Những vũ khí 'hạng sao' thất thế hoặc trở nên vô dụng trên chiến trường Ukraine

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm các vũ khí, trang thiết bị tiên tiến của cả Nga và phương Tây. Nhiều vũ khí nổi tiếng trước đây không chịu được thử thách nơi chiến trường.

Đạn tuần kích "Switchblade" bị thay thế

Tờ The Wall Street Journal mới đây nhận định, nhiều công ty sản xuất máy bay không người lái (UAV) của Mỹ từng hy vọng tận dụng cơ hội tham gia vào cuộc xung đột Nga-Ukraine để tạo ra hào quang “đã qua thực chiến” cho sản phẩm của mình.

Nhưng hy vọng đó đã tiêu tan. Điển hình là trường hợp đạn tuần kích Switchblade nổi tiếng một thời.

Năm 2022, chưa đầy một tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Lầu Năm Góc đã phê duyệt cho công ty AeroVironment cung cấp loạt đạn tuần kích (còn có tên “bom lảng vảng”) "Switchblade" cho Ukraine. Vào thời điểm đó, truyền thông Mỹ khoe rằng "UAV trong ba lô" này có đặc điểm của cả UAV và tên lửa. Nó có thể theo dõi, trinh sát và tấn công các mục tiêu di động như xe quân sự của Nga trên chiến trường.

Nhưng thực tế đã sớm chứng minh quân đội Mỹ đã quá lạc quan. Những người lính Ukraine ở mặt trận phát hiện ra rằng những chiếc UAV này rất mong manh và không thể chống lại công nghệ gây nhiễu tín hiệu và chặn GPS của Nga.

Theo một quân nhân Mỹ đã xuất ngũ từng sử dụng máy bay không người lái này ở Ukraine, "Switchblade" đã gặp sự cố khi đối mặt với hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Người phát ngôn của AeroVironment cũng thừa nhận các biện pháp can thiệp của quân đội Nga nói chung đã ảnh hưởng đến UAV này.

"Switchblade" trước đây đã được sử dụng trên chiến trường Afghanistan, nhưng thời điểm đó các lực lượng chống Mỹ về cơ bản không có năng lực phòng không và thiếu công nghệ đối phó điện tử. Nhà sản xuất AeroVironment Mỹ thừa nhận họ "không lường trước được môi trường tác chiến điện tử ở Ukraine".

UAV - đạn tuần kích Switchblade của Mỹ một dạo được tuyên truyền rầm rộ nhưng hiện đã biến mất trên chiến trường Ukraine (Ảnh: Sohu).

Tệ hơn nữa, UAV do Mỹ sản xuất thường rất đắt, có nhiều lỗi và khó sửa chữa. Mỗi UAV "Switchblade 300" mà Ukraine nhận được có giá 56.000 USD, tầm bắn 10 km, thời gian bay 15 phút và vận tốc hành trình 100 km/h. Tuy nhiên, hiện nay quân đội Ukraine tiêu thụ khoảng 10.000 UAV mỗi tháng, họ không có khả năng mua những món đồ đắt tiền như vậy. Vì vậy, Ukraine chỉ có thể dựa vào linh kiện dân sự để tự lắp ráp drone loại nhỏ, giá thành rẻ có thể mang theo chất nổ.

Lựu pháo M777 thất thế

Một loại vũ khí tiên tiến khác chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine là lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm do Mỹ sản xuất.

Chỉ vài tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, quân đội Ukraine đã mất toàn bộ các khẩu pháo cỡ nòng lớn đang hoạt động, thậm chí phải sử dụng các loại pháo cũ từ nhiều thập kỷ trước để cứu vãn tình hình. Trong bối cảnh đó, lô pháo lựu M777 đầu tiên Mỹ viện trợ Ukraine được coi là “cứu tinh trên chiến trường”.

Vào thời điểm đó, quân đội Ukraine ít khi cho phép các phóng viên Mỹ quan sát trận bắn pháo M777 ở cự ly gần và ra sức khuếch trương về độ chính xác, tốc độ bắn nhanh, cách sử dụng đơn giản và thuận tiện ngụy trang; đồng thời cho rằng "nó giúp nâng cao tinh thần của binh sĩ" và "làm mất tinh thần của quân đối phương khi chứng kiến các trận pháo kích".

Do khả năng cơ động chậm, lựu pháo M777 của Mỹ bị thất thế và tổn thất nặng trên chiến trường (Ảnh: Sohu).

Lầu Năm Góc ban đầu tin tưởng vào khả năng hoạt động của M777. Vì sợ quá kích động người Nga và ngăn chặn bí mật rò rỉ, lô pháo M777 đầu tiên viện trợ Ukraine đã được tháo bỏ thiết bị điều khiển hỏa lực kỹ thuật số quan trọng.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine nhanh chóng phát hiện ra rằng loại pháo này còn lâu mới có uy lực như quân đội Mỹ khoe khoang. M777 được khoe là pháo 155mm nhẹ nhất thế giới, tổng trọng lượng chưa đến 4,22 tấn, chỉ bằng một nửa trọng lượng của các hệ thống pháo cùng loại. Nó được cho là có lợi thế lớn do có thể được vận chuyển bằng trực thăng hạng nặng của quân đội Mỹ. Nhưng Ukraine, vốn không có ưu thế trên không, đơn giản là không thể làm được điều này, khiến M777 không khác gì loại pháo kéo thông thường.

Tệ hơn nữa, M777 sử dụng loại nòng bội số 39 đã lỗi thời, có tầm bắn ngắn hơn so với các loại pháo cùng loại của quân đội Nga nên rõ ràng đã bất lợi trong các trận đấu pháo.

Thống kê của quân đội Mỹ cho thấy Ukraine đã mất 2/3 trong số khoảng 200 khẩu M777 mà nước này nhận được. James Rainey, Tư lệnh cơ quan phát triển tiên tiến của Quân đội Mỹ, nói thẳng: “Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự chấm dứt hiệu lực của pháo xe kéo”.

Hệ thống phòng không “Pantsir” của Nga không đạt kỳ vọng

Quân đội Nga cũng có nhiều vũ khí "hạng sao" bị thất thế trên chiến trường. Ngoài Hạm đội Biển Đen bị các máy bay không người lái và tàu không người lái của Ukraine liên tục quấy rối, hệ thống phòng không Nga cũng bị hủy hoại danh tiếng vì hiệu quả kém.

Hệ thống phòng không tự hành Pantsir của Nga không có hiệu quả như kỳ vọng
(Ảnh: Sohu).

Điển hình là hệ thống phòng không “Pantsir”. Ngay từ thời Liên Xô, để đảm bảo đội hình cơ giới hành tiến của quân đội Xô viết không bị chặn bởi sức mạnh không quân của NATO, các thiết bị phòng không dã chiến đi kèm đã nhận được sự quan tâm lớn, và hệ thống "Pantsir" là một trong những thành quả được đánh giá rất cao.

Hệ thống này kết hợp pháo phòng không cỡ nhỏ và tên lửa phòng không tầm ngắn cho các hoạt động phòng không tầm trung và tầm thấp, đồng thời kết hợp ưu điểm của cả hai để đạt được hiệu quả "1+1 lớn hơn 2". Theo ý tưởng của quân đội Nga, khi một mục tiêu trên không tiếp cận, đầu tiên nó sẽ bị tên lửa phòng không đánh chặn, sau đó được bổ sung bằng pháo phòng không cỡ nòng nhỏ. Nếu cả hai đều không hiệu quả, "Pantsir" cũng có thể đợi mục tiêu bay qua đầu rồi phóng tên lửa truy đuổi.

"Pantsir" được tuyên bố là có thể đánh chặn nhiều mục tiêu trên không khác nhau như máy bay trực thăng, tên lửa, máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Quân đội Nga đã liên tiếp phát triển và trang bị nhiều mẫu như "Pantsir-S1", "Pantsir-S2", "Pantsir-SM" và "Pantsir-SM-SV", đồng thời xuất khẩu chúng sang nhiều nước.

Trong những ngày đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, quân đội Ukraine buộc phải sử dụng các UAV vũ trang TB-2 nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công các đoàn xe hậu cần của Nga nhằm kìm hãm đà tiến. Khi đó, ngay cả giới quan sát phương Tây cũng cho rằng loại UAV tốc độ chậm không tàng hình này về cơ bản không có cơ hội sống sót khi đối mặt với hệ thống "Pantsir".

Tuy nhiên, kết quả thực tế là các đoàn xe quân sự của Nga liên tục bị loại UAV này tiêu diệt, thậm chí nhiều hệ thống "Pantsir" cũng bị phá hủy.

Sau khi tuần dương hạm "Moskva" của Hạm đội Biển Đen của Nga bị đánh chìm, quân đội Nga đã đặc biệt vận chuyển một hệ thống phòng không "Pantsir-S1" đến Đảo Rắn nhằm tăng cường khả năng phòng không của lực lượng đồn trú. Nhưng nó cũng không hiệu quả và bị phá hủy trong cuộc không kích của quân đội Ukraine.

Vào tháng 7/2023, một đoạn video cho thấy hệ thống phòng không "Pantsir-S1" đã phóng hai quả tên lửa vào một tên lửa hành trình "Storm Shadow" Anh viện trợ cho Ukraine đang lao tới, nhưng cả hai đều không bắn trúng mục tiêu, sau đó tên lửa này đã đột phá thành công hàng rào đánh chặn và đánh trúng mục tiêu.

Trực thăng vũ trang K-52 của Nga có hỏa lực rất mạnh (Ảnh: Sohu).

Truyền thông Nga cho rằng thiết bị điện tử của hệ thống "Pantsir" có tính năng hạn chế và tên lửa phòng không của nó khó có thể đối phó với tên lửa hiện đại. Nhưng quân đội Nga cũng đang tổng kết kinh nghiệm và không ngừng cải tiến. Tờ Newsweek của Mỹ hôm 7/4 đưa tin hệ thống "Pantsir-SM" của quân đội Nga đã lần đầu tiên đánh chặn thành công tên lửa hành trình "Storm Shadow".

Nhiều vũ khí thất thế do "sử dụng không đúng cách"

Các thiết bị "hạng sao" khác nhau hoạt động kém trên chiến trường Ukraine không hoàn toàn do khiếm khuyết về tính năng. Trong nhiều trường hợp, chúng bị đưa nhầm vào môi trường chiến đấu không phù hợp.

Ví dụ điển hình nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực của cả hai bên. Dù là dòng T-90, T-80 của Nga hay "Leopard-2", "Challenger-2" và Abram M1A1 do phương Tây viện trợ Ukraine...đều gần như không có cơ hội thể hiện mà trở nên thất thế khi đối mặt với các mối đe dọa mới trên chiến trường như UAV tự sát và đạn tuần kích.

Quân đội Nga đã thử sử dụng các máy bay trực thăng vũ trang tiên tiến Ka-52 và Mi-28 trên quy mô lớn trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, nhưng chúng ngay lập tức chịu tổn thất nặng nề trước tên lửa phòng không mặt đất của quân đội Ukraine.

Nhưng điều này không có nghĩa là trực thăng vũ trang đã lỗi thời hoặc có khiếm khuyết về tính năng, mà là chúng không phù hợp để thực hiện các cuộc đột kích tầm thấp ở Ukraine, nơi có mật độ hỏa lực phòng không dày đặc.

Trong cuộc tấn công mùa Hè do quân đội Ukraine chủ động phát động năm 2023, phương Tây ngạc nhiên khi thấy các trực thăng vũ trang Ka-52 của Nga xuất kích hàng chục lần mỗi ngày và một số lượng lớn video nó tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của Ukraine xuất hiện trên mạng xã hội.

Trang “TheDrive” của Mỹ viết, đó là do quân đội Ukraine lúc này thiếu tên lửa phòng không yểm trợ, còn trực thăng vũ trang Nga thay đổi chiến thuật, chủ yếu dùng tên lửa chống tăng để tiến hành đánh “điểm danh” từ xa vào quân đội Ukraine. Chuyên gia quân sự Mỹ Peter Suciu nhận xét cuộc tấn công của Ka-52 vào quân đội Ukraine giống như "siêu mãnh thú".

Tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ rất hiệu quả trong thời kỳ đầu cuộc xung đột, hiện đã hầu như trở nên vô dụng (Ảnh: Sohu).

Các loại vũ khí cá nhân như tên lửa phòng không "Stinger" và tên lửa chống tăng "Javelin" do phương Tây cung cấp cho Ukraine đã hoạt động tốt trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, khiến quân đội Nga chịu tổn thất nặng nề.

Tuy nhiên, có rất ít tin tức về tính hiệu quả của các loại vũ khí tiên tiến này trong thời gian gần đây. Điều này không phải do hiệu suất của chúng kém mà do giai đoạn đầu của cuộc xung đột chủ yếu là tấn công và phòng thủ đô thị, hai bên cận chiến, từ đó mới có thể phát huy tối đa uy lực của các vũ khí cá nhân tiên tiến này.

Nhưng giờ đây, xung đột giữa Nga và Ukraine đã trở thành một cuộc chiến trận địa. Hai bên oanh tạc nhau bằng hỏa pháo hạng nặng cách xa hàng chục km, hoặc huy động máy bay chiến đấu phóng tên lửa hành trình và bom lượn. Điều này cũng khiến các vũ khí cá nhân về cơ bản đã trở nên vô dụng.

Theo Sohu

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhung-vu-khi-hang-sao-that-the-hoac-tro-nen-vo-dung-tren-chien-truong-ukraine-post174963.html