Nghịch lý doanh nghiệp đuối sức, ngân hàng vẫn khỏe

Số DN rút khỏi thị trường gia tăng, cho thấy cộng đồng này đang gặp khó nhưng ngân hàng vẫn 'khỏe mạnh'. Các chuyên gia cho rằng, trong khi DN khó khăn chồng chất, ngân hàng vẫn báo lãi là một nghịch lý.

Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức. Ảnh: Hải Linh

Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức. Ảnh: Hải Linh

Gia tăng DN rút lui khỏi thị trường

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, có 86.400 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21.600 DN rút lui khỏi thị trường.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh, số lượng DN rút khỏi thị trường đang có xu hướng gia tăng, chứng tỏ sức khỏe của DN rất đáng báo động.

Đặc biệt, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) và Chỉ số sản xuất công nghiệp đều chưa phục hồi được như giai đoạn 2021 - 2022, tiêu dùng nội địa giảm mạnh. Đó là những yếu tố đang được bôi đậm trong danh sách các thách thức lớn của đà phục hồi kinh tế trong những tháng tới.

Trong khi các DN khó khăn, ngành ngân hàng vẫn hồ hởi báo lãi lớn, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng. Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính năm 2023, lũy kế lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt hơn 198.446 tỷ đồng.

Trong quý I/2024, báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần, tổng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 72.096 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn lợi nhuận sau thuế quý I đạt hơn 57.440 tỷ đồng, tăng khoảng 9,6%.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị: Chính phủ làm rõ về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, làm rõ việc các NHTM lãi lớn trong bối cảnh DN khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác điều hành tăng trưởng tín dụng còn nhiều hạn chế, thấp hơn mục tiêu đề ra, tiếp cận vốn khó khăn. Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán và trái phiếu còn nhiều khó khăn khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phần lớn qua kênh tín dụng, khiến gia tăng áp lực, tiềm ẩn rủi ro với hệ thống ngân hàng.

Lợi ích của ngân hàng phải gắn kết với sự sống còn của DN

Câu chuyện nền kinh tế và DN gặp nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn lãi lớn liên tiếp, đã từng được đặt ra chất vấn các năm gần đây. Năm 2023, tăng trưởng GDP ước tính tăng 5,05% so với năm trước, thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Điều này đến từ việc sụt giảm đơn đặt hàng xuất khẩu, lãi suất cho vay cao trong 6 tháng đầu năm 2023, sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu DN và sự trì trệ của thị trường bất động sản (BĐS).

Trong bối cảnh này, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp không ít khó khăn. Thế nhưng ở thời điểm này, các chuyên gia phân tích, nhiều ngân hàng vẫn tích trữ được lợi nhuận lớn trong năm 2023 do mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh (trung bình 2,5-3%). Nhờ đó, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) toàn ngành chỉ giảm nhẹ xuống mức 3,2% trong quý IV/2023, cao hơn so với mặt bằng 2020-2021.

Lãi suất huy động giảm sâu trong quý IV/2023, giúp các nhà băng có được lượng lớn vốn rẻ, chi phí vốn đầu vào giảm mạnh. Ngược lại, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ chưa thật sự rõ nét trong năm 2023 do DN gặp khó khăn về đầu ra, các kênh tài sản và đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, đã dẫn đến lãi suất cho vay giảm chậm hơn và mức độ giảm tùy thuộc vào độ rủi ro của khách hàng.

Vì vậy, hệ số NIM của một số khoản vay, một số khách hàng cũng cao hơn so với bình quân, là nguồn giúp các ngân hàng cải thiện lãi.

Ngoài ra, một chi tiết khác cũng cho thấy các ngân hàng vẫn có nền tảng để tăng thu nhập lãi trong năm 2023, đó là tăng trưởng tín dụng dành cho nhà phát triển BĐS vẫn rất lớn.

Cuối năm 2023, dư nợ BĐS là khoảng 2,88 triệu tỷ đồng. Theo thống kê mới nhất của NHNN, trong 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng cho BĐS và chứng khoán là hai lĩnh vực tăng trưởng. So với cuối năm 2023, tín dụng BĐS tăng 0,23% và tín dụng chứng khoán tăng 2,56%.

Trong khi tính tới cuối tháng 2/2024, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.467.585 tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2023, tương ứng mức giảm gần 101.393 tỷ đồng.

Dễ thấy với nhóm vay này, dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng lãi suất cho vay khó có thể rẻ. Điều này được các ngân hàng giải thích lãi suất cho vay cao do còn tồn một lượng nhất định vốn huy động lãi suất cao trước đây và nợ xấu tiềm ẩn có nguy cơ tăng, nên phải neo lãi suất cao (nhất là lãi vay mua nhà, mua xe) để phòng ngừa nợ xấu.

Hoặc không phải ngân hàng không hỗ trợ mà do vướng mắc từ các DN như: không đủ điều kiện vay vốn, nợ xấu, sử dụng vốn không mục đích, phương án đi vay không hiệu quả…

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, trong Báo cáo giám sát nguồn lực cho phòng chống Covid-19 có nêu, khi đại dịch ập đến, gần như ngay lập tức chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng định hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế.

Tuy nhiên, các ngân hàng lại giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho biên lãi thuần (NIM – thước đo mức sinh lời của hoạt động cho vay) tăng. Ông Lâm cho rằng, như vậy là ngân hàng "ăn dày" hơn. Từ đó, vị đại biểu cho rằng, lợi ích của ngân hàng phải thực sự gắn kết với nền kinh tế, với sự sống còn của DN, chứ không phải "một mình một chợ, độc quyền".

Nền kinh tế ngóng vốn rẻ

Các ngân hàng luôn có các điều kiện và điều khoản chặt chẽ và DN muốn vay được phải chấp nhận tuân thủ. Phía ngân hàng nên cân nhắc cởi mở hơn trong các điều khoản để hai bên cùng "win - win”.

Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu Nguyễn Ngọc Luận

Trong mùa đại hội cổ đông mới đây, các nhà băng rất tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh 2024 đã đề ra, với 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng dương so với năm 2023.

Thực tế, hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng cũng dành một phần vốn để cho vay với lãi suất ưu đãi. Nhưng theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, vốn rẻ này luôn bơm một cách có chọn lọc, tập trung ở các DN lớn, khỏe mạnh.

Các DN còn lại phải chấp nhận vay lãi suất cao hơn. Ngân hàng cũng là DN, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi ngân hàng, cổ đông, nhưng cần có sự chia sẻ với cộng đồng DN, bằng cách giảm bớt biên lợi nhuận để giảm lãi vay. Đó mới đúng là đồng hành cùng DN.

Việc giảm lãi suất, đa dạng kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ là vô cùng cần thiết. Điều này cũng phù hợp trong bối cảnh ngân hàng đều lãi lớn hàng năm.

Theo phản ánh của nhiều DN nhỏ vừa vừa, hiện nay, ngoại trừ Agribank đặc thù cho vay nông nghiệp, các ngân hàng lớn vẫn “chuộng” cấp vốn cho các tập đoàn tư nhân lớn hoặc các DN Nhà nước. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương chủ yếu chỉ tiếp cận được vốn qua các NHTM cổ phần tư nhân. Nói cách khác, các DN này chỉ được lợi nếu làn sóng giảm lãi suất lan ra toàn hệ thống.

Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu Nguyễn Ngọc Luận cho biết, nguồn vốn tại các ngân hàng dồi dào và lãi suất đang giảm xuống dần, nhưng DN có vay được không vẫn còn là chuyện phải bàn. Hiện tại, DN đã quá khó khăn, nền kinh tế đang cần trợ lực để phục hồi.

Cần thay đổi chính sách liên quan đến tín dụng đặc biệt về tài sản thế chấp, nhất là tài sản thế chấp trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng giá trị cho vay trên tài sản thế chấp. Cuối cùng là hạ lãi suất vay, đặc biệt là những ngành khuyến khích đầu tư như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…

Các ngân hàng lãi lớn trong khi DN phá sản, nền kinh tế trì trệ thì có phản cảm không? DN chết thì ngân hàng lấy gì mà sống, thu ngân sách ở đâu? Quy trình thủ tục cho vay của một số ngân hàng chậm được cải tiến, thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng. Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác giữa khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn…

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghich-ly-doanh-nghiep-duoi-suc-ngan-hang-van-khoe.html