Nga và Ukraine ồ ạt tấn công tầm xa nhằm phá thế bế tắc trên chiến trường

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh không bên nào đạt được những lợi ích đáng kể và các hoạt động tấn công đã mở rộng ra bên ngoài chiến tuyến.

Trong tuần qua, Nga đã ồ ạt tập kích thủ đô Kiev và các thành phố khác nằm cách xa mặt trận, với mục tiêu chủ yếu nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng, cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất vũ khí, nhằm làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội Ukraine. Kiev đã đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào thành phố Belgorod của Nga, đồng thời tăng cường áp dụng chiến thuật đánh du kích, nhằm phá hủy đoàn tàu của Nga, sử dụng máy bay không người lái trên biển để tấn công hải quân Nga ở Biển Đen và phá hủy cơ sở hạ tầng ở Bán đảo Crimea.

Ảnh minh họa: Reuters

Theo giới phân tích, Ukraine dường như đang cố gắng chứng tỏ họ vẫn có thể đạt được những bước tiến ngay cả khi phải nỗ lực rất nhiều để giành lại các khu vực do Nga kiểm soát ở Donbass.

Tình trạng bế tắc gia tăng

Stacie Goddard, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wellesley nhận định: “Các cuộc tấn công này chính là sự thừa nhận về tình trạng bế tắc. Đây là tất cả những gì các bên có thể làm”.

Giai đoạn mới phản ánh sự thất vọng mà cả 2 bên đã trải qua. Nga vẫn chưa đạt toàn bộ các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt và đang chật vật mở rộng các vùng lãnh thổ mà nước này chiếm giữ. Moscow hiện đang kiểm soát 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine.

Ukraine cũng đang đối mặt thách thức lớn sau những thất bại trong cuộc phản công mà nước này phát động vào tháng 6/2023. Kiev gần như không thể chọc thủng phòng tuyến của Nga ở phía Đông và phía Đông Nam. Các chỉ huy quân sự của nước này cũng nhận ra rằng, việc đánh bại các lực lượng Nga vốn đang cố thủ trong các chiến hào và boong ke kiên cố là điều vô cùng khó khăn.

Sau gần 2 năm xung đột, cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất to lớn về nhân lực và vật lực. Đối với Nga, để thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn khác, Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ phải đưa ra kế hoạch mới, trong đó có việc tuyển mộ thêm binh sỹ, nhưng điều này có thể làm suy yếu sự ủng hộ của người dân Nga đối với chiến dịch quân sự đặc biệt.

Quân đội Ukraine cũng rơi vào tình trạng kiệt sức, với nguồn cung cấp đạn dược và vũ khí đang suy giảm. Các tiểu đoàn Ukraine cho biết đã giảm tới 90% lượng đạn pháo bắn ra so với mùa hè năm 2023. Thượng nghị sĩ Mỹ Eric Schmitt cho rằng: “Đây có lẽ là thời điểm ảm đạm nhất đối với quân đội Ukraine”. Theo giới chức Kiev, chỉ có sự hỗ trợ nhiều hơn của phương Tây mới có thể giúp xoay chuyển tình thế, song không rõ các gói viện trợ bổ sung có được thông qua hay không.

Tại châu Âu, sự phản đối mạnh mẽ của các đảng phái cực hữu đối với việc viện trợ cho Ukraine đã thu hút sự chú ý của dư luận. Chính phủ cực hữu Hungary thời gian gần đây đã ngăn cản EU viện trợ thêm cho Ukraine. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang xem xét có nên cung cấp sự hỗ trợ qua các kênh khác hay không. Tại Mỹ, các thành viên của đảng Cộng hòa tại Quốc hội không nhất trí thông qua gói viện trợ bổ sung Ukraine cho đến khi phe Dân chủ đồng ý thay đổi chính sách nhập cư.

Điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tới?

Một câu hỏi lớn trong thời gian tới là liệu cả Nga và Ukraine có tiến gần hơn đến một thỏa thuận hòa bình hay không. Tổng thống Putin đang đặt cược vào một cuộc xung đột kéo dài nhiều năm và “vượt xa khả năng hỗ trợ của phương Tây”. Ngoài ra, Nga được cho là đang tìm cách gia tăng đòn bẩy trước các cuộc đàm phán. Để đạt mục tiêu đó, Moscow dường như tập trung vào việc giữ vững lợi ích của họ và tiếp tục tấn công các thành phố lớn của Ukraine. Theo giới phân tích, Nga khó có khả năng thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn trong năm nay, nhưng họ có thể đạt được những tiến bộ nhỏ ở các khu vực miền Đông mà Ukraine kiểm soát.

Đối với Ukraine, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào khả năng của nước này trong việc tăng cường lĩnh vực quốc phòng, đẩy mạnh sản xuất vũ khí, với sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu. Trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái trong mùa Đông, Ukraine đã hối thúc các đối tác phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí phòng không cho nước này.

Một quan chức NATO cho biết, các đại sứ của NATO và Ukraine dự kiến sẽ hội đàm tại Brussels vào ngày 10/1 để thảo luận về vấn đề này. Người phát ngôn của NATO, ông Dylan White cho biết: “Các thành viên trong khối đã chuyển giao một loạt hệ thống phòng không cho Ukraine và cam kết tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của Kiev”.

Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi NATO cho biết có kế hoạch mua tới 1.000 tên lửa Patriot để các nước thành viên có thể bảo vệ lãnh thổ của mình tốt hơn.

Các quan chức Mỹ đã khuyên Ukraine nên tái thiết trong năm nay và không tiến hành một cuộc phản công mới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Ukraine tin rằng họ cần thể hiện sự tiến bộ trên chiến trường để củng cố sự hỗ trợ của phương Tây. Ít nhất, Ukraine có khả năng tiếp tục chiến thuật du kích, tấn công cơ sở hạ tầng sâu trong lãnh thổ Nga và tấn công hải quân Nga.

Rất khó để dự đoán những diễn biến tiếp theo trong thời gian tới. Cả Nga và Ukraine vẫn có khá năng đạt được bước đột phá đáng kể. Nhưng theo Washington Post, giai đoạn sắp tới trong cuộc xung đột có lẽ vẫn sẽ rơi vào tình trạng bế tắc.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-va-ukraine-o-at-tan-cong-tam-xa-nham-pha-the-be-tac-tren-chien-truong-post1070017.vov