Nhà cổ gần 130 năm 'kêu cứu'

Ngôi nhà cổ gần 130 năm tọa lạc trên đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, phường 1, TP. Tây Ninh đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không kịp thời sửa chữa, có thể di tích này sẽ ngày càng hư hại nặng hơn.

Ngôi nhà cổ gần 130 năm của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên.

Ngôi nhà cổ gần 130 năm của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên.

Một phần mái hiên đã sụp đổ

Cơn mưa to cuối mùa vừa qua đã làm sụp đổ một phần mái hiên bên trái phía trước của di tích nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên. Nhiều cây mè, rui bị mục, gãy, rơi xuống ngổn ngang. Trên chiếc ghế đá và dưới nền nhà, hàng trăm miếng ngói vảy cá rớt xuống vỡ đôi. Nhiều miếng ngói khác còn vướng lại trên những cây mè, chực chờ rơi xuống.

Phần mái hiên còn lại thì bị hở, mất kết nối với căn nhà, nếu có mưa to, gió lớn xảy ra, nhiều khả năng sẽ đổ theo. Trên tường, nhiều nơi nứt nẻ, bong tróc lớp xi măng tô bên ngoài, để lòi những viên gạch thẻ màu đỏ sẫm. Trong hàng ba, một bản lề của cửa chính đã sứt mẻ. Hầu hết các cánh cửa sổ làm bằng gỗ trên gác đã bị mục, bạc màu theo thời gian.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt- Trưởng Phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Đồng Nai đã từng hướng dẫn đoàn sinh viên Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đến tìm hiểu nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên nhận định, bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, nhà cổ còn có những giá trị văn hóa phi vật thể ẩn chứa qua những phong tục tập quán, tín ngưỡng, bài trí thờ tự, nghi lễ, ẩm thực, giai thoại về Đốc phủ sứ và các thành viên trong ngôi nhà sinh sống ở đây.

Anh Nguyễn Anh Kiệt- hậu duệ đời thứ 5 của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên kể lại, tối 3.12 mưa to, gió lớn, các thành viên trong gia đình ở ngôi nhà sau nên không hay biết mái hiên phía trước bị sụp, đến sáng hôm sau, gia đình mới biết.

Ngói rơi vãi trên ghế đá

Ngói rơi vãi trên ghế đá

Nhiều khả năng phần mái hiên còn lại sẽ bị đổ theo.

Nhiều khả năng phần mái hiên còn lại sẽ bị đổ theo.

Nhiều cây mè, rui bị mục, gãy.

Nhiều cây mè, rui bị mục, gãy.

Dưới nền nhà hàng trăm miếng ngói vảy cá rơi xuống vỡ vụn.

Dưới nền nhà hàng trăm miếng ngói vảy cá rơi xuống vỡ vụn.

Trên tường, nhiều nơi bị nứt nẻ, bong tróc lớp xi măng tô bên ngoài.

Trên tường, nhiều nơi bị nứt nẻ, bong tróc lớp xi măng tô bên ngoài.

Nhận được thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử cán bộ chuyên môn đến hiện trường khảo sát. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND TP. Tây Ninh khẩn trương khảo sát, họp đánh giá mức độ hư hại, xuống cấp của di tích nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên, đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo và nguồn kinh phí thực hiện nhằm tránh nguy cơ sụp đổ di tích.

Ngày 7.12 vừa qua, UBND TP. Tây Ninh đã mời đại diện các ngành chức năng liên quan đến khảo sát, đánh giá mức độ hư hại, xuống cấp của di tích nhà cổ.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh cho biết, qua khảo sát, đánh giá mức độ hư hại, xuống cấp của di tích nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên, UBND Thành phố sẽ xin ý kiến UBND tỉnh về việc tu bổ, sửa chữa di tích.

Cần chung tay gìn giữ

Nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên được xây dựng từ năm 1894, trong khuôn viên rộng thoáng. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu chữ đinh, chiều dài 20m x rộng 12m, nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Căn nhà có tổng cộng 32 cột gỗ. Toàn bộ cột, kèo, vách, sàn cho đến bàn thờ được làm bằng các loại gỗ quý. Gian nhà trước dùng để tiếp đón khách. Nhà sau được sử dụng để phục vụ sinh hoạt, nấu nướng, nghỉ ngơi.

Điểm độc đáo của căn nhà cổ là có thêm sự giao thoa của nét Tây Âu, với nền nhà được lát bằng gạch tàu hình lục giác chứ không phải bằng gạch nung hình chữ nhật thông thường và 1 căn tầng lửng (gác xép) rộng rãi, thoáng mát.

Các cánh cửa đều được làm bằng gỗ đã phai màu theo năm tháng. Trong đó, có 4 cửa chính, 8 cửa sổ ở tầng trệt và 2 cửa sổ ở gác xép chia đều ra hai bên, vì thế khi mở hết cửa thì căn phòng có thể thu trọn được ánh nắng và những cơn gió mát lành, khiến không gian luôn sáng sủa và thoáng đãng.

Năm 2017, nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên được UBND tỉnh xếp hạng di tích nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh.

Anh Kiệt tâm sự, mặc dù ngôi nhà được xây cất kiên cố và các đời con, cháu của ông Kiên giữ gìn cẩn thận, nhưng theo thời gian, công trình này đang có dấu hiệu bị hư hỏng.

Tính đến nay, căn nhà đã trải qua 2 lần trùng tu. Lần thứ nhất vào khoảng những năm 1960; lần thứ hai là năm 2003. Lúc đó, nhiều mảnh sàn gỗ trên gác bị mục, gia đình phải thay thế toàn bộ số gỗ này. Tuy nhiên, dưới tác động của thời tiết, khí hậu trong hơn thế kỷ, hiện nay, ngôi nhà tiếp tục bị xuống cấp.

Phía sau căn nhà chính là nhà bếp, vựa lúa, nhà ở của những người giúp việc thời xưa. Những năm trước, các công trình phụ này đã xuống cấp, sụp đổ. Năm 2015, gia đình đầu tư xây dựng trên nền nhà sau một gian nhà mới có kiến trúc hài hòa, phù hợp với không gian chuyển tiếp giữa xưa và nay.

Thời gian qua, nhiều đoàn công tác của tỉnh kết hợp với địa phương đã nhiều lần đến khảo sát hiện trạng ngôi nhà, ước tính chi phí trùng tu khoảng 3 tỷ đồng nhưng khả năng tài chính của gia đình, dòng họ chỉ có thể đáp ứng được khoảng 10% - 20% tổng chi phí.

“Hiện nay, gia đình rất muốn giữ gìn, bảo tồn căn nhà cổ của cha ông để lại, nhưng không đủ chi phí. Gia đình mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hỗ trợ bảo tồn kiến trúc ngôi nhà nguyên bản.

Đồng thời giới thiệu di tích này đến với đông đảo du khách gần xa để các thế hệ sau hiểu được kiến trúc của giai đoạn lịch sử hơn 100 năm trước, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà”- anh Kiệt trải lòng.

Ông Nguyễn Quốc Việt- người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa, kiến trúc của Tây Ninh cho biết, đến thời điểm hiện nay, căn nhà có thể được xem là công trình duy nhất còn nguyên bản về kiến trúc, trang trí và nhiều vật dụng cổ xưa ở Tây Ninh. Căn nhà rất có giá trị văn hóa, lịch sử, cần được chung tay bảo tồn, gìn giữ.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nha-co-gan-130-nam-keu-cuu-a166963.html