Ngoại trưởng Mỹ có chuyến thăm trấn an Ukraine giữa thời khắc 'nguy hiểm nhất'

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Kiev hôm 14/5 trong một chuyến thăm không báo trước nhằm trấn an Ukraine rằng Washington vẫn sát cánh với nước này giữa lúc cam go.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm không báo trước tới Ukraine (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm không báo trước tới Ukraine (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ nước ngoài bị trì hoãn từ lâu, dành 60 tỉ USD viện trợ cho Ukraine, phần lớn trong số đó sẽ dùng để bổ sung các hệ thống phòng không và pháo binh đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Giới chức Mỹ cho biết, trong chuyến đi thứ tư tới Kiev kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, ông Blinken sẽ nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với quốc phòng và an ninh lâu dài của Ukraine. Họ lưu ý rằng kể từ khi ông Biden ký gói viện trợ vào cuối tháng trước, chính quyền đã công bố 1,4 tỉ USD viện trợ quân sự ngắn hạn và 6 tỉ USD viện trợ dài hạn.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết họ đang "cố gắng thực sự đẩy nhanh tiến độ" vận chuyển vũ khí của Mỹ tới Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Mỹ đi cùng Ngoại trưởng trên chuyến tàu đêm từ Ba Lan cho biết, các hệ thống pháo, tên lửa đánh chặn và tên lửa đạn đạo tầm xa đã được chuyển giao, một số trong đó đã được đưa ra tiền tuyến.

Quan chức giấu tên này cho biết ông Blinken sẽ "gửi tín hiệu trấn an mạnh mẽ" tới các nhà lãnh đạo Ukraine mà ông sẽ gặp gỡ trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi ông Blinken đến Kiev, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức hàng đầu khác của Ukraine “để thảo luận về diễn biến mới trên chiến trường, tác động của sự hỗ trợ kinh tế và an ninh mới của Mỹ, an ninh lâu dài và các cam kết khác, cùng đó là công tác thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Ukraine”.

Sự chậm trễ trong hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt kể từ khi cuộc chiến giữa Israel với Hamas bắt đầu, khiến các quan chức cấp cao quan ngại, và gây ra những lo ngại sâu sắc ở Kiev và châu Âu. Ví dụ, ông Blinken đã đến thăm Trung Đông 7 lần kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu vào tháng 10/2023. Trong khi đó, chuyến đi gần đây nhất của ông tới Kiev là vào tháng 9/2023.

Vị quan chức Mỹ nói thêm rằng ông Blinken cũng sẽ có bài phát biểu trong hôm 14/5 để ca ngợi “những thành công chiến lược” của Ukraine trong cuộc chiến. Năm ngoái, ông Blinken đã có bài phát biểu tại Helsinki, Phần Lan, với nội dung nói về những thất bại chiến lược của Moscow khi phát động cuộc chiến.

Tuy nhiên, kể từ bài phát biểu ở Helsinki, Ngađã tăng cường các cuộc tấn công, đáng chú ý nhất là việc Hạ viện Mỹ trì hoãn gói viện trợ trong nhiều tháng. Những cuộc tấn công đã gia tăng trong những tuần gần đây khi Nga tìm cách tận dụng tình trạng thiếu nhân lực và vũ khí của Ukraine trong khi nguồn viện trợ mới đang được vận chuyển.

Các quan chức hàng đầu của chính quyền Biden và các quan chức an ninh quốc gia Ukraine đã tổ chức một cuộc điện đàm hôm 13/5 “về tình hình ở mặt trận, về những khả năng mà họ cần nhất và nói “Hãy đưa cho chúng tôi những thứ này nhanh chóng để chúng tôi có thể giữ vị thế phòng thủ hiệu quả trước sự tấn công dữ dội của Nga””, ông Sullivan cho hay.

Binh sĩ Ukraine trên chiến trường (Ảnh: Reuters)

Thời điểm “nguy hiểm nhất” của Kiev

Cuối tuần qua, ông Zelensky cho biết “các trận chiến khốc liệt” đang diễn ra gần biên giới ở phía đông và đông bắc Ukraine khi binh sĩ Ukraine bị áp đảo về quân số và vũ khí đang cố gắng đẩy lùi một cuộc tấn công trên bộ của Nga.

Các lực lượng của Nga đang muốn khai thác điểm yếu của Ukraine trước khi hàng viện trợ quân sự lớn từ Mỹ và châu Âu gửi đến tay Kiev trong những tuần và tháng tới, theo các chỉ huy và nhà phân tích Ukraine. Họ nói rằng điều đó khiến giai đoạn này trở thành cơ hội cho Moscow và là một trong những thời điểm nguy hiểm nhất đối với Kiev trong cuộc chiến kéo dài 2 năm.

Cuộc tấn công mới của Nga vào khu vực đông bắc Kharkov và khu vực phía đông Donetsk diễn ra sau nhiều tháng khi chiến tuyến dài khoảng 1.000 km hầu như không có biến chuyển. Trong giai đoạn đó, cả hai bên chủ yếu sử dụng các cuộc tấn công tầm xa, lao vào một cuộc chiến tiêu hao.

Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết bất chấp một số thất bại gần đây, Ukraine vẫn có thể giành được những bước tiến đáng kể. Những bước tiến đó bao gồm việc giành lại khoảng 50% lãnh thổ mà lực lượng Nga đã chiếm trong những tháng đầu chiến tranh, nâng cao vị thế kinh tế và cải thiện liên kết giao thông và thương mại, nhờ những thành công quân sự trên Biển Đen.

Quan chức này thừa nhận rằng Ukraine phải đối mặt với “một cuộc chiến khó khăn” và “chịu áp lực rất lớn” nhưng lập luận rằng người Ukraine “sẽ ngày càng tự tin hơn” khi gói viện trợ mới của Mỹ và các nước phương Tây khác bắt đầu tăng lên.

Theo AP

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ngoai-truong-my-co-chuyen-tham-tran-an-ukraine-giua-thoi-khac-nguy-hiem-nhat-post174949.html