Người mua hàng qua chợ mạng hết lo bị 'bóp chẹt'?

Bộ Công thương đề xuất dịch vụ 'Nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử' vào danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu (HĐTM), điều kiện giao dịch chung (ĐKGDC).

Thương mại điện tử gây rủi ro, thiệt hại cho người dùng

Hiện danh mục này có 9 nhóm hàng hóa dịch vụ gồm: cung cấp điện sinh hoạt, cung cấp nước sinh hoạt, truyền hình trả tiền, dịch vụ điện thoại cố định mặt đất, dịch vụ truy cập internet, vận chuyển hành khách đường hàng không, vận chuyển hành khách đường sắt, mua bán căn hộ chung cư, dịch vụ thông tin di động mặt đất.

Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá, trong 9 lĩnh vực trên, dịch vụ điện thoại cố định mặt đất được đưa vào danh mục phải đăng ký HĐTM, ĐKGDC từ năm 2012 nhưng đến nay, lượng người tiêu dùng đã giảm mạnh, chỉ còn chiếm khoảng 1,85% so với điện thoại di động và chủ yếu được cung cấp cho khối các cơ quan, tổ chức chính quyền, doanh nghiệp.

Khách hàng mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoàng Triều.

Điều này dẫn đến số lượng doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ này và số lượng giao kết HĐTM, ĐKGDC cũng giảm đi đáng kể. Lượng hồ sơ nộp đăng ký lại cũng chiếm tỉ lệ ít, chỉ dưới 30 hồ sơ từ năm 2012 tới nay, thậm chí không phát sinh hồ sơ đăng ký lại trong mấy năm gần đây.

Vì thế, trong dự thảo này, Bộ Công thương kiến nghị bỏ dịch vụ này khỏi danh mục. Tuy nhiên, lại bổ sung dịch vụ "Nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử" vào danh mục hiện hành.

Bộ Công thương lý giải, thương mại điện tử và kinh tế số phát triển hơn 20% mỗi năm đã đặt ra nhu cầu mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công thương đánh giá, dù phương thức này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, song, do đặc thù là giao dịch mua sắm trực tuyến/trên không gian mạng, người tiêu dùng không được tiếp xúc trực tiếp và kiểm tra chất lượng sản phẩm nên tiềm ẩn nhiều rủi ro như: vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, tranh chấp phát sinh từ giao kết không rõ ràng, thậm chí mang tính áp đặt, có lợi cho doanh nghiệp, hay hành vi khác của doanh nghiệp gây thiệt hại, vi phạm quyền của người tiêu dùng.

Việc phát sinh những vấn đề nêu trên cũng đã gây nên những tranh chấp thời gian qua, Bộ Công thương cho rằng, đề xuất mới này nhằm đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Lo chồng chéo thủ tục hành chính

Góp ý về đề xuất này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ sở xem xét bổ sung dịch vụ "Nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử" vào danh mục hiện hành là chưa phù hợp và đề nghị bỏ quy định trên.

Dẫn chứng tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 chỉ chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của cả nước, trong khi tỷ trọng này ở Trung Quốc gấp 3,6 lần - ngưỡng 27,2%, VCCI đánh giá quy mô giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam còn thấp và mới chỉ ở giai đoạn đầu.

Còn về đánh giá số lượng khiếu nại, phản ánh về bảo vệ người tiêu dùng của dịch vụ này chiếm tỷ lệ cao và vượt trội so với các lĩnh vực khác, VCCI cho rằng, số liệu này bao gồm cả các kênh mua sắm không chính thống như qua mạng xã hội – nơi thiếu cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, nên không phản ánh rõ tỷ lệ khiếu nại, phản ánh chỉ liên quan đến việc mua sắm qua các sàn thương mại điện tử là bao nhiêu.

VCCI cũng lo ngại chồng chéo thủ tục hành chính khi hiện khi Nghị định 52 năm 2013 hiện nay đã quy định rất rõ ràng về việc kiểm soát điều kiện giao dịch chung của các sàn thương mại điện tử. Việc này cũng dẫn đến làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp...

Còn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mong muốn, hành lang pháp lý đối với ngành thương mại điện tử sẽ ngày được hoàn thiện theo hướng mở rộng, khuyến khích đổi mới sáng tạo và phối hợp quản lý, thay vì thắt chặt kiểm soát và hạn chế phát triển.

Với những lo ngại trên của VCCI, Bộ Công thương cho rằng, hiện kết quả giám sát đối với một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử (trong đó có tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn) cho thấy, tính tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về HĐTM, ĐKGDC còn khá thấp, được phản ánh thông qua đánh giá về các điều khoản có dấu hiệu vi phạm trong HĐTM, ĐKGDC do các doanh nghiệp này áp dụng.

Vì vậy, trong trường hợp các điều khoản trong HĐTM, ĐKGDC của các doanh nghiệp này vi phạm quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sẽ gây ra những rủi ro, thiệt hại, thậm chí ảnh hưởng đến quyền lợi của số lượng lớn người tiêu dùng đã lựa chọn sử dụng dịch vụ. Do đó, cần thiết phải áp dụng đề xuất mới.

Còn về chi phí, Bộ Công thương khẳng định, phát sinh không đáng kể, và có thể cắt giảm do Bộ này đã cung cấp dịch vụ công trực tiếp cấp độ 4 (cấp độ cao nhất) để tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Theo thống kê của Bộ Công thương, thương mại điện tử năm 2022 tăng trưởng 20% và doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Còn năm 2023, mức doanh thu lên 20,5 tỷ USD, tăng trưởng 25%, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cũng tăng mạnh hàng năm. Cụ thể, năm 2021 đạt 54,6 triệu người; năm 2022 đạt 57 triệu người; năm 2023 lên 61 triệu người.

Điều đáng nói, có tới 93% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến lựa chọn sẽ tiếp tục duy trì mua sắm qua mạng trong tương lai. Về các kênh mua sắm trực tuyến, 70% người tiêu dùng lựa chọn mua sắm qua website thương mại điện tử; 63% người tiêu dùng lựa chọn mua sắm qua các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động; và 65% mua sắm diễn đàn mạng xã hội.

Ngọc Diệp

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-mua-hang-qua-cho-mang-het-lo-bi-bop-chet-192240513154700553.htm