Nhận diện đầy đủ kết quả và tồn tại, hạn chế của nền kinh tế

Sáng mai, 13.5, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm nay. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh yêu cầu phải nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm.

Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy...

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, từ đầu năm đến nay, quán triệt tinh thần chỉ đạo “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, tập trung triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, phấn đấu hoàn thành tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn đặt ra.

Kết quả 4 tháng đầu năm cho thấy đã đạt 12 kết quả nổi bật. Trong đó, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. GDP Quý I.2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I kể từ năm 2020 và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế. Ảnh: Nghĩa Đức

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế. Ảnh: Nghĩa Đức

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn FDI thực hiện đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công đến 30.4.2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực; công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3% so với cùng kỳ; khách quốc tế đạt hơn 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19)…

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, thách thức như: sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm; nhu cầu tiêu dùng trong nước tính chung 4 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019; đầu tư khu vực tư nhân phục hồi chậm; tăng trưởng tín dụng chưa cao, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát, vật liệu san lấp nền; việc cấp phép các mỏ cát mới còn chậm, gặp nhiều vướng mắc...

Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm. Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ, gần cận dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4,0-4,5%). Tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước…

... nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết

Tán thành với những đánh giá được nêu trong báo cáo của Chính phủ, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay, Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ một số vấn đề cần được quan tâm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP của quý I.2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng. Trong các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), ngoại trừ xuất khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng ấn tượng 15% trong 4 tháng đầu năm 2024, cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%. Ngành khai khoáng suy giảm trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: Nghĩa Đức

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: Nghĩa Đức

Bên cạnh những vấn đề như khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, một số rủi ro, thách thức của thị trường tài chính, tiền tệ và một số tồn tại trong cải cách thủ tục hành chính…, Ủy ban Kinh tế nêu rõ, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền; giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội, cũng như giá đất nền tại một số địa bàn tăng cao đột biến…

Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế lưu ý, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy. Đơn cử như, người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ; nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng. Do vậy, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đánh giá chung, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua có nguyên nhân chủ quan và khách quan; do đó, đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nhan-dien-day-du-ket-qua-va-ton-tai-han-che-cua-nen-kinh-te-i371488/