu vụ điều này nhưng nông dân vẫn đặt trọn niềm tin vào cây điều. Trong ảnh: Nông dân xã Thống Nhất và cán bộ Hội Nông dân xã kiểm tra chất lượng hạt điều năm 2022

Là người có nhiều năm gắn bó với cây điều, anh Dương Văn Thông ở thôn 6, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng phân tích, với giá như hiện nay, bình quân 1 ha cao su, nông dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (chưa trừ chi phí), còn 1 ha điều thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Thoạt nhìn, thu nhập từ cây điều không bằng cao su cũng như nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ, công đầu tư chăm sóc cây điều ít, thời gian thu hoạch ngắn, vì vậy, người trồng điều có thể tận dụng thời gian rảnh trong năm làm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Đó là lợi thế của việc trồng điều.

Anh Dương Văn Thông,
thôn 6, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng

Đã có một thời, bài toán “chặt - trồng” trong nông nghiệp làm đau đầu ngành chức năng và chính người nông dân. Hễ mất mùa, mất giá là nhiều nông dân lại vội tìm cây trồng khác để chuyển đổi, đến khi cây trồng mới được thu hoạch thì lại rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá” hoặc “được giá, mất mùa”. Thế nhưng gần đây, nông dân Bình Phước đã thận trọng hơn, cân nhắc kỹ lợi - hại, thiệt - hơn khi quyết định chặt cây này, trồng cây khác.

Cây điều cũng tương tự. Người trồng điều hiện nay không còn nóng vội chạy theo xu hướng “chặt - trồng” nữa mà hướng tầm nhìn đến tương lai lâu dài. Ông Nguyễn Xuân Lục, thôn Phu Mang 3, xã Long Hà, huyện Phú Riềng chia sẻ: “Vấn đề được mùa, mất giá, được giá, mất mùa phụ thuộc vào thời tiết và tùy từng năm. Người nông dân cứ chạy theo, chặt suốt, trồng suốt thì sẽ không ổn. Gia đình có hơn chục ha, tôi luôn duy trì 50% diện tích cao su và 50% diện tích trồng điều để đảm bảo nguồn thu và công việc liên tục cho gia đình”.

Bởi vậy, dù niên vụ điều 2021-2022 mất mùa, nông dân Bình Phước xác định vẫn đặt niềm tin vào cây điều và sẽ tiếp tục gắn bó với loại cây trồng này. Nếu có thay đổi thì chỉ là tái canh trồng mới, chặt những vườn điều già cỗi, thay thế bằng những giống điều có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để phát triển cây điều bền vững

Bình Phước có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với cây điều. Chất lượng hạt điều Bình Phước được các chuyên gia đánh giá là số 1 thế giới, góp phần đưa cây điều trở thành cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh, đem lại giá trị xuất khẩu cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp trong nhiệm kỳ tới với 3 nhiệm vụ trọng tâm: tạo vùng nguyên liệu; chế biến; hình thành liên kết chuỗi. 3 ngành trọng điểm: chăn nuôi; trồng trọt; lâm nghiệp. 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: chăn nuôi (heo, gà); hạt điều; sản phẩm từ gỗ. 3 giải pháp hỗ trợ tổng thể: quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu, chính sách thu hút, hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao”.

Dù niên vụ 2021-2022 mất mùa, nhưng nông dân Bình Phước vẫn đặt niềm tin vào cây điều. Trong ảnh: Ông Vũ Đức Bộ, Giám đốc Hợp tác xã Phước Hưng và cán bộ Hội Nông dân xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài thăm vườn điều trên địa bàn - Ảnh: M.L

Với mục tiêu xây dựng ngành điều phát triển theo hướng bền vững, Bình Phước đã có chiến lược cụ thể theo từng giai đoạn. Trong đó định hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đồng bộ, chất lượng tại một số địa phương trong tỉnh; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất điều quy mô… Trước đó, tỉnh cũng đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho hạt điều Bình Phước. Đây là những yếu tố then chốt để người trồng điều tỉnh nhà có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cây điều.

Thời gian qua, thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, ngành nông nghiệp phối hợp với nhiều địa phương trong tỉnh đã khảo sát nhu cầu của người dân hằng năm để hỗ trợ cây giống, trong đó có cây điều. Ông Đoàn Quốc Ngữ, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cho hay, điều thực sự là cây giảm nghèo vì phù hợp với thổ nhưỡng, chi phí đầu tư thấp và cho thu hoạch sớm. Nếu người dân chịu khó chăm sóc để cây điều đạt năng suất cao thì sẽ có kinh tế ổn định hơn.

Để nâng cao năng suất điều, sau khi thu hoạch xong bà con cần cải tạo lại vườn, tỉa cành, bón phân dưỡng cây. Bà con nên tham gia các buổi hội thảo khoa học để được chuyển giao những kiến thức mới và cách chăm sóc điều phù hợp với từng thời điểm.

Ông Hoàng Văn Đình,
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng

Như vậy, ngoài định hướng, chiến lược của tỉnh và các ngành chức năng, người trồng điều cũng cần chủ động, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Trước mắt, bên cạnh kinh nghiệm thực tiễn, người trồng nên lưu ý khuyến cáo của cơ quan liên quan nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, sản lượng của cây điều. Có như thế người nông dân mới có thể “sống giàu”, “sống khỏe” với cây điều.

Ngọc Huyền - Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/132857/nien-vu-dieu-2021-2022-va-nhung-van-de-dat-ra-bai-4