Nhà văn của 'Dũng Sài Gòn' Nguyễn Trí Công qua đời

Thông tin từ gia đình, nhà văn Nguyễn Trí Công qua đời rạng sáng nay (26-5) tại tư gia sau một thời gian lâm bệnh, hưởng thọ 69 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Trí Công nổi tiếng với tác phẩm "Dũng Sài Gòn" (giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Nam (1990-1991).

Nhà văn Nguyễn Trí Công. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Dũng Sài Gòn (một trong năm tác phẩm trong Tuyển truyện đoạt giải văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam: Trên lưng ngựa của nhà văn Minh Khoa, Vịt chị vịt em của nhà văn Vũ Thị Thường, Một chuyến đi xa của nhà văn Đào Hiếu, Đuốc lá dừa của nhà văn Hoài Anh).

"Dũng Sài Gòn" đã chuyển thể thành phim nhựa nhân kỷ niệm 300 năm thành phố Hồ Chí Minh (1698-1998).

Chỉ riêng với Dũng Sài Gòn đã đưa tên tuổi nhà văn Nguyễn Trí Công có chỗ đứng nhất định trong làng văn. Và độc giả cũng biết đến anh qua Dũng Sài Gòn.

Truyện ngắn đầu tay của anh là “Bài học không quên”, một truyện ngắn viết cho thiếu nhi in 4 kỳ trên báo Khăn Quàng Đỏ (1981).

Nhà văn Nguyễn Trí Công cả một đời dành cho văn học thiếu nhi. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Nhà văn Nguyễn Trí Công sinh ngày 7-2-1954 tại làng Mỹ Phước (nay là phường Mỹ Phước) thành phố Long Xuyên, An Giang.

Trước 1975 là sinh viên Đại học Khoa học. Sau 1975 học Khóa Cao đẳng Sư phạm TP.HCM.

Năm 1976 về Công tác tại Phòng Giáo dục Nhà Bè, học tiếp và tốt nghiệp ngành Vi sinh.

Từ 1981 là biên tập viên (NXB) Măng Non (tiền thân của NXB Trẻ trong suốt 33 năm cho tới khi nghỉ hưu.

Cáo phó

Tác phẩm chính:

Cô giáo Thủy (tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1986); Cô bé khéo tay (NXB Trẻ, 1986); Sự tích lông nhím (NXB Phú Khánh, 1988); Bí mật khu rừng cấm (NXB Kim Đồng, 1989); Nhật ký buồn cho Hải Âu (NXB Trẻ, 1990); Dũng Sài Gòn (NXB Trẻ, 1991- Hãng phim Bông sen dựng phim nhựa 1997); Nước mắt muộn màng (NXB Trẻ, 1992 – Hãng phim Giải phóng dựng phim nhựa, 1995); Như chuyện cổ tích (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1993); Xóm lò heo (NXB Trẻ, 1995 – Hãng phim TFS dựng thành phim truyền hình Giã từ cát bụi, 2000); Quà tặng của Hà Bá (NXB Trẻ, 1995); Chiếc túi hạnh phúc (NXB Trẻ, 1996); Ván cờ đầu xuân (NXB Kim Đồng, 2000).

Khen thưởng-Giải thưởng

Huy chương Vì thế hệ trẻ (2000)

Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin Việt Nam (2001)

Bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2001)

Giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Nam (1990-1991) với truyện dài Dũng Sài Gòn.

NGUYỄN TÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nha-van-cua-dung-sai-gon-nguyen-tri-cong-qua-doi-post681807.html