Nguyễn Văn Dùng, Nhà thơ có duyên với nhạc

Ở Quảng Trị, những người yêu thích nghệ thuật, quan tâm nhiều đến nghệ thuật thơ ca thì chắc rằng ít nhất một lần đã nghe và biết đến nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Văn Dùng.

Công chúng yêu thích ca nhạc vẫn thường được nghe những bài hát Tình em gió hát, Ước nguyện của Người, Xuân đã về bên kia sông Hiếu, Thành phố chúng mình thương, Vang mãi bài ca, Chuyện tình Đakrông, Bài ca Công an Quảng Trị, Chiều tím Cửa Tùng, Khúc ru miền sương ngọt... Những bài hát đã đi vào lòng người không chỉ ở những giai điệu trữ tình, tha thiết, giàu nhạc cảm mà còn để lại trong lòng người nghe cảm xúc sâu sắc bởi lời ca luôn mang những nét đằm thắm, dung dị, gần gũi với cuộc sống, con người, với quê hương và đất nước. Những lời ca đi vào lòng người ấy chính là lời thơ của Nguyễn Văn Dùng.

Cuối dòng Bến Hải của đất lửa Vĩnh Linh có một miền quê rất nổi tiếng: Vĩnh Giang. Đó là quê hương của những bà hoàng triều Nguyễn, của những người lính anh hùng trong hai cuộc kháng chiến và cũng là mảnh đất sinh ra điệu chèo cạn làng Tùng và bao nghệ sĩ tài hoa mà cả nước biết đến.

Nơi ấy là quê nhà của Nguyễn Văn Dùng. Sinh ra trên mảnh đất hiền hòa và thơ mộng này, ngay từ nhỏ, những làn điệu dân ca, những bài ca dao đã thấm nhuần trong con người ông từ cấu tứ, từ ngữ đến hình ảnh và đặc biệt là những âm điệu. Chính vì vậy, thơ của Nguyễn Văn Dùng luôn mang âm hưởng của những bài ca dao và hơi thở dân ca. Ngôn từ trong thơ mộc mạc, hình ảnh chân thực, không văn hoa, cầu kỳ, tô vẽ. Những lời thơ nhân hậu, chân tình, tha thiết ấy đã thúc đẩy sự sáng tạo của các nhạc sĩ trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các nhạc sĩ Quảng Trị .

Thơ của ông phong phú và đa dạng, tập trung nhất là những bài thơ viết về Quảng Trị, về đề tài chiến tranh cách mạng, về người lính, đồng đội, những bà mẹ chiến sĩ, về những con người ở tiền tuyến, hậu phương với tất cả sự xúc động chân thành của trái tim. Ngoài ra, đề tài về Bác Hồ, quê hương, đất nước được hiện lên trong thơ của Nguyễn Văn Dùng với nhiều cung bậc khác nhau. Ở đề tài nào thơ của ông cũng được các nhạc sĩ phổ nhạc và đạt nhiều giải thưởng cấp quốc tế, quốc gia, khu vực.

Tôi quen thân nhà thơ Nguyễn Văn Dùng từ lâu. Ba mươi năm trước tôi đã phổ thành công ca khúc Chiều tím Cửa Tùng từ lời thơ của ông. Rồi sau đó là Chiều Hiếu giang, Mùa sim miền sương ngọt. Năm 2020, tôi phổ thành công bài thơ “Ước nguyện của Người” của ông và đã đạt giải C Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng. Có thể kể ra đây những ca khúc phổ thơ Nguyễn Văn Dùng đạt giải tại các cuộc thi như: Tình em gió hát (nhạc Xuân Vũ), giải Nhì Báo Lao động, giải C Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Em vẫn chờ đợi anh (nhạc Trần Tích), giải C của Bộ Công an; Bài ca Công an Quảng Trị (nhạc Hoàng Anh), giải C của Bộ Công an; Khúc hát sông Hiền (nhạc Hoàng Anh), giải A Liên hoan âm nhạc các tỉnh Bắc miền Trung và rất nhiều giải thưởng cấp tỉnh, sở, ban, ngành trong tỉnh.

Về đề tài quê hương, đất nước, Nguyễn Văn Dùng có bài Vang mãi bài ca, được nhạc sĩ Hoàng Anh phổ thành hợp xướng, trở thành một bài hát quen thuộc, được biểu diễn nhiều lần tại Liên hoan nghệ thuật các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, Liên hoan nghệ thuật ba nước Đông Dương, Lễ Thượng cờ thống nhất non sông tại kỳ đài Hiền Lương. Bài hát này được tặng Huy chương Vàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đó là những câu hát thiết tha, đằm thắm, rung động, nói lên tình cảm chân thành, trân trọng với Quảng Trị máu và hoa, vươn lên trong công cuộc tái thiết quê hương.

Cho đến nay, đã có 67 tác phẩm thơ của Nguyễn Văn Dùng được phổ nhạc. Ngoài các nhạc sĩ đã kể trên, thơ của ông còn được các nhạc sĩ lão thành, tên tuổi chọn làm ca từ cho nhiều bài hát của mình như: Lê Anh, Văn Báo, Lê Vi, Mai Kiên... Có thể nói ông là một nhà thơ rất có duyên với âm nhạc.

Nguyễn Văn Dùng là nhà thơ viết rất khỏe, đến nay ông xuất bản 14 tác phẩm thơ, trường ca và tiểu luận phê bình, đạt nhiều giải thưởng cấp trung ương và tỉnh Quảng Trị (4 giải thưởng ban, bộ, ngành trung ương và 12 giải thưởng của tỉnh Quảng Trị).

Nguyễn Văn Dùng từng là chiến sĩ, kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo một số ngành, có học vị Tiến sĩ kinh tế. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị. Công việc thúc ép hằng ngày, vậy mà cái chất thi sĩ trong ông luôn quẫy đạp. Phải chăng đó là những thứ “tiếng lòng” như nhà văn Xuân Đức vẫn hay nói: “Lòng người cũng như lòng suối, nếu phẳng, yên ả, viên mãn thì không bao giờ phát ra tiếng. Nếu có độ sai lệch, thiếu hụt thì sẽ tạo nên con thác bất thường. Tiếng lòng chính là tiếng thác. Độ nghiêng lệch, thiếu hụt càng lớn, thác càng xiết và tiếng thác càng ngân xa. Cái thi sĩ có sẵn trong chúng ta chính là cái con thác nghiêng lệch trong từng thế giới riêng của những cõi đời”.

Ở vào tuổi bảy mươi, biết bao điều bình thản quên nhưng cũng có những điều găm buốt vào thao thức. Vẫn là những câu thơ ta từng đọc qua các thế hệ văn chương Việt Nam nhưng chữ qua Nguyễn Văn Dùng như qua một làn nước trong xanh, hồn hậu và mộc mạc, nó như những nốt nhạc được sắp xếp theo những quãng âm riêng tạo ra những nhịp điệu mềm mại, da diết yêu thương. Thơ ông lặng lẽ tìm về phía tin yêu, nhân ái nhất của tình đời, tình người. Niềm tin ấy tạo thành sức mạnh giúp ông vượt qua những nghiệt ngã của cuộc sống.

Khiêm nhường và lặng lẽ, đó là phẩm chất thi sĩ của Nguyễn Văn Dùng. Bỏ qua mọi sự ồn ào, bệnh hư danh, thơ ông cứ tự nhiên như cây hoa kết nụ rồi đơm hoa, cứ tự nhiên bay cao trên đôi cánh của âm nhạc. Con số tác phẩm thơ được phổ nhạc đã đưa ông trở thành nhà thơ được phổ nhạc nhiều nhất tỉnh Quảng Trị, bởi ông luôn giữ được vần điệu của thơ, gần với những bài ca dao, giàu hình ảnh và rất giàu chất nhạc.

Nhạc sĩ Võ Thế Hùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/nguyen-van-dung-nha-tho-co-duyen-voi-nhac/182940.htm