Ngân hàng VPBank (VPB): Mục tiêu lãi năm nay cao gấp đôi, hé lộ 5 chiến lược tăng trưởng

Lãnh đạo Ngân hàng VPBank (mã cổ phiếu VPB) đã chia sẻ 5 chiến lược tăng trưởng trọng tâm thời gian tới và đặt mục tiêu lãi năm nay tăng 114% so với năm ngoái; đồng thời, đưa FE Credit có lãi trở lại, đạt từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng từ năm sau.

Sáng nay ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với việc thông qua toàn bộ các tờ trình với tỷ lệ đồng thuận cao.

Mục tiêu lãi năm nay tăng 114%, hé lộ 5 chiến lược tăng trưởng

Báo cáo với cổ đông tham dự Đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank cho biết giai đoạn 2024 - 2025 sẽ là giai đoạn “bản lề” để Ngân hàng tăng cường năng lực và bứt phá nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2026.

Năm nay, Ngân hàng VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với năm 2023. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ dự kiến đạt 20.709 tỷ đồng, cao gấp 2,14 lần năm ngoái.

Tổng tài sản hợp nhất dự kiến tăng 19%, đạt 974.270 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 25% nhưng sẽ phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước, và tỷ lệ nợ xấu phấn đấu được kiểm soát ở dưới mức 3%.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng VPBank.

“Ngân hàng đang xin cơ quan quản lý chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Việc tăng trưởng cao năm nay sẽ tạo tiền đề tăng trưởng mạnh cho Ngân hàng trong những năm tới”, ông Nguyễn Đức Vinh nói.

Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank cũng nêu rõ 5 định hướng tăng trưởng chiến lược trong năm nay.

Thứ nhất, song song với việc mở rộng quy mô, Ngân hàng VPBank sẽ tập trung hơn vào tăng trưởng chất lượng, đặc biệt là kiểm soát chất lượng tài sản.

Thứ hai, tăng trưởng đồng bộ tất cả phân khúc khách hàng với mục tiêu trọng tâm là phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), phấn đấu đóng góp từ 25 - 30% kết quả kinh doanh của Ngân hàng.

Đồng thời, với sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược nước ngoài SMBC (Nhật Bản) và nguồn lực tài chính được tăng cường mạnh mẽ thời gian qua, Ngân hàng VPBank sẽ đẩy mạnh phát triển mảng khách hàng FDI với mục tiêu nâng gấp đôi lượng khách hàng hiện có, đưa phân khúc FDI trở thành động lực tăng trưởng trong tương lai.

Thứ ba, sẽ đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh với ưu tiên dành cho các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, theo định hướng phát triển bền vững và thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội, sẽ tăng cường hỗ trợ các hoạt động vì cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế trong xã hội.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số và khai thác hiệu quả dữ liệu, tăng cường ứng dụng AI vào hoạt động nhằm cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh. Và thứ năm, hoàn thiện hệ sinh thái với mục tiêu tăng cường liên kết giữa các mảng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng và đối tác.

Trong năm nay, Ngân hàng VPBank sẽ tập trung đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân và SMEs.

Với các chiến lược đã đề ra, ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank tự tin khẳng định các mục tiêu kinh doanh năm nay “hoàn toàn khả thi”.

Đồng thời, thực hiện cam kết với cổ đông trước đó, Ngân hàng VPBank dự kiến chi hơn 7.900 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 - 3/2024. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, ngân hàng này thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.

Ngoài ra, các cổ đông cũng đã bỏ phiếu tán thành việc bổ sung thêm 02 thành viên mới vào Hội đồng Quản trị, là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung. Đây đều là những nhân sự cấp cao, có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trong đó, ông Takeshi Kimoto là đại diện cho cổ đông chiến lược SMBC.

Lợi nhuận FE Credit sẽ đạt 3.000 - 4.000 tỷ đồng từ năm sau

Tại phần Thảo luận, một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất là triển vọng kinh doanh của công ty tài chính tiêu dùng FE Credit.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ, sau hơn 10 năm đóng góp lớn vào ngân hàng, FE Credit bước vào giai đoạn khó khăn kể từ khi đại dịch bùng phát do hơn 60% khách hàng gặp các khó khăn kinh tế. Toàn thị trường có 16 công ty tài chính tiêu dùng thì phần lớn đều suy giảm kết quả kinh doanh, chỉ số rất ít ghi nhận mức lãi mỏng. Do FE Credit có quy mô lớn nhất toàn ngành nên phải chịu mức lỗ lớn hơn.

Ngân hàng VPBank đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện, chủ động giảm tốc độ tăng trưởng nhằm đảm bảo chất lượng tài sản của FE Credit. Đồng thời, đối tác SMBC cũng hỗ trợ Ngân hàng VPBank đánh giá lại mô hình kinh doanh.

Hiện hoạt động kinh doanh của FE Credit đã có những cải thiện tích cực với tỷ lệ nợ xấu đã về dưới 20% và giải ngân đã tăng trưởng trở lại trong hai quý gần nhất, lãnh đạo Ngân hàng VPBank cho biết.

Hiện FE Credit được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh kể từ nửa cuối năm trở đi và sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 1.200 tỷ đồng trong năm nay.

Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank nói: “FE Credit đã có lộ trình khắc phục lỗ và công ty có tiềm năng lớn. Chúng tôi tin tưởng rằng kể từ năm 2025 trở đi, lợi nhuận sẽ quay trở lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng”.

Tập trung xử lý nợ xấu

Với câu hỏi về kế hoạch xử lý nợ xấu trong năm nay, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VPBank thẳng thắn chia sẻ, tình hình nợ xấu dù đã có tín hiệu cải thiện trong quý 1/2024 những vẫn ở mức cao.

Để kiểm soát hiệu quả nợ xấu, Ngân hàng VPBank dự kiến sẽ trích lập khoản 13.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng nhẹ so với năm 2023, và dự kiến thu hồi 3.000 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu.

“Nợ xấu dự kiến sẽ giảm dần trong 6 tháng cuối năm và phục hồi tốt từ năm 2025. Chúng tôi kỳ vọng lúc đó sẽ thu hồi nợ xấu tốt hơn và giảm dự phòng tài chính. Trong trường hợp làm tốt hơn, số tiết kiệm dự phòng sẽ trở thành lợi nhuận trong tương lai của ngân hàng”, Chủ tịch Ngân hàng VPBank nói.

Tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Với câu hỏi về lợi ích từ việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, Chủ tịch Ngân hàng VPBank chia sẻ, không phải ngân hàng nào cũng được Chính phủ tín nhiệm đề xuất tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Việc nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém vốn có khoản lỗ lũy kế lớn đòi hỏi phải có năng lực tài chính, quản trị tốt và sự chuẩn bị kỹ càng.

Đối với trường hợp của Ngân hàng VPBank, đặc biệt là đã có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài SMBC, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém không mang lại lợi ích tài chính.

Nhưng đổi lại Ngân hàng VPBank sẽ có không gian lớn hơn để phát triển như tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung toàn ngành, được nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 30%. Đây là những điều kiện cần và đủ để thúc đẩy Ngân hàng phát triển trong dài hạn.

“Hơn nữa, nếu chúng ta có năng lực làm thì tại sao không làm để đóng góp với hệ thống, giúp hệ thống ngân hàng tốt hơn”, ông Ngô Chí Dũng nói.

Duy Quang - Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/ngan-hang-vpbank-vpb-muc-tieu-lai-nam-nay-cao-gap-doi-he-lo-5-chien-luoc-tang-truong-120324.htm