Người thắp đèn khuya ngồi kể chuyện*

Hồ Sĩ Bình là nhà văn người Quảng Trị, định cư ở Đà Nẵng. Anh hiện là Phó trưởng Chi nhánh NXB Hội Nhà văn Việt Nam tại miền Trung và Tây Nguyên.

Trong thời buổi điện khí hóa toàn cầu mà còn có người cứ muốn thắp ngọn đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn thì hẳn đó là một văn nhân không mấy giống người, biết nuôi dưỡng tâm thế hồi cố và giàu có hoài niệm. Nếu không thì tự sự được mấy hồi. Và dù kể gì, đi đâu thì cố hương Quảng Trị vẫn âm ỉ, phập phồng như bấc ngọn đèn dầu vẫn cháy đến trọn đời trong tim người du tử.

“Mùa cá rải đồng bãi Diên Sanh” là bút ký xốn xang mùa lũ, kết bằng một bài thơ tặng bạn Lê Hải, một nét mới trong văn xuôi Hồ Sĩ Bình. Nhà văn nhắc đến miền đất thường được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười” của Hải Lăng (Quảng Trị), nơi vùng trũng với nhiều sông suối, mà thủy đạo chính là sông Ô Lâu, cá tôm, cả vị nấm tràm đắng đầu lưỡi, nhưng ai đã ăn một lần thì không dễ nguôi quên. Cả ngôi làng ngày xưa gọi là Đại Xã Trường Sanh và bữa cơm quê nhiều ớt làm cay mắt những người về lại nơi cố xứ khi tóc đã pha sương...”. Bữa cơm mà thím dọn cho đứa cháu ở xa về, chao ơi là khó nói, một soong cá lúi kho quẹo, cá chỉ bằng ngón tay cái mà trứng thì nưng nức béo ngậy đậm mùi quê kiểng, lại dạt dào tâm can. Bạn và tôi xa quê lưu lạc lận đận xứ người mấy chục năm nên khi trở lại dù chỉ là món ăn đơn sơ nhưng hình như chỉ có ở miền gió Lào cát trắng sau những ngày mưa lũ, lòng bỗng dâng lên một mỗi cảm hoài xa vắng khi nghĩ về mẹ mình đã không còn nữa và những bữa cơm mẹ nấu ngày mưa gió...”.

Thời gian tâm tưởng thường gắn liền với thì quá khứ tạo nên những vòng sóng liên hồi khi người trong cuộc thả hòn đá kỷ niệm làm xao động sông nước quê nhà ký ức, gợi nên xúc động tận tâm can những mối giao hòa. “Chuyện của bạn “cũng làm rưng nước mắt” tôi, đơn giản “vì mẹ sinh anh ra nơi ấy/nên đi đâu anh cũng muốn về” trong câu thơ của ai đó. Thật ra có khác gì, đi đâu cũng là mối cảm hoài ấy, hoàn cảnh và không gian ấy, cũng là lưu linh lạc địa về quê cũ, tôi thật sự xúc động, thơ đến khi nào không hay: “...Ta về trời đất nghiêng nghiêng nhớ/Đăm đắm nhìn sông chợt thật thà/Đôi khi muốn quên đời nhiễu sự/Tìm lại nương mình nhánh sông xa”

“Thắp ngọn đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn” là câu chuyện cảm động và thành kính về một người anh bên dòng Thạch Hãn. Một người áo vải phong trần, sách vở đọc thiên kinh vạn quyển mà cốt cách như là đạo sĩ, xem nhẹ cả chuyện công hầu khanh tướng, huống chi sự lập ngôn. Nhưng yêu, yêu tận cùng quê hương bản quán, coi đó là đạo làm người máu thịt.

“Đêm đó là đêm cuối cùng uống rượu cùng anh. Dù không nói ra, nhưng tôi chưa gặp một người nào yêu thương và gắn bó suốt đời với dòng sông quê nhà như anh. Về thắp hương cho anh rồi một mình ra sông. Nhớ anh, rót một ly rượu đầy rải xuống dòng sông bên chỗ anh ngồi. Vẫn thế, mưa bụi bay bay, mênh mông sông dài, hoang lạnh hoàng hôn, giang phong ngự hỏa không có gì thay đổi, chỉ vắng một chỗ ngồi để ai đó thắp ngọn đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”.

Bút ký của anh ngày một miên trường.

Sau phần đầu bút ký, phần cuối là tiểu luận phê bình “Níu lòng câu chữ” cảm nhận về tác phẩm hoặc chân dung văn nghệ sĩ. Cũng như bút ký, nhà văn luận bàn gần xa từ những nhà văn trong nước như Mai Hữu Phước, Hồ Duy Lệ, Thái Bá Lợi, Nguyễn Ngọc Hạnh...cho đến các hiện tượng nước ngoài như Bob Dylan, Andersen... với Quảng Trị có tên Võ Văn Luyến, Nguyễn Văn Dùng, Trương Bé. Trong bài “Thơ Nguyễn Văn Dùng tâm thức một vùng quê quán”, tác giả đã có lý khi nói rằng: “Ai cũng có một quê nhà để trở về, để yêu thương. Nhưng có lẽ với Nguyễn Văn Dùng, đó là một tình yêu mê đắm, dạt dào nhất của cảm thức quy hồi với cố hương. Một tình yêu bền bỉ, không thể cắt chia, son sắt, thủy chung với quê hương”. Viết về tập thơ “Mật ngôn của biển”, một tập thơ thu hút sự quan tâm của giới phê bình và công chúng, trong bài “Người đi tìm mật ngôn của thơ”, Hồ Sĩ Bình đã tinh tế và xác đáng khi đặt vấn đề: “Theo dõi thi trình Võ Văn Luyến, điều để lại ấn tượng trong tôi về thơ ca của anh là ý thức và khát vọng về sự cách tân thơ. Sự trăn trở, thôi thúc để làm mới thơ mình, dù không nói ra, nhưng đã diễn ra âm ỉ và vô cùng quyết liệt, hầu như đã trở thành một ám ảnh của thi sĩ. Anh không bao giờ muốn mình có những câu thơ dễ dãi. Viết đối với anh không hề là sự khỏa lấp, trước trang giấy anh luôn đối mặt với chính mình bằng sự tự trọng của một thi sĩ đúng với ý nghĩa cao cả của nó”.

“Họa sĩ Trương Bé-người anh cùng quê” là tình cảm trân quý với một họa sĩ có nhiều thành tựu trong sáng tác tranh sơn mài, một người thầy đáng kính và đáng quý, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Nhà văn Quảng Trị nhớ lại người họa sĩ đồng hương: “Gần anh nhiều năm, tôi chợt nhận ra tình cảm của anh đối với quê rất sâu nặng, anh như cảm thấy đang nợ quê hương một điều gì đó, sống chẳng yên lòng. Mấy năm trước khi mất, anh có ý định tổ chức triển lãm cá nhân tại Đông Hà, tôi phân vân, tranh anh là trừu tượng mà ngoài mình số người thích loại tranh anh chắc cũng khiêm tốn nhưng anh dứt khoát về quê thôi, anh nói: “Cả đời mình triển lãm tranh khắp nơi, trong nước, ngoài nước mà quê không triển lãm thì còn chi mà nói...”. Tôi nghe rất cảm động, hóa ra món nợ lâu nay anh trăn trở là vậy”. Sống và viết về văn nghệ sĩ, với cây bút Hồ Sĩ Bình trước hết phải với một tâm hồn đồng điệu, tri âm.

Nhà văn Hồ Sĩ Bình vẫn liên tục sống, đi và viết. Trường sinh học sáng tạo của anh hợp với thời khắc canh khuya khi đối mặt với ngọn đèn dầu tâm tưởng. Bạn đọc vẫn mong gặp lại anh với những câu văn (thơ) viết đợi mặt trời.

Phạm Xuân Dũng

*Tập sách tiểu luận và bút ký “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện” của Hồ Sĩ Bình, NXB Hội Nhà văn, 2020.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155400&title=nguoi-thap-den-khuya-ngoi-ke-chuyen