Nghệ sĩ cải lương Võ Hoài Minh: Mơ ước của người nghệ sĩ là có được những vai diễn để đời

Nghệ sĩ Võ Hoài Minh. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Võ Hoài Minh. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ cải lương trẻ Võ Hoài Minh, sinh năm 1990, quê ở tỉnh Tây Ninh nhưng lại chọn Đồng Nai là nơi lập nghiệp. Anh được đánh giá là gương mặt triển vọng trong làng sân khấu cải lương; là người không ngại gian khó, luôn nỗ lực, cố gắng từng ngày và đa năng hóa bản thân để nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật.

Theo nghệ sĩ Võ Hoài Minh, cải lương nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung đang gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh với các nghệ thuật khác, điều đó đòi hỏi cải lương cần làm mới mình để phù hợp với thị hiếu, nhịp sống đương đại của xã hội. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi cải lương.

“Chạy” đủ nghề để nuôi dưỡng đam mê cải lương

Điều gì thôi thúc anh đến với nghệ thuật cải lương?

- Thực sự, cải lương đối với tôi như là mối lương duyên. Vốn dĩ, quê tôi ở Tây Ninh, gia đình không có truyền thống nghệ thuật này nhưng mẹ tôi lại thích hát nhạc trữ tình. Thế nên, hồi nhỏ, tôi nghe nhiều, học theo nên cũng có chút năng khiếu ca hát và tham gia vào các hoạt động văn nghệ của trường học, địa phương.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân QUẾ ANH, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, nghệ sĩ Võ Hoài Minh là gương mặt trẻ triển vọng của đơn vị. Năm 2020, anh đoạt huy chương bạc Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 tại Cà Mau. Đồng thời, anh đoạt Giải diễn viên trẻ xuất sắc trong Liên hoan Tân cổ giao duyên và chặp cải lương Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. Năm 2023, anh đứng thứ 4 trong Chương trình Chuông vàng vọng cổ do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi thi đậu ngành quản trị kinh doanh ở một trường đại học, đồng thời đăng ký thi thêm Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn được làm diễn viên. Thế nhưng, tôi được gợi ý theo Khoa Kịch hát dân tộc, trong đó có dạy về cải lương. Thời điểm mới vào học, tôi là một “trang giấy trắng”, không biết một chút gì về cải lương. Trong lớp tôi học, đa số các bạn đều nắm được nhịp, bài bản, còn tôi phải bắt đầu từ những bài học vỡ lòng. Đến bây giờ nhìn lại, đó là một hành trình dài đằng đẵng đầy gian truân. Tôi cố gắng vượt lên chính mình và được các thầy cô kèm cặp, dạy dỗ nên càng học càng thấy yêu, thấy đam mê nhiều hơn.

Theo anh, cái khó của hát cải lương so với lĩnh vực nghệ thuật khác là gì? Để một nghệ sĩ cải lương được nhiều người biết đến thì cần các tố chất gì?

- Cải lương không chỉ có hát mà còn cần rất nhiều yếu tố, nhất là về nghệ thuật diễn xuất. Diễn cải lương là phải thật tròn vai, chạm tới cảm xúc của khán giả. Đây chính là thử thách bởi nó phải xuất phát từ trong tim, phải cảm, phải hiểu và sống cùng với nhân vật. Làm sao để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật là khó nhất. Ngoài giọng hát, người nghệ sĩ còn phải biết nuôi dưỡng cảm xúc để hóa thân vào vai diễn. Để lại dấu ấn trong mỗi vai diễn là điều mà nghệ sĩ nào cũng muốn hướng tới.

Với các nghệ sĩ trẻ, hình như rất ít người đạt tới “cảnh giới” đó?

- Đa số là như vậy, ngay cả với chính bản thân tôi, dù rất muốn có được những dấu ấn với các vai diễn nhưng mới chỉ dừng lại ở mức tròn vai, chưa để lại ấn tượng sâu sắc. Thế hệ nghệ sĩ lớn, tên tuổi họ “đóng đinh” với vai diễn, vai diễn được viết ra để “đo ni đóng giày” bởi chỉ cần nói đến tuồng này, tuồng kia, nhân vật nọ là khán giả nghĩ đến ngay đến nghệ sĩ nào.

Còn ngày nay thì rất khó. Điều đó đòi hỏi những người trẻ phải nỗ lực nhiều, học hỏi từ các thế hệ đi trước, bù đắp vốn sống của mình để khi lên sân khấu cố gắng có được những vở diễn, vai diễn có sức nặng, lưu lại trong lòng công chúng nét riêng của mình.

Nghệ sĩ cải lương thu nhập sẽ không cao như ca sĩ hát những dòng nhạc trẻ. Giữa bộn bề của cơm áo gạo tiền, anh có cách nào vừa đảm bảo đời sống vừa nuôi giữ được đam mê với sân khấu cải lương?

- Tôi vốn là con người không chịu ngồi yên một chỗ. Để theo đuổi được nghệ thuật truyền thống, trước hết mình phải có cái nghề và sau đó phải nỗ lực hàng ngày. Có thể với người khác, họ chỉ “đóng khung” mình là diễn viên cải lương, rất ngại khi phải đóng vai khác ngoài vở diễn nhưng tôi thì khác. May mắn là tôi có năng khiếu các loại nhạc trữ tình, nhạc cách mạng, làm MC, tổ chức sự kiện… Tôi buộc phải đa năng, tham gia nhiều công việc để có điều kiện dốc sức với nghề diễn.

Mong cải lương được cách tân để “sống” cùng dòng chảy của thời đại

Vì sao anh chọn Đồng Nai làm nơi để đầu quân, theo đuổi và phát triển lĩnh vực nghệ thuật mà mình lựa chọn?

Nghệ sĩ Hoài Minh (bìa phải) trong một vở diễn.

Nghệ sĩ Hoài Minh (bìa phải) trong một vở diễn.

- Lại cũng như là cái duyên, khi đang học tập, hoạt động ca hát ở Thành phố Hồ CHí Minh thì có một người bạn ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) bảo rằng đang tuyển diễn viên. Thế là năm 2017, tôi đầu quân về đây và gắn bó với mảnh đất, con người Đồng Nai đến nay.

Nhà hát là sân khấu chuyên nghiệp để tôi có cơ hội nhiều hơn với nghề. Các cô chú, bạn bè đồng nghiệp đã hỗ trợ tạo điều kiện cho mình phát triển bản thân. Dù nghệ thuật truyền thống đang đứng trước những khó khăn và thử thách nhưng Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã và đang được địa phương quan tâm, tạo điều kiện để nghệ sĩ làm nghề và giữ lửa cho nghệ thuật.

Tôi nghĩ rằng, nếu nhận được những quan tâm, hỗ trợ, người nghệ sĩ sẽ luôn có được động lực trong việc phấn đấu với nghề. Hơn nữa, Đồng Nai giáp với Thành phố Hồ Chí Minh nên tôi có thể đi về giữa hai nơi để học hỏi, biểu diễn. Mình làm nghệ thuật nên ở đâu có khán giả là mình tới đó!

Nghệ thuật cải lương, nghệ thuật truyền thống đang gặp khó khăn, anh có thể cho biết rõ hơn những khó khăn của lĩnh vực này?

- Với tôi, cải lương gặp khó chứ không mai một, cải lương vẫn có nhiều người theo đuổi và có một bộ phận đáng kể công chúng của mình. Vấn đề là hiện nay, xã hội phát triển, có nhiều yếu tố khác để người ta quan tâm, nhiều loại hình nghệ thuật mới, tân thời xuất hiện, vì thế sự cạnh tranh giữa nhau là điều tất yếu.

Trong những năm qua, việc tuyển chọn và đào tạo tài năng cải lương rất khó khăn. Hầu hết những người làm nghề đều nhận thấy đang có sự báo động lớn về việc tìm thế hệ nghệ sĩ cải lương kế cận. Nếu không có giải pháp thì rất đáng lo ngại, về lâu dài cải lương không có lực lượng kế cận nữa.

“Niềm vui, hạnh phúc của một người nghệ sĩ là được khán giả nhớ mặt, quen tên, đó là động lực lớn lao để tôi cố gắng đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng”.

Trong khi đó, công chúng trẻ lại là “nguồn khán giả” về sau, họ có cách nhìn mới, tất yếu nghệ thuật truyền thống cũng cần phải biến chuyển để phù hợp hơn với những chất liệu sống của xã hội.

Có nghĩa là chúng ta cần sự cách tân?

- Không hẳn là vậy, ý tôi muốn nói là dựa trên nền truyền thống, phải làm sao để đưa cải lương gần gũi với công chúng hơn. Nghệ thuật cải lương từng có thời hoàng kim và đến bây giờ thì chững lại. Là bộ môn nghệ thuật dân tộc nhưng bản thân cải lương lại có những phẩm chất đương đại do phản ánh đời sống xã hội.

Vấn đề là hiện nay đang ngày càng ít những kịch bản hay, những vở diễn được dàn dựng nóng bỏng với hơi thở cuộc sống và những người làm được điều đó thì không có nhiều.

Trong điều kiện có thể, chúng ta cần đổi mới khâu xây dựng kịch bản (gần gũi, sát thực tế), dàn dựng, thiết kế sân khấu (sử dụng màn hình led, công nghệ); đồng thời phải đổi mới cả cách diễn, lối diễn của từng nghệ sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng một cách thực tế hơn.

Xin cảm ơn anh!

Đào Lê (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/nghe-si-cai-luong-vo-hoai-minh-mo-uoc-cua-nguoi-nghe-si-la-co-duoc-nhung-vai-dien-de-doi-cdc3ece/