Người Huế kể chuyện xứ Huế

Đã có một thế hệ được yêu mến bởi những trang viết về Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Ngô Minh… Tiếp nối 'thế hệ vàng' ấy, một số tác giả 7X và 8X ở Huế, cũng đang viết và mang hình ảnh xứ Huế đến với đông đảo bạn đọc.

Một vùng đất thâm trầm

Nhà văn, nhà báo Phi Tân (hiện công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế) được biết đến là tác giả của một loạt sách về Huế như: Ngoại ô thương nhớ, Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm. Đầu năm nay, anh tiếp tục ra mắt thêm tập tản văn Huế - Chuyện xưa thành cũ (Chibooks và NXB Lao động).

Giống như một hướng dẫn viên cần mẫn, Phi Tân tỉ mẩn gom nhặt những mảnh ký ức đầy thân thương nơi quê hương của mình, rồi thủ thỉ chia sẻ với bạn đọc. Không màu mè hoa mỹ, anh lần lượt kể về những chuyến đò ngang qua sông Hương, chuyện nắng mưa ở An Cựu, về xóm nhà chồ bên phá Tam Giang, về cái sập đựng lúa ngày nay đã hiếm gặp… Dẫu viết nhiều về thành phố nhỏ và hiền nhưng với Phi Tân, “để đi hết chiều sâu của Huế thì… thăm thẳm như lòng sông Hương, không biết đi mãi đến bao giờ!”.

Đọc Huế - Chuyện xưa thành cũ, PGS-TS Bùi Thanh Truyền nhận xét: “Nhà văn vừa như một hướng dẫn viên giới thiệu về quê hương với bao trìu mến, vừa níu tay kéo về cả một trời thơ bé. Mỗi tản văn là một phát hiện độc đáo về cỏ hoa, cây trái bình dị, về con người miền núi Ngự sông Hương với “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Cái thiết tha, níu giữ nằm ở tâm tình của hồn văn nhiều gắn bó, nhiều quý thương xứ sở”.

 Một số ấn phẩm về Huế được xuất bản gần đây

Một số ấn phẩm về Huế được xuất bản gần đây

Giống như nhà văn, nhà báo Phi Tân, tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà cũng đang công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế. Có lẽ, công việc làm báo đã cho chị nhiều cơ hội được trải nghiệm, được khám phá những tư liệu độc đáo nhưng trên tất cả vẫn là tình yêu của một người được sinh ra, được nuôi dưỡng bởi vùng đất đầy thâm trầm, bí ẩn và quyến rũ. Bởi vậy, viết về Huế như một lẽ đương nhiên với chị. Sau Ở xứ mưa không buồn (2022), mới đây, Nguyễn Khoa Diệu Hà vừa ra mắt Một thời mạ Huế (Chibooks và NXB Lao động).

Ấn phẩm dày 272 trang với 40 bài viết cho bạn đọc biết được người Huế gần như vẫn giữ nguyên những nét độc đáo truyền đời trong thờ tự, nếp nhà và cả ẩm thực. Không chỉ biết thêm những phong tục, nghi lễ, con người qua Một thời mạ Huế, người đọc còn hiểu thêm nỗi lòng của hậu thế dành cho tiền nhân. Như khi ngồi nghỉ trước mái hiên cung Diên Thọ, cung điện dành riêng cho các bà Thái hậu triều Nguyễn, cũng là nơi Hoàng Thái hậu Từ Dụ đã sống 53 năm, tác giả cảm khái: “Tôi hình dung mỗi hoàng hôn, mỗi mùa mưa gió lê thê, những người cung nữ và ngay cả chủ nhân cung điện này sẽ thương cha, nhớ mẹ biết bao nhiêu!”.

Huế của những điều bé nhỏ

Thuộc thế hệ 8X, nhà văn Lê Vũ Trường Giang từng nhận giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022, cho tập truyện ngắn về lịch sử Bạc màu áo ngự. Là tiến sĩ, giảng viên khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) nên anh có nhiều sự quan tâm về lịch sử nói chung và lịch sử Huế nói riêng. Người Huế kể chuyện Huế (NXB Kim Đồng) vừa được xuất bản, tiếp tục là một cuốn sách như vậy.

Cuốn sách bao gồm các giai thoại lịch sử, danh nhân, giai thoại văn học, giai thoại văn hóa dân gian… Các mẩu chuyện là một kênh khác, góc nhìn khác với mục đích cung cấp thêm nhận thức, lưu giữ, ghi nhớ, kiến giải, phản ánh hiện thực vùng đất, con người xứ Huế. Trong các giai thoại lịch sử, người đọc sẽ có cơ hội được tìm hiểu, lật lại những vấn đề về công lao của các nhân vật lịch sử kiệt xuất như Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Phúc Tần, Trần Văn Kỷ, Thân Văn Nhiếp… Các giai thoại văn học khắc họa công việc lao động nghệ thuật, tâm tư sáng tạo và cả những tình cảm dành riêng cho Huế của các văn nghệ sĩ như Lê Văn Miến, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Phùng Quán… hay những văn nhân, thi sĩ yêu Huế, gắn bó với Huế như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Bùi Giáng, Trần Hoàn…

Không chỉ viết tản văn cho những người trưởng thành, nhà báo Phi Tân còn viết tản văn cho thiếu nhi. Sau Cổ tích của ba (2023), mới đây, anh vừa giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Học trò bên kia phá Tam Giang (NXB Kim Đồng), nằm trong tủ sách “Viết cho những điều bé nhỏ”. Cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng cả bầu trời tuổi thơ mà có lẽ những ai thuộc thế hệ 7X và 8X sẽ gặp được mình trong đó. Những bài viết: Radio nhớ thương, Một thời cassette, Những đêm không trăng, Mùa World Cup cũ, Vui bóng đá làng, Thầy cô trường làng… gợi nên những ký ức đã xa nhưng lại vô cùng thân thương và trìu mến, khiến người đọc không khỏi rưng rưng khi nhớ về. Sự kỳ diệu của ký ức tuổi thơ chính là như vậy.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-hue-ke-chuyen-xu-hue-post740063.html