Nghĩa tình Trường Sa - Bài 1: Hạnh ngộ giữa trùng khơi

'Bố mất 4 ngày, mẹ sinh tôi. Mẹ kể, bố bảo đi Trường Sa công tác ráng về kịp để cùng đón tôi chào đời. Vậy mà, bố đi, đi mãi… dẫu khi đó đất nước hòa bình rồi', đứng trên boong tàu KN 290 đang hướng về Trường Sa, chị Trần Thị Liên nghẹn giọng. Mãi tới hôm nay, khi 47 tuổi, chị mới lần đầu được đến nơi bố chị - liệt sĩ Trần Quang Triết hòa vào lòng biển.

LTS: Đất liền - biển đảo, TPHCM - Trường Sa là một khối tình sâu đậm. Qua bao năm tháng, khối tình đó luôn được mở rộng và kết nối muôn triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương. Sự thăm hỏi ân cần, động viên thiết thực của các đoàn đại biểu TPHCM nhiều năm qua thể hiện tình cảm nồng ấm, khăng khít của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM với quân và dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Sự gắn kết ấy được trao truyền qua các thế hệ, là tình thâm giữa đất liền với biển đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

“Bố ơi! Con đã đến Trường Sa!”

Chị Liên cho biết, trước đây bố chị tốt nghiệp Đại học Hàng hải Liên Xô, được phân công công tác tại Bộ Tư lệnh tham mưu - Hải quân Việt Nam. Ông cùng đồng đội thường xuyên đến các đảo, điểm đảo để khảo sát, nghiên cứu phát triển, xây dựng đảo. “Trong chuyến khảo sát khu vực đảo Sơn Ca - Nam Yết 47 năm trước, tàu chở bố và đồng đội gặp lốc xoáy giữa biển. Các chú đồng đội của bố trong lần đến thăm gia đình sau này có kể lại, thời điểm đó nhìn từ xa thấy chiếc tàu bị văng lên theo lốc xoáy hơn 10m. Tất cả bất lực. Sau cơn cuồng phong, mặt biển tan ra, phẳng lặng như chưa hề có điều bất trắc. Và bố vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển, lúc 27 tuổi...”, mắt đỏ hoe, chị Liên kể lại.

Cùng với mất mát, hai chị em Liên lớn lên. Bây giờ, chị đang công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM. Cả tuổi trẻ chị luôn tưởng tượng một ngày nào đó đi học về thì thấy bố trở về… Biết đâu bố chị may mắn được chiếc tàu nào đó cứu, hay trôi dạt đến hoang đảo rồi trở lại đất liền tìm gia đình. Nhưng đợi mãi, cuối cùng chị phải chấp nhận bố hy sinh. Chị nuôi trong lòng ước mong một lần đến Trường Sa, nơi bố gửi lại thân xác cùng thanh xuân. Chị Liên tâm sự: “Người ta mất còn có mộ để thăm, để đốt nén nhang cháy đỏ tưởng nhớ. Còn đối với người lính hải quân, hy sinh là về với biển. Dù khao khát cháy lòng, chị em tôi cũng không thể đến nơi bố ở lại. Do đó, ngày 27-7 hàng năm, gia đình tôi đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, cùng tỏ lòng thương nhớ bố. Tôi đã nghĩ thăm Trường Sa chỉ là mong ước xa vời. Cho đến hôm nay, nhờ lãnh đạo TPHCM quan tâm, lãnh đạo đơn vị công tác tạo điều kiện, tôi đã được đến nơi này”.

Trong chuyến hải trình, người con gái nhỏ của liệt sĩ Trần Quang Triết xúc động khi chạm tay vào các đảo. Trong giây phút thiêng liêng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh giữa Trường Sa, chị nghẹn ngào: “Vậy là bố ơi! Con đã đến rồi, được trực tiếp dâng hương cho bố và đồng đội - những anh hùng liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc nơi đầu sóng. Mỗi điểm đảo, mỗi vùng biển con qua, càng làm cho con thêm yêu đất nước hơn, càng giúp con hiểu thêm những gian khổ, hiểm nguy người lính hải quân phải đương đầu để giữ gìn và bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Hạnh phúc thấy con trưởng thành

Đêm trước ngày gặp con trai là Trung sĩ Thái Gia Bảo (20 tuổi) đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Tốc Tan C (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), anh Thái Văn Vũ (49 tuổi, ở huyện Củ Chi, TPHCM) cứ bồn chồn, nhấp nhổm. Kiểm tra túi quà cho con có mấy chai nước ngọt, 100 trứng vịt, anh cười xòa khi có đại biểu cùng phòng trêu: “Anh đem trứng vịt ra tới đảo là nó nở luôn, thằng nhỏ nuôi đàn vịt chứ ăn gì”. “Tui xem rồi, không nở đâu, các anh an tâm! Đem nhiều để nó với đồng đội ăn. Thằng nhỏ hồi ở nhà thích trứng vịt lắm. Nó còn thích gấu bông vì lúc học mẫu giáo đã đóng vai gấu rồi”, anh Vũ vui vẻ đáp.

 Trung sĩ Thái Gia Bảo hướng dẫn ba Thái Văn Vũ tham quan đảo Tốc Tan C

Trung sĩ Thái Gia Bảo hướng dẫn ba Thái Văn Vũ tham quan đảo Tốc Tan C

Sáng sớm 29-4, xuồng trung chuyển vừa cập cầu cảng, anh Vũ bước xuống thật nhanh vì con trai anh đã đứng ngay đó đón ba cùng đoàn công tác. Nắm tay con, mắt anh Vũ tràn đầy hãnh diện. Quay qua đại biểu đi cùng đoàn, anh hồ hởi khoe: “Bữa nó gọi điện khoe với tui, mới ra đảo mấy tháng nó lên gần 70kg. Chèn ơi! Lúc ở nhà nó ốm nhom hà, hơn 50kg thôi mà giờ thì to con, rắn rỏi, chắc chắn nha!”. “Anh thấy hông? Đưa con vô quân đội nuôi lời quá trời! Tui tưởng anh nhìn không ra con, lên mười mấy ký chớ ít ỏi đâu”, chị Ngọc Diễm, đại biểu đi cùng, nói vui.

Xoa đầu Gia Bảo, anh Vũ đưa cho con gấu bông “để tối ngủ ôm”. Trong mắt anh, Gia Bảo luôn là đứa con trai nhỏ. Nhận quà từ ba, Gia Bảo vui nhưng phong thái thể hiện rất chững chạc. Chàng trai có làn da ngăm rám nắng, đôi mắt sâu cương nghị, phong thái điềm tĩnh dẫn ba tham quan nhà ăn, chỗ nghỉ, tự hào giới thiệu các thông tin, hình ảnh truyền thống của lực lượng Hải quân Việt Nam treo trong đơn vị. Cậu còn dẫn ba tham quan khu vực vườn rau, kể cho ba nghe về các công tác, luyện tập quân ngũ. Anh Vũ cho biết, trước khi tham gia nghĩa vụ quân sự, Bảo rất cá tính, hay theo ý riêng mình nhưng giờ con đã biết suy nghĩ chín chắn hơn. Gia Bảo nói: “Ra đây, tôi hiểu thêm những gian khổ của các anh, các chú. Tôi học cách sinh hoạt ngoài đảo, nắm chế độ luyện tập, đặc biệt học được sự đoàn kết với đồng đội. Nghĩa vụ quân sự không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng của thanh niên Việt Nam mà còn là trải nghiệm đặc biệt, để lớp trẻ rèn luyện cả thể chất lẫn phẩm chất đạo đức”.

Trước đó, trên đảo Sinh Tồn, chị Nguyễn Thị Lành (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) vui mừng khi gặp con trai - Trung sĩ Huỳnh Thế Sơn (19 tuổi). Trong khi Sơn có vẻ ngượng nghịu, không dám ôm mẹ chỗ đông người thì chị Lành vui mừng ra mặt, vừa nắm tay vừa ôm con thật chặt xem con trai rắn rỏi tới đâu. Chị Lành cười tươi: “Mấy bác chỉ huy trên đảo nói Sơn ngoan, nhanh nhẹn, tháo vát, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Con ra đây là được chọn chứ đâu phải dễ. Bữa trước gọi về, con hứa mai mốt về sẽ nấu cho mẹ bữa cơm làm tôi mát lòng mát dạ quá. Xưa con trai cưng không biết làm gì, giờ thì vững vàng, đảm trách vai “anh nuôi” cho toàn đội. Môi trường quân ngũ còn rèn luyện cho con tính kiên trì, chịu khó. Trước đây Sơn không kiên trì đâu, giờ đã khác nhiều”.

 Trung sĩ Huỳnh Thế Sơn gặp mẹ trên đảo Sinh Tồn

Trung sĩ Huỳnh Thế Sơn gặp mẹ trên đảo Sinh Tồn

Trong chuyến hải trình thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 từ ngày 26-4 đến 2-5 vừa qua của Đoàn công tác số 12, lãnh đạo TPHCM đã tạo điều kiện cho 3 thân nhân chiến sĩ, 1 con liệt sĩ ra thăm Trường Sa. Được đến Trường Sa là một vinh dự, được đoàn viên giữa trùng khơi với người thân còn là khoảnh khắc hiếm có, quan trọng trong cuộc đời. Các bậc cha mẹ nhìn con mình vừa cười vừa khóc, bởi đó là giọt nước mắt của tự hào và hạnh phúc.

“Từ nay đến hết chuyến hải trình, khi làm lễ tưởng niệm trên tàu hay dâng hương ở Đài tưởng niệm liệt sĩ đảo Trường Sa, Liên cứ đứng lên hàng đầu cùng lãnh đạo đoàn. Vì em là con của chứng nhân cho sự hy sinh anh dũng của lực lượng Hải quân Việt Nam”, lời nói ấm áp của Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Đoàn đại biểu TPHCM - Đoàn công tác số 12 thăm Trường Sa, khiến chị Trần Thị Liên càng thêm xúc động. Đồng chí Nguyễn Phước Lộc nói: “Trần Thị Liên là một trong những đại biểu sớm nhất được đưa vào danh sách đoàn. Tôi đọc thông tin của Liên, biết em là con liệt sĩ Trần Quang Triết hy sinh tại Trường Sa nên rất đồng cảm. Trong suy nghĩ của tôi, TPHCM đã đưa nhiều thân nhân tiêu biểu có con em công tác ở Trường Sa thì việc chọn thêm con của liệt sĩ hy sinh nơi này là rất nghĩa tình. Đó là sự tri ân!”.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghia-tinh-truong-sa-bai-1-hanh-ngo-giua-trung-khoi-post740057.html