Người trẻ 'biến hình' cho những dòng kênh đen

Đắm mình vào những dòng nước đen kịt, đầy rác rưởi hôi thối ở TPHCM, những bạn trẻ trong nhóm Sài Gòn Xanh đã chung tay 'biến hình' những kênh rạch trở nên sạch sẽ. Dù có những điểm nhóm đến dọn rác cả chục lần, ít ngày sau lại trong tình trạng ô nhiễm, nhưng nhóm vẫn không bỏ cuộc.

‘Biến hình’ cho kênh bẩn

Theo chân Sài Gòn Xanh trở lại con kênh nằm gần Trường Tiểu học Bình Quới 1, TP Thủ Đức, đây cũng là điểm nhóm đã đặt phao chắn rác đầu tiên. Hơn 40 tình nguyện đã ngụp lặn trong rác tới 2 tiếng đồng hồ để “biến hình” cho kênh rạch này trở nên sạch sẽ hơn.

Nhóm Sài Gòn Xanh dọn rác tại con kênh gần Trường Tiểu học Bình Quới 1, TP Thủ Đức hôm 5-5-2024. Ảnh: Ngọc Khuyến

Con kênh vừa kể trên là một trong số hơn 150 kênh rạch tại TPHCM và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang đã có dấu chân của Sài Gòn Xanh. Kể từ ngày bắt đầu dọn rác lần đầu tiên vào tháng 1-2023, sau hơn 1 năm thành lập nhóm đã thu gom hơn 2.000 tấn rác, trả lại dòng nước sự sạch sẽ và tạo ra một làn sóng hưởng ứng làm sạch môi trường trong cộng đồng, nhất là địa phương nơi nhóm dọn rác.

Khởi nguồn cho hoạt động ý nghĩa này là từ tinh thần yêu môi trường, đồng thời lấy cảm hứng từ những video dọn dẹp rác thải tại các con kênh đen quanh khu dân cư của nhóm Padawara của Indonesia, anh Nguyễn Lương Ngọc (29 tuổi) cùng anh Hồ Văn Vỹ (25 tuổi) đã sáng lập ra nhóm Sài Gòn Xanh.

Anh Hồ Văn Vỹ (trái) và anh Nguyễn Lương Ngọc đã cùng sáng lập ra nhóm Sài Gòn Xanh. Ảnh: Ngọc Khuyến

“Chúng tôi bắt đầu từ 2 người, sau hơn 1 năm nhận được sự ủng hộ của hơn 1.400 tình nguyện viên, tôi thấy vui khi việc mình làm đã có ý nghĩa khi lan tỏa được cảm hứng bảo vệ môi trường, nhất là đối với người trẻ”, anh Nguyễn Lương Ngọc, người sáng lập nhóm Sài Gòn Xanh, cho hay.

Giờ đây, cứ vào ngày cuối tuần, rất nhiều người đã dành thời gian để đăng ký đi dọn dẹp rác cùng nhóm. Tham gia công việc này, đa số là người trẻ, chiếm khoảng 70%, số còn lại là các cô chú, những anh chị lao động phổ thông, một số ít còn có những người nước ngoài.

Anh Javier (37 tuổi đến từ Singapore) cho biết: “Tôi ở Việt Nam 6 năm rồi, tôi cũng không nhớ rõ đây là lần thứ mấy tôi đi dọn rác, nhưng công việc này khiến tôi rất hài lòng vì mình có thể đóng góp một chút gì đó vào sự thay đổi của thành phố nơi mình sống”.

Anh Javier (37 tuổi, đến từ Singapore) đang tham gia dọn rác được chụp vào ngày 5-5-2024. Ảnh: Ngọc Khuyến

Thời gian đầu khi mới bắt đầu công việc, các thành viên trong nhóm gặp không ít ảnh hưởng đến sức khỏe, bởi môi trường hôi thối, nhiều vi khuẩn độc hại. Trong quá trình thu gom rác, nhóm cũng gặp nhiều nguy hiểm vì không biết dưới dòng nước kia ẩn chứa điều gì, rất nhiều lần đi dọn họ gặp phải mảnh sành, kim tiêm, hóa chất dễ gây bỏng da, dị ứng da, hô hấp… Sau thời gian, các trang bị, bảo hộ được đầy đủ hơn, nhóm luôn có đội y tế đi kèm, đội hậu cần phục vụ nước, quạt cho tình nguyện viên.

Dòng kênh nằm gần Trường Tiểu học Bình Quới 1, TP Thủ Đức ngập ngụa rác. Ảnh: Ngọc Khuyến

Trong quá trình thu gom rác, nhóm cũng gặp nhiều nguy hiểm vì không biết dưới dòng nước kia ẩn chứa điều gì: Ảnh: Ngọc Khuyến

“Bây giờ rất nhiều người đăng ký tham gia dọn dẹp rác, họ không sợ mùi hôi thối, không sợ nguy hiểm dưới dòng kênh đen ngòm, có khi lượng người đăng ký vượt qua cả số lượng cần, đó cũng là một tín hiệu đáng mừng. Dù vậy, chúng tôi chỉ sắp xếp số lượng vừa đủ cho điểm dọn rác cần và mỗi thành viên làm với tinh thần hết mình, chuyên nghiệp, mình làm thật và thay đổi thật, chứ không phải làm màu trên mạng xã hội”, anh Ngọc, nói.

Một bạn trẻ cười vui khi dọn rác. Ảnh: Ngọc Khuyến

Chúng mình sắp đi xuyên Việt

Tại Việt Nam có rất nhiều hoạt động cũng như các tổ chức được thành lập với mục đích bảo vệ môi trường, nhưng không ít trường hợp diễn ra theo kiểu phong trào. Do vậy, người dân chưa kịp hình thành một lối phong cách sống không xả rác thì các hoạt động này đã biến mất.

Những ngày đầu khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhóm Sài Gòn Xanh cũng nhận được sự hô hào, tán dương vì hành động tốt, nhưng, một số thì cho rằng “ăn cơm nhà lo chuyện người ta” hay “dọn dẹp làm gì, vài bữa cũng y như vậy”, thậm chí cho rằng “làm màu, đánh bóng”…

Các thành viên nhóm Sài Gòn xanh tham gia dọn rác. Ảnh Ngọc Khuyến

“Để thay đổi suy nghĩ của một người không thể trong thời gian ngắn, cách dễ dàng hơn, nhóm mình chọn bắt đầu từ những người trẻ và làm nhiều cách khác nhau. Như từ chính các tình nguyện viên, họ đi dọn rác, thấy nguy hiểm, khổ cực nhưng các thành viên luôn thấy vui khi giúp cho môi trường, rồi ít nhiều họ về nhà chia sẻ với gia đình, người thân, bạn bè, dần dà sẽ thay đổi ý thức cho nhiều người hơn”, anh Ngọc, cho biết.

Sau hơn 1 năm thành lập nhóm đã thu gom hơn 2.000 tấn rác. Ảnh: Ngọc Khuyến

Rác sau khi thu gom sẽ được tập kết và thuê xe vận chuyển đến bãi xử lý. Ảnh Ngọc Khuyến

Không chỉ vậy nhóm đã và đang đầu tư trong việc truyền thông trên mạng xã hội, nhằm lan tỏa ý thức trong cộng đồng. Mỗi đợt đi dọn rác ở điểm nào đó, nhóm sẽ bố trí đội quay phim, chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc và chia sẻ trên các kênh truyền thông xã hội như Facebook với 188 ngàn người theo dõi, Tiktok với 2,9 triệu lượt theo dõi, Youtube với 88,9 ngàn người đăng ký…

Nhóm Sài Gòn Xanh đang phát trực tiếp buổi dọn rác tại các kênh trên mạng xã hội. Ảnh: Ngọc Khuyến

Từ khi các hội nhóm bảo vệ môi trường xuất hiện và duy trì tần suất hoạt động thì nhiều người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, những ca sĩ, diễn viên, hoa hậu cũng cùng nhau chung sức lan tỏa thông điệp này.

Thời gian đầu, sau khi dọn sạch kênh thì 1-2 tháng sau quay lại rác thải vẫn còn như con kênh ở gần Trường Tiểu học Bình Quới, nhưng nhóm vẫn không bỏ cuộc, nhóm tiếp tục công việc đến dọn dẹp, “dọn đến khi nào sạch thì thôi!”, Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh nói với giọng chắc nịch.

Bạn Tuyết Nhi (20 tuổi) tâm sự: “Mình tham gia dọn rác từ hồi năm ngoái, cũng không biết đã tham gia bao nhiêu lần. Ban đầu không quen, mùi hôi thối kinh lắm, nhưng giờ đi nhiều đã quen, dọn xong thấy thành quả là dòng kênh sạch sẽ, mình thấy vui lắm, dù ngâm mình dưới nước, phơi nắng vài tiếng cũng thấy xứng đáng”.

Bạn Tuyết Nhi (20 tuổi) tham gia dọn rác cùng Sài Gòn Xanh từ hồi tháng 1-2023. Ảnh: Ngọc Khuyến

Với nhiệt huyết và tinh thần bảo vệ môi trường, hơn một năm ròng rã, dấu chân của Sài Gòn Xanh đã in dấu khắp nơi: chân cầu Suối Nhum, rạch Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức); rạch Lăng, rạch Xuyên Tâm, Đinh Bộ Lĩnh, Cầu Sơn (quận Bình Thạnh); kênh Hy Vọng, Tân Trụ, Đồ Sơn (quận Tân Bình), kênh Hàng Bàng (quận 5), kênh Thạnh Lộc 31 (quận 12)…

Trò chuyện thêm với Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh, anh cũng “khoe” nhóm có thêm một điều mới đó là cho ra mắt app (ứng dụng) Sài Gòn Xanh. “Sau thời gian ấp ủ, app Sài Gòn Xanh đã ra mắt hồi tháng 4. App ra đời nhằm mục đích quản lý nhân sự thuận tiện hơn, đồng thời giúp các bạn tình nguyện viên dễ dàng theo dõi và có thể đăng ký dọn rác trực tiếp ở đây, với mỗi hoạt động sẽ được tích điểm. Không chỉ vậy, app cũng sẽ có các hoạt động như thu gom rác, pin để tích điểm, khi người dùng tích đủ số điểm sẽ được đổi những phần quà. Việc làm này mang ý nghĩa để mọi người thấy rằng rác cũng có giá trị”.

Ứng dụng Sài Gòn Xanh trên điện thoại.

Sắp tới, nhóm cũng đang lên kế hoạch cho những chuyến đi mới. Cuối tháng 5 này, nhóm sẽ đến núi Chứa Chan (Đồng Nai) để nhặt rác và trồng cây ở đây. Anh Ngọc nói: “Nhiều người đi du lịch, leo núi, dã ngoại, tắm biển thường mang theo chai nhựa, túi ni lông… nhưng lúc về thì vứt lại, khiến những điểm du lịch trở nên xấu đi. Chúng mình muốn tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường đến với những nơi khác không riêng gì ở TPHCM, sau chuyến đi này, nhóm sẽ có những tỉnh thành khác, sẽ đi xuyên Việt”.

Dòng kênh sau khi được nhóm Sài Gòn Xanh dọn dẹp trở nên sạch sẽ. Ảnh Ngọc Khuyến

Dòng kênh nằm gần Trường Tiểu học Bình Quới 1, TP Thủ Đức sau khi dọn rác. Ảnh: Ngọc Khuyến

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nguoi-tre-bien-hinh-cho-nhung-dong-kenh-den/