Người dân, doanh nghiệp là động lực của chuyển đổi số

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, Quảng Trị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, thực chất. Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng được hưởng nhiều hơn những lợi ích từ công cuộc chuyển đổi số. Qua đó, chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện chuyển đổi số thành công, xây dựng xã hội số, công dân số, Chính phủ số.

Đoàn viên, thanh niên TP. Đông Hà tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến -Ảnh: H.T

Đoàn viên, thanh niên TP. Đông Hà tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến -Ảnh: H.T

Thời gian qua, 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: tinh bột nghệ, bột ngũ cốc, bột gừng sấy lạnh, bột sen và bột tía tô sấy lạnh của Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản sạch Trần Lan, ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, ưa chuộng và tin dùng. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, được sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của các sở, ngành liên quan, cơ sở đã tham gia nhiều lớp tập huấn về thương mại điện tử (TMĐT), từ đó đã đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến sản phẩm qua các kênh bán hàng trực tuyến, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chị Trần Thị Lan, chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản sạch Trần Lan cho biết: “Thay vì bán hàng theo cách truyền thống, hơn 3 năm nay, cơ sở sản xuất, kinh doanh của chúng tôi đã thành lập một bộ phận truyền thông, bán hàng online qua các kênh như sàn TMĐT của tỉnh, facebook, lazada, tiktok, zalo...

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp cận TMĐT, doanh thu của cơ sở liên tục tăng trưởng, trong đó doanh thu bán hàng qua các kênh TMĐT chiếm trên 50% tổng doanh thu hằng năm. Hiện nay, cơ sở sản xuất, kinh doanh của chúng tôi cung cấp, vận chuyển hàng hóa cho hầu hết các cửa hàng nông sản sạch trong, ngoài tỉnh. Việc giao nhận, thanh toán cho khách hàng ở xa đều được tiến hành trực tuyến”.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản sạch của chị Trần Thị Lan chỉ là một trong rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số nhờ biết nắm bắt, tiếp cận công nghệ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có 737 doanh nghiệp công nghệ số với 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có triển khai nền tảng hóa đơn điện tử. Ngoài sàn TMĐT của tỉnh, Quảng Trị hiện có 3.757 sản phẩm được đưa lên các sàn TMĐT Postmart (đứng thứ 6/19 tỉnh, thành phố trong khu vực), với 16.000 giao dịch TMĐT được thực hiện; có 113.335 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; tỉ lệ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT đạt 55% (xếp thứ 4/19 tỉnh, thành phố trong khu vực).

Không chỉ mang lại hiệu quả tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, người dân, doanh nghiệp còn được thụ hưởng nhiều lợi ích của quá trình chuyển đổi số qua quá trình cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn. Cụ thể, hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã cung cấp 745 dịch vụ công trực tuyến một phần và 946 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Mặt khác, tỉnh cũng đã thiết lập thêm kênh zalo để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến đến tận người dân và doanh nghiệp. 100% sở, ban, ngành và địa phương có cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao hiệu quả trong công tác phục vụ tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, phát triển công dân số... đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Song song với đó, tỉnh đã thúc đẩy phát triển xã hội số và hình thành công dân số bằng nhiều giải pháp như tuyên truyền, tổ chức các đợt cao điểm vận động, hướng dẫn, cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân làm thẻ căn cước công dân gắn chíp; cài đặt phần mềm VNeID trên thiết bị di động thông minh để thuận tiện trong các giao dịch cơ bản như khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, BHXH; sử dụng dịch vụ công, dịch vụ giáo dục số, mua bán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có gần 87 nghìn hồ sơ đăng ký định danh điện tử, trong đó có trên 11 nghìn tài khoản đã được kích hoạt; có trên 487 nghìn tài khoản thanh toán đang hoạt động, tỉ lệ bình quân dân số có tài khoản thanh toán ước đạt trên 65%.

Đặc biệt, ngoài Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến, đến nay Quảng Trị đã thiết lập Cổng thông tin phản ánh hiện trường nhằm giúp người dân, doanh nghiệp được tham gia cùng cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề của địa phương.

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn chủ đề chuyển đổi số là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Tại tỉnh Quảng Trị, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã chỉ đạo ngành Thông tin và Truyền thông phải luôn có tư duy đổi mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt với phương pháp khoa học, hiệu quả; bám sát thực tiễn, kế thừa, phát huy những kết quả đạt được; tạo đột phá hơn nữa để người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và từ chuyển đổi số mang lại.

Đồng thời phải phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để phát triển kinh tế số để trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng.

Có thể thấy, những thành quả của quá trình chuyển đổi số mang lại không chỉ thuận tiện cho công tác điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp về tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, hiệu quả, thực chất hơn nữa thì đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính người dân, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguoi-dan-doanh-nghiep-la-dong-luc-cua-chuyen-doi-so-185547.htm