Nhật Bản chi 5,6 tỷ Yen tìm kiếm thị trường mới cho hải sản, đề nghị Trung Quốc điều này

Ngày 5/9, chính phủ Nhật Bản đã quyết định chi 20,7 tỷ Yen (tương đương 141 triệu USD) từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2023 để thực hiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với những nhà kinh doanh hải sản, sau khi Trung Quốc dừng nhập mặt hàng này.

Chính phủ Nhật Bản chi 20,7 tỷ Yen hỗ trợ các nhà kinh doanh hải sản. Hình ảnh hệ thống xả nước thải hạt nhân ra biển tại nhà máy Fukushima. (Đồ họa: Reuters)

Chính phủ Nhật Bản chi 20,7 tỷ Yen hỗ trợ các nhà kinh doanh hải sản. Hình ảnh hệ thống xả nước thải hạt nhân ra biển tại nhà máy Fukushima. (Đồ họa: Reuters)

Để hỗ trợ các nhà kinh doanh thay đổi đối tác xuất khẩu từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, chính phủ Nhật Bản quyết định chi 10 tỷ Yen cho hoạt động bảo quản tạm thời và 5,6 tỷ Yen để hỗ trợ việc tìm kiếm thị trường mới.

Bên cạnh đó, đối với với mặt hàng sò được xuất chủ yếu sang Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường công đoạn bóc vỏ và sơ chế ở trong nước để xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ.

Theo đó, chính phủ sẽ hỗ trợ 2 tỷ Yen cho việc đảm bảo nguồn nhân lực cần thiết cho việc chế biến ở trong nước, đồng thời 3 tỷ Yen hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị mới tại các cơ sở chế biến.

Phát biểu với các phóng viên, Chánh văn phòng Nội các Matsuno Hirokazu nó rằng, gói chính sách lần này của ngoài việc hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, còn hỗ trợ đảm bảo nguồn nhân lực để tận dụng tối đa các nhà máy chế biến hiện có.

Để bảo vệ các nhà kinh doanh hải sản, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cụ thể với tinh thần cấp bách và thực hiện mọi biện pháp có thể để hỗ trợ ngành hải sản trên cả nước.

Gói chính sách nói trên sẽ độc lập với quỹ giá trị 80 tỷ Yen được thành lập để hỗ trợ duy trì hoạt động cho những người hoạt động trong ngành ngư nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín từ các tin đồn do xả nước thải.

Trước đó, ngày 4/9, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, nước này đã đề nghị Trung Quốc tiến hành các cuộc thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu liên quan đến Fukushima dựa trên các điều khoản của hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bộ trên bày tỏ: "Tokyo hy vọng Bắc Kinh tổ chức các cuộc thảo luận với phía Tokyo sớm nhất có thể và xem xét các biện pháp phù hợp với nghĩa vụ của Hiệp định RCEP".

Trung Quốc là đối tác nhập khẩu hải sản lớn nhất của Nhật Bản. Ngay sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ dừng hoàn toàn việc nhập khẩu hải sản của nước này.

(theo Reuters, TTXVN)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-chi-56-ty-yen-tim-kiem-thi-truong-moi-cho-hai-san-de-nghi-trung-quoc-dieu-nay-240919.html