Nhà thầu cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tập kết máy móc chờ mặt bằng

Gần một năm khởi công, nhà thầu thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vẫn chưa có mặt bằng để thi công. Công nhân, thiết bị máy móc tập kết rồi chỉ biết chờ đợi.

Nhà thầu sốt ruột... vì không có mặt bằng thi công

Theo ghi nhận, sau gần một năm khởi công (18/6/2023), dự án thành phần 2, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (do Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT làm chủ đầu tư) vẫn đang vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.

Đặc biệt, đến nay có một nhà thầu vẫn chưa tiếp cận được một mét mặt bằng nào để thi công. Gần một năm qua, công nhân, máy móc thiết bị chỉ biết "ăn chực nằm chờ" trên công trường.

Toàn bộ phạm vi tuyến của nhà thầu Đạt Phương nằm trong đất rừng nên chưa thể tác động, triển khai thi công khiến nhà thầu rất sốt ruột. Ảnh: Ngọc Hùng

Toàn bộ phạm vi tuyến của nhà thầu Đạt Phương nằm trong đất rừng nên chưa thể tác động, triển khai thi công khiến nhà thầu rất sốt ruột. Ảnh: Ngọc Hùng

Dẫn phóng viên ra phía sau lán trại, chỉ tay về phía những ngọn đồi, ông Trịnh Trung Lượng, Giám đốc điều hành dự án của nhà thầu Công ty Cổ phần tập đoàn Đạt Phương chia sẻ: "Sau khi kí hợp đồng với chủ đầu tư, nhà thầu huy động đưa máy móc lên công trường nhưng đến nay chưa nhận được mặt bằng. Hiện đơn vị chỉ thi công được lán trại, dựng trạm trộn bê tông rồi nằm chờ chứ chưa tiếp cận được mặt bằng thi công.

Theo ông Lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chậm nhất 30/6 phải bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, nhưng hiện toàn bộ mặt bằng thi công của nhà thầu đều dính đất rừng tự nhiên nên thủ tục chuyển đổi mục sử dụng rừng rất khó khăn.

UBND tỉnh đã có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng (CMĐSD) rừng nhưng thủ tục thu hồi rừng và xử lý tài sản mất rất nhiều thời gian, có khi đến hết năm 2024 nhà thầu cũng chưa nhận được mặt bằng. Không biết tình trạng trên còn kéo dài đến bao giờ?.

Thiết bị khoan hầm của nhà thầu Đạt Phương tập kết, "ăn chực nằm chờ" mặt bằng gần một năm qua. Ảnh: Ngọc Hùng

Thiết bị khoan hầm của nhà thầu Đạt Phương tập kết, "ăn chực nằm chờ" mặt bằng gần một năm qua. Ảnh: Ngọc Hùng

Tương tự, tại dự án thành phần 3, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, hiện nay mặt bằng vẫn "xôi đỗ" làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

Theo chủ đầu tư, dự án chưa thể thi công đồng bộ, đồng loạt là do đang vướng công tác GPMB, thiếu nguồn vật liệu và bãi đổ thải.

Một nhà thầu cho hay: "Trên dự án nhiều vị trí có khối lượng đào đắp lớn nhưng không thể điều phối đất trên tuyến do vướng công tác GPMB. Nhà thầu mong muốn công tác GPMB sớm được triển khai để đồng bộ thi công, chạy tiến độ dự án khi mùa mưa đang đến gần".

Chậm GPMB do vướng đất rừng, bán cây rừng

Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết: "Đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn huyện có đặc thù hơn so với các huyện khác là đi qua rừng tự nhiên.

Dự án đi qua 16,2km, thu hồi 169,83ha, trong đó thu hồi rừng tự nhiên là 40,14ha, còn lại rừng trồng. Huyện Krông Bông thu hồi diện tích rừng tự nhiên lớn nhất trong dự án với khối lượng rừng khoảng 18.500 cây, trữ lượng trên 9.000m3.

Tháng 4/2024, UBND tỉnh có quyết định về việc CMĐSD rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án thành phần 2, hiện địa phương đang phối hợp với các vị liên quan hoàn thiện thủ tục, phương án xử lý cây rừng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công".

Nhà thầu Tân Nam thi công nhưng vướng cây rừng phải chừa lại chờ xử lý (ảnh nhỏ) gây khó khăn cho công tác triển khai thi công. Ảnh: Ngọc Hùng

Nhà thầu Tân Nam thi công nhưng vướng cây rừng phải chừa lại chờ xử lý (ảnh nhỏ) gây khó khăn cho công tác triển khai thi công. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Phan Tất Thành, Giám đốc điều hành dự án thành phần 2 cho biết: "Dự án thành phần 2 có chiều dài hơn 36km với 38 cây cầu, 4 hầm chui, 20 cống hộp và hầm chui dân sinh. Trong đó, tổng chiều dài cầu là 12km, hầm xuyên núi có chiều dài 3km.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của dự án là vướng 45ha diện tích rừng tự nhiên (tương đương chiều dài tuyến hơn 10km). Trong đó, có Công ty Cổ phần tập đoàn Đạt Phương là một trong những nhà thầu đầu tiên lên công trường, xây dựng lán trại, tập kết máy móc… nhưng đến nay chưa thể triển khai thi công, tất cả đang nằm chờ".

"Hiện đã có quyết định cho CMĐSD rừng, nhưng để xử lý được số lượng gỗ trong 45ha cần phải kiểm đếm số lượng, thẩm định giá, lên phương án đấu giá, khai thác gỗ xong mới bàn giao mặt bằng. Nếu thủ tục trên hoàn thành, bàn giao mặt bằng phải mất 1, 2 tháng nữa khiến tiến độ dự án thành phần 2 rất gian nan", ông Thành khẳng định

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk, hiện nay công tác chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án thành phần 3 chưa được UBND tỉnh phê duyệt nên chưa triển khai thi công tại các vị trí CMĐSD rừng.

Vị trí tuyến của nhà thầu Công ty Cổ phần 484 chưa thể triển khai đồng bộ do vướng đất rừng, chỗ nào có mặt bằng đơn vị đã tổ chức thi công trước để chạy đua tiến độ dự án trong khi mùa mưa 2024 đang đến gần. Ảnh: Ngọc Hùng

Vị trí tuyến của nhà thầu Công ty Cổ phần 484 chưa thể triển khai đồng bộ do vướng đất rừng, chỗ nào có mặt bằng đơn vị đã tổ chức thi công trước để chạy đua tiến độ dự án trong khi mùa mưa 2024 đang đến gần. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo Ban QLDA 6, hiện nay công tác CMĐSD rừng để thực hiện dự án thành phần 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ban QLDA6 đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu huy động máy móc, thiết bị và các nguồn lực trên công trường để sẵn sàng tổ chức, triển khai thi công đồng loạt các hạng mục công trình quan trọng.

Trong đó, tập trung thi công các cửa hầm, móng, mố trụ các cầu cấp đặc biệt để chạy đua tiến độ trước mùa mưa năm 2024. Tuy nhiên, các hạng mục công trình trên hầu hết nằm trong phạm vi phải CMĐSD rừng nên rất khó khăn.

Theo ông Phạm Văn Trình, Phó giám đốc Ban QLDA 6, trước tình hình cấp bách về mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án khi mùa mưa đang đến gần, Ban đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục để GPMB trong phạm vi phải CMĐSD rừng để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, dự án thành phần 2, có tổng diện tích là 135,46ha rừng CMĐSD rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn thực hiện các trình tự, thủ tục về khai thác lâm sản.

UBND tỉnh đề nghị các huyện liên quan, khẩn trương thực hiện bồi thường, hỗ trợ, xử lý tài sản sản (rừng tự nhiên, rừng trồng) đối với diện tích rừng CMĐSD đảm bảo theo đúng quy định. Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện GPMB, khai thác lâm sản đối với diện tích rừng CMĐSD đúng ranh giới.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án khoảng 116,577km, được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 18/6/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Dự án được chia làm 3 thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận làm chủ đầu tư và dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện.

Ngọc Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-thau-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-an-chuc-nam-cho-mat-bang-192240519052030371.htm