Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 42)

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa bàn, tháng 12/1979, Đồn CANDVT Lũng Làn vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài 42: Hiên ngang Lũng Làn

Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Lũng Làn (nay là Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang) luôn kề vai sát cánh cùng với đồng bào các dân tộc trong địa bàn, chủ động, tích cực đấu tranh chống xâm canh, lấn chiếm biên giới, giữ vững độc lập chủ quyền. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên cương, bờ cõi của Tổ quốc, Đồn CANDVT Lũng Làn và liệt sĩ Lộc Viễn Tài vinh dự được tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ tri ân các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Mưu trí, dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc

Nằm cách thị trấn Mèo Vạc hơn 50km, giáp với huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), Đồn CANDVT Lũng Làn được coi là nơi xa xôi, khó khăn nhất tỉnh Hà Giang. Từng có gần 10 năm (1977-1986) công tác, chiến đấu trong giai đoạn ác liệt nhất ở vùng đất này, ông Nguyễn Vũ Dương (nguyên Phó Đồn trưởng Đồn CANDVT Lũng Làn) nhớ lại: Xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc - địa bàn do đơn vị phụ trách là xã đặc biệt khó khăn, địa hình toàn núi đá hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt quanh năm.

Với độ cao bình quân 1.100m so với mực nước biển, mùa Đông ở đây thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau với nhiệt độ từ 5 đến 12 độ C. Tuy còn gặp phải nhiều khó khăn, phong tục tập quán, nhận thức khác nhau, nhưng đồng bào các dân tộc trong xã luôn đoàn kết, đồng hành cùng chính quyền và đồn CANDVT trong chiến đấu, bảo vệ biên cương, bảo vệ quê hương...

Luôn sát cánh với Đồn CANDVT Lũng Làn trong hàng chục năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, năm nay 62 tuổi, bà Hoàng Thị Tương (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ) nhớ như in từng chi tiết về sự anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Lũng Làn trong chiến đấu bảo vệ biên giới. Đã gần 44 năm, nhưng bà vẫn gọi được tên từng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Bà nói: “Lúc đó, mình là du kích xã, chồng mình cũng là cán bộ của đồn nên anh em gắn bó với nhau lắm. Mình là người chôn anh Tài, anh Cẩm và anh Toàn nữa”...

Ba liệt sĩ mà bà Tương nhắc tên là Thượng úy, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài, sinh năm 1941, quê ở xã Vĩ Thượng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; Đại úy, Chính trị viên Lưu Đình Toàn, sinh năm 1944, quê ở xã Linh Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và Thiếu úy, Phó Đồn trưởng Nguyễn Hồng Cẩm, sinh năm 1951, quê ở xã Phương Thiện, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang...

Tại địa bàn xã Sơn Vĩ, 7 giờ sáng ngày 17/2/1979, sau khi dùng hỏa lực bắn phủ đầu, địch huy động hai tiểu đoàn bộ binh tăng cường vượt biên giới, theo hướng mốc 138 và mốc 140, đánh vào Đồn CANDVT Lũng Làn và điểm cao 1379 Phìn Lò (cách đồn 3km về phía Tây). Vốn là người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh, đợi cho đội hình địch lọt vào trận địa mà ta giăng sẵn, Thượng úy, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài mới ra lệnh nổ súng. Gặp phải đòn phản kích bất ngờ và quyết liệt của ta, địch bị thương vong nặng nề, buộc phải tháo chạy về bên kia biên giới.

Trong ngày 17/2/1979, ỷ thế hơn hẳn về hỏa lực và binh lực, địch lại thêm 2 lần nữa tấn công Đồn CANDVT Lũng Làn và điểm cao 1379, nhưng chúng đều phải chuốc lấy sự thất bại. Đội hình chúng bị ta xé ra làm nhiều mảnh nhỏ, nhiều tên chạy tạt ngang, sa vào bãi mìn, bãi chông mà đồn đã bố trí sẵn. Tại trận địa chiến đấu bảo vệ điểm cao Phìn Lò, dưới sự chỉ huy của Phân đội trưởng Nguyễn Quang Minh, đội công tác của Đồn CANDVT Lũng Làn đã bẻ gãy cả 3 đợt tấn công của đối phương, buộc chúng phải tháo chạy qua biên giới. Trong trận này nổi lên gương chiến đấu anh dũng của các đồng chí: Chốc, Nhạn, Hương và xạ thủ đại liên Hoàng Văn Đồng...

Biên cương mãi khắc ghi chiến công người đồn trưởng

Trong danh sách 23 liệt sĩ tại Nhà bia xã Sơn Vĩ, tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Viễn Tài đứng đầu tiên. Và tại xã Sơn Vĩ hiện nay vẫn còn mộ bia ở chính nơi Thượng úy, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài hy sinh. Trung tá Tạ Diên Hoàn, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Vĩ cho biết, thi hài Anh hùng Lộc Viễn Tài đã được đưa về quê nhà, nhưng thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc nơi đây, chính quyền địa phương và đơn vị đã dựng một tấm bia ngay chính nơi anh đã ngã xuống để tưởng nhớ công ơn, sự hy sinh anh dũng của anh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.

Bà Hoàng Thị Tương kể lại chiến công của Đồn CANDVT Lũng Làn trong chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Năm nay 63 tuổi, ông Nguyễn Xuân Hòa, nguyên là chiến sĩ Đồn CANDVT Lũng Làn nhớ lại: Lúc đó, phần lớn là chiến sĩ mới, còn lớ ngớ chuyện đánh đấm lắm. Chủ yếu là do Đồn trưởng Tài và các anh trong Ban chỉ huy đồn đảm nhiệm. “Chỉ riêng ngày 17/2/1979, Thượng úy, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài đã chỉ huy anh em trong đơn vị mưu trí, gan dạ đánh bật 3 đợt tấn công của địch, tiêu diệt gần 200 tên” - ông Hòa nhắc lại chiến công của thủ trưởng cũ với lòng ngưỡng mộ, kính trọng.

Ngày 5/3/1979, địch tiếp tục huy động binh lực, hỏa lực quyết chiếm cho bằng được Đồn CANDVT Lũng Làn và trận địa của đồn ở cao điểm 1379. Nhưng dưới sự chỉ huy tài trí của Đồn trưởng Lộc Viễn Tài, đối phương đã bị lực lượng ta mai phục, đánh cho tan tác. Nhiều tên chạy tán loạn, sa vào hầm chông, bãi mìn của ta gài sẵn.

Theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòa, ngày 5/3/1979, sương mù dày đặc, cách mấy mét đã không nhìn thấy nhau. Đầu giờ chiều, thấy chốt Lũng Chín (cách đồn 3km) bị địch vây đánh quyết liệt, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài giao quyền chỉ huy cho Thiếu úy, Phó Đồn trưởng Nguyễn Hồng Cẩm. Sau đó, Đồn trưởng Tài dẫn theo 2 chiến sĩ là Nguyễn Xuân Hòa và Phạm Văn Phương lên chi viện cho chốt Lũng Chín.

“Đồn trưởng Tài chỉ vị trí chiến đấu cho tôi và đồng chí Phương. Anh còn dặn kỹ, khi nào anh bắn thì các em mới nổ súng, rồi xách theo khẩu súng RPD tiếp cận đội hình địch” – cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hòa kể. Bị tập kích bất ngờ, lúc đầu, địch rất hoang mang, nhưng khi phát hiện lực lượng ta quá mỏng, chúng đã quay lại bao vây. Lúc đó, Đồn trưởng Tài lệnh cho 2 chiến sĩ Hòa và Phương rút lui, còn anh tiếp tục ở lại chiến đấu rồi hy sinh ngay tại đó. Cũng trong ngày 5/3/1979, Thiếu úy, Phó Đồn trưởng Nguyễn Hồng Cẩm đã anh dũng hy sinh khi ở lại chiến đấu, chặn đánh địch, nghi binh cho đơn vị rút lui.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa bàn, tháng 12/1979, Đồn CANDVT Lũng Làn vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thành tích chung của đơn vị, liệt sĩ Lộc Viễn Tài được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài 43: Giữ “cổng trời Xín Cái”

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-42-post470167.html