Nghiện game - đánh đổi tương lai

Như con thiêu thân, nhiều học sinh, sinh viên đang đốt sức khỏe, thời gian vào những trò chơi thâu đêm suốt sáng. Đến lớp thiếu ngủ, tiếp thu bài kém, kết quả học tập sa sút, sức khỏe suy giảm, họ giam cầm chính bản thân và nhấn chìm tương lai trong những trò chơi online sau cánh cửa của phòng game.

Vì game mà quên hết

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Cơ quan này công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế. Khi nghiện game, trẻ em sẽ tìm đến trò chơi kể cả trong giờ học, thậm chí chơi game mất kiểm soát.

Chơi game online xuất phát từ nhu cầu giải trí, tuy nhiên trò chơi ảo này lại có ma lực biến không ít thanh thiếu nhi trở thành con nghiện. Tình trạng trẻ ham game, bỏ học, thay đổi tính nết đang làm đau đầu không ít phụ huynh.

Thậm chí trong các buổi gặp mặt của các gia đình, nhiều trẻ nhỏ gần như không thích giao tiếp mà chỉ ngồi một chỗ cầm điện thoại và chơi điện tử, dù cha mẹ đã nhắc nhở rất nhiều, thậm chí là thu cả điện thoại.

Ngay cả trong giờ học, nhiều em học sinh cũng tranh thủ chơi game. Thời gian dịch Covid-19 phải học trực tuyến, các em được trao quyền sử dụng các thiết bị công nghệ, sau đó, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì con mình đã đam mê game quá đà hoặc trở thành game thủ.

Game có ma lực vô hình cuốn hút và biến không ít thanh thiếu nhi trở thành con nghiện.

Game có ma lực vô hình cuốn hút và biến không ít thanh thiếu nhi trở thành con nghiện.

Mê game - hậu quả nhãn tiền

Chơi game online không phải là hành vi sai lệch. Nhưng mê game, nghiện game là một dạng sai lệch. Những hành vi sai trái do nghiện game là hành vi lệch chuẩn so với các giá trị đạo đức, chuẩn mực ứng xử của gia đình, cộng đồng và quy định của pháp luật. Các hành vi này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự xã hội. Việc “nghiện game” không chỉ ảnh hưởng tới xã hội, mà còn khiến cho chính bản thân người nghiện game rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật, mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật, nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực. Không ít người trẻ tuổi đã mắc các bệnh rối loạn tâm thần xuất phát từ việc nghiện game.

Tù nhân Triệu Quân Sự là một kẻ vì nghiện game mà nhiều lần trốn tù thoát ra ngoài để chơi game. Trong năm 2022, tù nhân chung thân Triệu Quân Sự (Phú Cường, Đại Từ, Thái Nguyên) đã 3 lần vượt ngục. Là đối tượng nghiện game, đã từng đào ngũ, Triệu Quân Sự phạm tội cướp tài sản, giết người để có tiền chơi game. Sau những vụ vượt trại tù, Triệu Quân Sự đã bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang... chơi game. Đối tượng này khai nhận rằng chỉ vì mình quá nghiện game nên phải tìm cách trốn tù, thoát ra ngoài kiếm tiền để chơi game.

Tù nhân Triệu Quân Sự là một kẻ vì nghiện game mà nhiều lần trốn tù thoát ra ngoài để chơi game.

Tù nhân Triệu Quân Sự là một kẻ vì nghiện game mà nhiều lần trốn tù thoát ra ngoài để chơi game.

Mới đây, một nhóm 4 đối tượng trú tại Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa đã bị công an bắt giữ vì tội cướp tài sản. Dù chỉ mới 16, 17 tuổi nhưng nhóm này đã gây ra 16 vụ cướp trên địa bàn Hà Nội. Tiền và tài sản cướp được, các đối tượng dùng để chơi game và tiêu xài cá nhân. Nhóm này thường lựa chọn thời gian hoạt động vào các buổi trưa, đường vắng người qua lại, hoặc lúc nhá nhem tối. Chúng lượn lờ trên các tuyến phố, nếu phát hiện phụ nữ những người yếu thế, ít có khả năng tự vệ, sơ hở trong việc bảo vệ tài sản như vừa đi đường vừa nghe điện thoại, chúng sẽ tiếp cận ra tay cướp giật tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Có rất nhiều vụ án mà các nghi phạm là những đối tượng nghiện game, đặc biệt là game bạo lực. Theo nhiều chuyên gia, việc nghiện game sẽ gây ra những hệ lụy xấu bởi các trò chơi gây nghiện thường phải nạp tiền thật để chơi. Người nghiện game không dành thời gian cho lao động, học tập, làm việc nên không có thu nhập. Để có tiền chơi game, một số người sẽ tìm cách kiếm tiền bất hợp pháp, vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp giật tài sản, thậm chí tước đoạt tính mạng của người khác… chỉ để thỏa mãn nhu cầu chơi game của bản thân. Nguy hiểm hơn, đã có những vụ án người phạm tội lấy ý tưởng từ game.

Game có gì mà hấp dẫn con người như vậy, thậm chí dẫn tới nghiện game? Theo báo cáo của Hội đồng khoa học và sức khỏe cộng đồng của Mỹ, người nào chơi trò chơi trên máy tính quá 2 giờ mỗi ngày được coi là nghiện game máy tính. Học viện Nhi khoa Mỹ cũng lấy tiêu chuẩn chơi game quá 2 giờ mỗi ngày để xác định người nghiện game online.

TS. Phạm Thị Thu Hoa - Khoa Tâm lý học, trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, một trẻ nghiện game thường có những biểu hiện: luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, ngáp ngủ (do thiếu ngủ), đau đầu, đau cổ tay do sử dụng bàn phím quá nhiều; về tâm lý thì luôn luôn tỏ ra cáu kỉnh, tức giận, buồn bã hoặc có hành vi không phù hợp, bạo lực… khi bị ngăn cản, không được chơi game. Trẻ nghiện game thường mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, stress, trầm cảm, đồng thời thể chất và kết quả học tập sẽ sa sút, quên ăn, quên ngủ.

Những trẻ nghiện game online sẽ trở nên cáu kỉnh, có hành vi bạo lực hoặc bị ức chế nếu không được chơi game online trên máy tính.

Những trẻ nghiện game online sẽ trở nên cáu kỉnh, có hành vi bạo lực hoặc bị ức chế nếu không được chơi game online trên máy tính.

Tại sao game lại hấp dẫn đến vậy?

Được tiếp xúc với thiết bị công nghệ từ nhỏ, bé Minh Pháp con của chị Trịnh Thùy Dung (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã thành thạo mọi thao tác của chiếc Ipad. Theo lời kể của chị Dung, bé Minh Pháp rất thích các chơi trò chơi bạo lực trong game. Ban đầu chị Dung chỉ cho con sử dụng máy với mục đích học tiếng Anh, không lường trước được sức hấp dẫn của các trò chơi điện tử giải trí lại dễ gây nghiện đối với trẻ.

Hay như một trường hợp khác, em H.( ở Thanh Xuân, Hà Nội), chỉ vì ham mê các trò chơi điện tử, cứ vào ngày nghỉ học là T. ôm trọn laptop cả ngày, chơi thâu đêm suốt sáng, quên ăn quên ngủ và đôi khi quên cả ôn luyện trong khi kỳ thi chuyển cấp sắp đến, khiến cha mẹ lo lắng.

Vẫn biết rằng game chỉ là thế giới ảo, nhưng những cảm xúc mà đứa trẻ có được khi say sưa bấm nút hoặc di chuyển con trỏ là thật. Ngày càng có nhiều bạn trẻ đi tìm niềm vui và sự khuây khỏa trong thế giới ảo, vì theo họ, chỉ có ở đó họ mới tạo được danh tính riêng, được đánh giá cao, những điều mà họ không có được trong gia đình hoặc ở trường.

Game chỉ là thế giới ảo, nhưng những cảm xúc mà đứa trẻ có được khi say sưa bấm nút hoặc di chuyển con trỏ là thật.

Game chỉ là thế giới ảo, nhưng những cảm xúc mà đứa trẻ có được khi say sưa bấm nút hoặc di chuyển con trỏ là thật.

Cùng con thoát khỏi cơn nghiện game

Nhận thấy ngày càng gia tăng số lượng người nghiện game và kéo theo đó là những hậu quả do chơi game quá mức, Hệ thống phân loại quốc tế bệnh tật phiên bản mới nhất (ICD-11) đã bổ sung hành vi nghiện - rối loạn chơi trò chơi (gaming disorder) vào các tình trạng sức khỏe và bệnh lý. Chứng nghiện này gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho sự phát triển tâm lý của người bệnh.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn xu hướng nghiện game tăng cao trong giới trẻ, góp phần ngăn ngừa hành vi phạm tội của đối tượng nghiện game, cần có sự chung tay của gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục.

Để giúp trẻ rời xa các thiết bị thông minh, cha mẹ nên tăng cường cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, tăng cường tương tác, trò chuyện, không để con trốn tránh trong thế giới game một mình. Trong đó, việc khuyến khích trẻ hình thành thói quen vận động, tham gia vào các hoạt động thể thao tại các khu vực công cộng đã và đang được nhiều gia đình chú trọng.

Đồng hành cùng con không chỉ trong học tập, nhiều phụ huynh còn sẵn sàng tham gia vận động cùng con để giúp con rời ra các thiết bị điện tử.

Đồng hành cùng con không chỉ trong học tập, nhiều phụ huynh còn sẵn sàng tham gia vận động cùng con để giúp con rời ra các thiết bị điện tử.

“Khi đón con đi học về thì mình cho các con ra công viên giải trí một chút và để bố mẹ cùng với con có thời gian để cùng đi với nhau, thư thái, thư giãn. Đó là thói quen cực kỳ tốt và mình luôn luôn duy trì như thế. Mình rất muốn sau này con mình và những người xung quanh mình cũng có thói quen giống mình, thế nên mình muốn truyền cảm hứng đó cho con ngay từ nhỏ luôn để sau này con cũng yêu thích thể thao như thế”, chị Hoàng Hồng Tâm (Hà Nội) chia sẻ.

Khi các không gian công cộng được lấp đầy các dụng cụ thể dục thể thao, những thói quen chơi game, điện tử sẽ được từ bỏ và thay bằng những thói quen vận động. Em Trương Công Duy Khánh (Hà Nội) kể: "Em đã bỏ điện thoại và ra đây chơi những môn thể thao này. Thay đổi thấy khỏe hơn, thích thú hơn rất là nhiều”.

Không bao giờ là quá sớm để thắp lên niềm đam mê vận động trong trẻ, nhất là với trẻ em thành thị. Việc đồng hành cùng trẻ trong các hoạt động thể dục thể thao sẽ truyền cảm hứng yêu vận động cho trẻ và mang lại sự khỏe mạnh cho thế hệ tương lai.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nghien-game-danh-doi-tuong-lai-238227.htm