Người lao động phải thay đổi, sáng tạo cách làm hòa mình vào xu thế mới

Theo Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, không chỉ doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay, mà người lao động cũng phải xung kích thay đổi, sáng tạo cách làm trước nay để có thể thích nghi, hòa mình vào xu thế mới.

Ngày 15/5, T.Ư Đoàn tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích, sáng tạo, nâng cao tay nghề, năng suất lao động của thanh niên công nhân trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đất nước”.

Tọa đàm diễn ra gồm một điểm cầu trực tiếp tại Hà Nội và 64 điểm cầu trực tuyến. Dự và chủ trì tọa đàm có anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn; anh Trần Hữu - Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn.

Gần 17 triệu lao động trẻ đóng vai trò quan trọng

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương cho biết, tọa đàm là một trong những hoạt động trọng tâm hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”.

 Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu khai mạc tọa đàm

Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu khai mạc tọa đàm

Theo anh Cương, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường như các cuộc cạnh tranh, xung đột có dấu hiệu leo thang, tác động sau đại dịch COVID-19… gây ra nhiều trở ngại, khó khăn đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia và khu vực.

Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển với tốc độ cấp số nhân, phạm vi và tính phức tạp vô cùng lớn, đòi hỏi các quốc gia phải chủ động hơn nữa trước bối cảnh biến đổi mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại. Trong cuộc cách mạng này, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội đều bị tác động, đặc biệt những tác động đối với lĩnh vực lao động và việc làm là rất lớn.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi đây là nhân tố quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

 Tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của anh Ngô Văn Cương – Bí thư T.Ư Đoàn; anh Trần Hữu - Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn.

Tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của anh Ngô Văn Cương – Bí thư T.Ư Đoàn; anh Trần Hữu - Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn.

Anh Cương cho rằng, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đó thì gần 17 triệu lao động gồm công nhân, kỹ sư, những người thợ lành nghề, những người trực tiếp sản xuất hàng hóa, có mặt ở tất cả các thành phần kinh tế, các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đóng vai trò quan trọng.

“Không chỉ doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay mà người lao động cũng phải xung kích thay đổi, sáng tạo cách làm trước nay để có thể thích nghi và thay đổi trong công việc, hòa mình vào xu thế mới. Bên cạnh đó, còn có vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên trong đồng hành, tạo lập môi trường để thanh niên công nhân, người lao động trẻ (chiếm tới hơn 60% tổng số lao động hiện nay) nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, góp phần to lớn vào sự thành công cho doanh nghiệp”, anh Cương nói.

 Thanh niên tham gia tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.

Thanh niên tham gia tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.

Anh Cương đề nghị các đại biểu tham gia tọa đàm tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách, phát huy vai trò tổ chức Đoàn, Hội trong công tác mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt tại khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó, chia sẻ về chính sách pháp luật lĩnh vực công pháp, tư pháp quốc tế; vấn đề lao động, việc làm và sự chuẩn bị của thanh niên công nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, đề xuất giải pháp phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích, sáng tạo, góp phần nâng cao tay nghề, năng suất lao động của thanh niên công nhân trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đất nước.

Lao động trẻ phải là những người tiên phong sáng tạo

Chia sẻ tại tọa đàm, anh Lê Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM chia sẻ về mô hình hoạt động Khu lưu trú văn hóa Thanh niên công nhân. Khu lưu trú nhằm nắm bắt tin tức, tâm tư nguyện vọng thanh niên công nhân một cách nhanh chóng và chính xác nhất, cũng như tổ chức các hoạt động đồng hành, chăm lo công nhân.

Đến nay, Trung tâm đã kết nối và thành lập 51 khu lưu trú văn hóa Thanh niên công nhân (quy mô từ 50 phòng trở lên), thành lập 8 Chi đoàn tại các khu lưu trú văn hóa. Khu lưu trú duy trì một số hoạt động nổi bật như: Không gian xanh Khu lưu trú, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Khu lưu trú văn hóa - Những câu chuyện đẹp, Ngày hội Gia đình tại các Khu lưu trú văn hóa, Hội nghị Tiếng nói chủ khu,…

 Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Anh Minh cho biết thêm, nhằm tăng cường các hoạt động gắn kết thanh niên công nhân, qua đó tiến tới xây dựng tổ chức Đoàn – Hội trong thanh niên công nhân. Thời gian qua, Trung tâm đã duy trì thành lập 10 Câu lạc bộ, đội, nhóm trực thuộc với sự tham gia của hơn 1.000 thành viên. Ban chủ nhiệm và thành viên các câu lạc bộ là các bạn thanh niên công nhân đang sinh sống tại 51 Khu lưu trú văn hóa của Trung tâm tham gia và đội ngũ các chuyên gia tâm lý, luật sư và bác sĩ,… hỗ trợ chuyên môn cho câu lạc bộ.

 Các điểm cầu trực tuyến

Các điểm cầu trực tuyến

Anh Nguyễn Hiếu Trung – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng. Số lượng công nhân trong độ tuổi thanh niên hiện nay chiếm hơn 40% tổng số công nhân lao động. Theo anh Trung, chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng phải nhanh chóng chuyển đổi để thích nghi. Trong đó, lao động trẻ phải là những người tiên phong thay đổi cách nhìn, cách làm, sáng tạo, thích nghi tốt nhất với quá trình chuyển đổi số.

Tổ chức Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành với thanh niên công nhân trau dồi kiến thức, kỹ năng, tiếp cận với công nghệ số, khoa học công nghệ, ứng dụng vào trong công việc hàng ngày.

“Hằng năm, chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kiến thức chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong lao động sản xuất cho thanh niên công nhân. Bên cạnh đó, các tổ chuyển đổi số cộng đồng xã, phường, thị trấn thường xuyên ra quân hướng dẫn người dân, thanh niên công nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tiếp cận với sàn giao dịch điện tử uy tín và các ứng dụng số phục vụ cho sản xuất”, anh Trung cho biết.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-lao-dong-phai-thay-doi-sang-tao-cach-lam-hoa-minh-vao-xu-the-moi-post1637355.tpo