Nghệ sĩ góp tiếng nói để phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng

Chiều 20/5, tại TP Hải Phòng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng tổ chức Tọa đàm 'Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024.

Sân khấu và khán giả là một cặp song hành

Phát biểu khai mạc tọa đàm, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết, sân khấu và khán giả là một cặp song hành không thể thiếu nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sân khấu tìm đến khán giả, khán giả tìm đến sân khấu. Đôi khi khán giả cũng là những diễn viên bất đắc dĩ và tham gia vào câu chuyện trên sân khấu như một sự ngẫu hứng mà những người nghệ sĩ đem lại.

Và một minh chứng rõ nhất còn truyền đến tận ngày nay trong các loại hình sân khấu dân tộc đó là; “tiếng đế” hay “dàn đế”. Sự độc đáo của tiếng đế và dàn đế chính là sự tương tác của khán giả với nghệ sĩ và ngược lại. Không có khán giả thì cũng không có sân khấu và tất nhiên không có sân khấu thì cũng không có khán giả.

 NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm.

Theo NSND Hoàng Tuấn, tính giải trí ở sân khấu thời đầu luôn được coi trọng nhất. Thời này, sân khấu còn mới lạ nên chỉ cần có biểu diễn là tất cả mọi người kéo nhau đến xem. Sau những ngày mệt nhọc họ khát khao một tiếng cười và còn gì thú vị hơn khi họ đến xem biểu diễn lại thấy cả hình bóng của chính mình trong đó. Do vậy, sân khấu phản ánh tất cả đời sống của các thế hệ từ trẻ đến già rồi lại quay về phục vụ đời sống.

“Cùng với tiến trình phát triển xã hội thì sân khấu cũng nâng lên một tầm cao mới, sân khấu được chuyên nghiệp hóa. Nghệ thuật biểu diễn được coi là một nghề, người biểu diễn được gọi là nghệ sĩ và từ đó các đoàn, nhà hát nghệ thuật ra đời, mỗi đoàn, nhà hát sẽ mang đặc thù nghệ thuật riêng của mình. Như vậy, khán giả có quyền lựa chọn loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích, đồng nghĩa với việc là muốn tồn tại, chúng ta chỉ cần giữ đúng loại hình nghệ thuât của mình, muốn phát triển chúng ta cần thích ứng như cầu của thời đại”, Chủ tịch Hội sân khấu Hà Nội nhấn mạnh.

NSND Hoàng Tuấn cho biết thêm, ở mỗi loại hình sân khấu với đề tài thiếu nhi sẽ có những lợi thế khác nhau và tất nhiên sẽ có màu sắc khác nhau. Kịch nói sẽ đưa các con đến với thế giới chân thực nhất, sống động, tươi mới. Tuồng chèo cải lương sẽ đua các con vào thế giới của những câu chuyện cổ tích lung linh huyền ào với những cô tiên và điều ước diệu… Vì vậy, muốn thực hiện triệt để chiến lược bảo tồn và phát triển sân khấu lâu dài và bền vững thì đầu tư sân khấu vào đề tài thiếu nhi chính là việc làm phát triển từ cái gốc của nền sân khấu nước nhà.

Trình bày tham luận tại tọa đàm, NSƯT Cao Ngọc Anh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam cho biết, Nhà hát Tuổi Trẻ luôn tự hào về thành tựu là đã tạo ra một không gian Sân khấu - nơi những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ nghệ thuật vô cùng phong phú, hấp dẫn dành cho khán giả trẻ như một sứ mệnh và tôn chỉ.

 NSƯT Cao Ngọc Anh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ trình bày tham luận.

NSƯT Cao Ngọc Anh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ trình bày tham luận.

Trong định hướng về chiến lược phát triển trung và dài hạn, Nhà hát Tuổi Trẻ quyết tâm xây dựng là một điểm đến Văn hóa có tầm cỡ và quy mô, là trung tâm sân khấu lớn dành cho Thanh Thiếu nhi tại Việt Nam và vươn tầm khu vực, là bạn đồng hành thân thiết với nhiều thế hệ trong một gia đình Việt Nam tuổi thơ đẹp đẽ của cha mẹ gắn với sân khấu nhà hát Tuổi trẻ và rồi họ lớn lên trưởng thành lại cùng những đứa con của mình đến với nhà hát đó là phần thưởng quý giá mà khán giả đã trao lại cho các nghệ sĩ. Do đó, nhà hát là cầu nối góp phần nâng bước thế hệ trẻ Việt Nam hội nhập với thế giới, xứng đáng là một Nhà hát Quốc gia năng động, trẻ trung tiêu biểu dành cho tuổi trẻ.

“Lâu nay vấn đề kịch bản cho thiếu nhi là tương đối khó vì ít tác giả viết cho trẻ em, Nhà hát trong nhiều năm đã phải vận dụng tìm tòi, gần đây Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản cho trẻ em và đã giúp chúng tôi tìm được một số kịch bản phù hợp, thậm chí Nhà hát đã kịp thời đưa vào kế hoạch dàn dựng năm 2024. Liên hoan lần thứ nhất này là sự tiếp nối ý tưởng tốt đẹp đó, đồng thời mở ra những hoạt động sân khấu dành cho thiếu nhi có tính quy mô hơn phù hợp với giai đoạn phát triển công nghiệp biểu diễn”, NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ.

 Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Bên cạnh khâu kịch bản, đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, thiết kế mỹ thuật, âm thanh ánh sáng luôn học hỏi không ngừng cập nhật những yếu tố mới, văn minh hiện đại trên thế giới ứng dụng hài hòa giao thoa vào các vở diễn giành cho thiếu nhi để tăng thêm tính hấp dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông tổng lực trước đợt diễn hoặc các vở diễn, chương trình sắp diễn ra một cách toàn diện trên Fanpage, FB, Website, Tiktok (thậm chí lập riêng Fanpage riêng cho từng vở để khán giả không bị lẫn về từng chương trình).

“Bên cạnh đó xây dựng mô hình “Sân Khấu hóa các Tác phẩm Văn học” dành riêng cho Thanh thiếu niên, nhi đồng thông qua hoạt động này giúp các em được giao lưu trao đổi trực tiếp với các nhà chuyên môn, nghệ sĩ yêu thích, đồng thời giúp học sinh vận dụng các kiến thức văn học vào thực tế, đưa văn học tới gần hơn với đời sống, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo, phát triển năng lực tư duy, hướng tới cụ thể hóa cách giảng dạy và học tập một cách có hiệu quảb hơn”, NSƯT Cao Ngọc Ánh nói thêm.

Sân khấu hiện nay khan hiếm kịch bản hay

Là người đứng đầu Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu cho biết hiện nay các sân khấu kịch nói đều gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản hay. Các tác phẩm sân khấu được dàn dựng thường được lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật hoặc cốt truyện nước ngoài. Cũng dễ lý giải điều này, bởi ngày nay, trẻ em được tiếp xúc sớm với các kênh giải trí và truyền thông thông qua nhiều đồ điện tử tiện dụng. Cụ thể, các em nhỏ lên mạng xem các kênh phim, kênh giải trí của nước ngoài nhiều. Và thế hệ nhỏ tuổi, các con bị thu hút và yêu thích những sản phẩm giải trí của nước ngoài nhiều hơn.

Nắm bắt tâm lý và thị yếu của khán giả nhí, các đơn vị nghệ thuật có sự lựa chọn về nội dung và cảm hứng các tác phầm nghệ thuật cho thiếu nhi là những nội dung liên quan đến văn học, giải trí, nội dung và hình tượng nhân vật nước ngoài nhiều. Nhiều các bạn Thiếu nhi yêu thích các nhân vật nước ngoài, biết những câu chuyện cổ tích nước ngoài, hơn là những câu chuyện và vở diễn có nội dung về văn hóa Việt Nam. Đó là điều đáng suy nghĩ và cần tìm phương án giải quyết.

 NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội trình bày tham luận.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội trình bày tham luận.

Đánh giá về việc chất lượng tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi chưa có sự đồng đều, NSND Trung Hiếu cho rằng các tác phẩm nghệ thuật mang tính truyền thống, có nội dung và màu sắc văn hóa Việt Nam cũng là một “cuốn sách”, một cây cầu kết nối giúp các thế hệ nhỏ tuổi của Việt Nam hiểu hơn về Hà Nội, về Tổ quốc thân yêu. Từ những chương trình nghệ thuật mang màu sắc và nội dung của văn hóa truyền thống, thế hệ trẻ sẽ thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hóa của đất nước.

Theo NSND Trung Hiếu, các tác phẩm sân khấu hiện nay chú trọng nhiều đến tính giải trí và phổ cập đối với thiếu nhi hơn những yếu tố văn hóa, giáo dục. Những bài học lồng ghép trong tác phẩm còn gượng ép và chưa thiết thực. Dẫn đến việc tới Nhà hát thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật sân khấu của các bạn thiếu nhi hiện nay chưa phát huy được hết tác dụng và vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng nhân cách, tình yêu nước và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc.

“Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật có lịch biểu diễn cố định hàng tuần (hoặc hàng tháng) dành cho thiếu nhi không nhiều. Cơ hội được tiếp cận với nhiều loại hình sân khấu nghệ thuật của các khán giả nhí Việt chưa được cao và chỉ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể thường chỉ tổ chức và đưa con em đến Nhà hát thưởng thức các sân khấu nghệ thuật vào những dịp dành cho thiếu nhi (Tết thiếu nhi hoặc Trung thu), chính vì vậy, các con cũng ít cơ hội được chủ động lựa chọn sân khấu. Vì vậy, việc đưa công tác giảng dạy và giáo dục Nghệ thuật vào trường học càng sớm sẽ tạo điều kiện và nguồn lực thuận lợi cho sự phát triển của Nghệ thuật đất nước ta”, NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.

 Một cảnh trong vở kịch thiếu nhi "Vị vua không ngai" của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT

Một cảnh trong vở kịch thiếu nhi "Vị vua không ngai" của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHTT

Do vậy, các em nhỏ cần nỗ lực không ngừng xây dựng, bảo tồn, duy trì và phát triển Sân khấu truyền thống với hệ thống các tác phẩm mang đậm bản chất và văn hóa dân tộc. Và những thế hệ khán giả nhí ngày hôm nay cần phải được chăm chút, đầu tư để trở thành những con người biết thưởng thức, yêu thích và đam mê nghệ thuật. Đó là đích đến tốt đẹp mà chúng ta cần phải hướng tới.

Xuyên suốt buổi tọa đàm, các NSND, NSƯT, khách mời tham gia cùng trình bày quan điểm, tham luận để cùng đưa ra phương hướng, biện pháp giúp các em nhỏ, Thiếu niên nhi đồng tìm đến sân khấu nhiều hơn; đồng thời đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề khát kịch bản hay trên sân khấu tại Việt Nam.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-si-gop-tieng-noi-de-phat-trien-san-khau-danh-cho-thieu-nien-nhi-dong-post296208.html