Mỹ và Australia trình làng vũ khí phòng thủ Thái Bình Dương trong tương lai

Ghost Shark và Manta Ray sẽ bảo vệ 'vương quốc' dưới đáy biển. Nghe giống như cốt truyện của một bộ phim giả tưởng Marvel, nhưng trên thực tế, đó có thể là tương lai của lực lượng phòng thủ hải quân Thái Bình Dương.

Một chiếc Manta Ray di chuyển sát mặt nước khi tham gia lặn thử nghiệm ngoài khơi bờ biển Nam California, Mỹ. Ảnh: CNN

Một chiếc Manta Ray di chuyển sát mặt nước khi tham gia lặn thử nghiệm ngoài khơi bờ biển Nam California, Mỹ. Ảnh: CNN

Ghost Shark và Manta Ray là tên của các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) nguyên mẫu - lần lượt được Australia và Mỹ giới thiệu gần đây. Các chuyên gia cho rằng chúng có thể đại diện cho tương lai của chiến tranh dưới đáy biển, vừa phát huy được sức mạnh vừa giảm thiểu nguy hiểm đến tính mạng con người.

Việc sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong chiến tranh trên không đã trở nên phổ biến. Mỹ đã sử dụng chúng rộng rãi trong các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan từ những năm 1990, và các thiết bị bay không người lái mới hơn, rẻ hơn đã trở thành trang bị quân sự quan trọng cho cả hai bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Kiev cũng tự chế tạo phương tiện không người lái mặt nước cho hải quân, loại drone này đã gây tổn thất nặng nề cho các tàu lớn và đắt tiền hơn nhiều của Hạm đội Biển Đen Nga.

Các thiết bị không người lái trên không và trên biển có thể điều khiển bằng vệ tinh, laser và sóng vô tuyến. Nhưng những phương tiện đó sẽ không hoạt động theo cách tương tự nếu ở sâu trong lòng biển. Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí Sensors của Thụy Sĩ chỉ ra rằng liên lạc dưới nước đòi hỏi nhiều năng lượng hơn nhưng vẫn bị mất dữ liệu đáng kể tùy thuộc vào nhiệt độ nước, độ mặn và độ sâu.

"CÁ MẬP MA" GHOST SHARK

Các nhà sản xuất UUV quân sự thế hệ mới không cho biết họ sẽ khắc phục các vấn đề liên lạc như thế nào. Nhưng khi Australia công bố chiếc Ghost Shark vào tháng trước, nước này đã gọi các nguyên mẫu là “phương tiện tự lái dưới biển tiên tiến nhất trên thế giới”.

Nguyên mẫu Ghost Shark đầu tiên, có tên "Alpha", được đồng phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, Hải quân và Công ty Anduril Australia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia

Nguyên mẫu Ghost Shark đầu tiên, có tên "Alpha", được đồng phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, Hải quân và Công ty Anduril Australia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Australia cho biết: “Ghost Shark sẽ cung cấp cho Hải quân khả năng tác chiến dưới biển tự động, tàng hình, tầm xa, có thể tiến hành hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) và tấn công”. Sản phẩm sẽ được bàn giao vào cuối năm sau.

Các quan chức Australia và nhà sản xuất Anduril Australia cho biết họ không thể chia sẻ bất kỳ thông số kỹ thuật nào của Ghost Shark vì chúng vẫn được giữ bí mật. Nhưng họ ca ngợi tốc độ mà chiếc UUV này đạt được dù chương trình chỉ mới bắt đầu cách đây hai năm.

Bà Tanya Monro, trưởng bộ phận khoa học quốc phòng của Bộ Quốc phòng Australia, cho biết trong một tuyên bố: “Việc cung cấp nguyên mẫu Ghost Shark đầu tiên trước thời hạn đặt ra một tiêu chuẩn mới để phát triển năng lực với tốc độ cần thiết”.

Bà Emma Salisbury, một thành viên tại Hội đồng Địa chiến lược của Anh, cho biết Ghost Shark có vẻ giống với UUV cực lớn Orca đang được phát triển ở Mỹ. Hải quân Mỹ gọi chiếc UUV Orca do Boeing chế tạo là “tàu ngầm diesel-điện không người lái, tự động, tiên tiến với phần tải trọng mô-đun để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau”.

CÁ ĐUỐI - MANTA RAY

Trong khi đó, ở bên kia Thái Bình Dương, Orca không phải là UUV duy nhất được phát triển ở Mỹ.

Chiếc UUV mới nhất của Mỹ là Manta Ray do Northrop Grumman sản xuất và một nguyên mẫu đã được thử nghiệm ở Nam California vào tháng 2 và tháng 3 năm nay.

Giám đốc chương trình của DAPRA, Kyle Woerner (phải) nói chuyện với một thành viên nhóm phát triển của Northrop Grumman khi đứng trên chiếc Manta Ray. Ảnh: DAPRA

Giám đốc chương trình của DAPRA, Kyle Woerner (phải) nói chuyện với một thành viên nhóm phát triển của Northrop Grumman khi đứng trên chiếc Manta Ray. Ảnh: DAPRA

Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA), thuộc Lầu Năm Góc, cho biết sức mạnh của Manta Ray nằm ở tính mô-đun, khả năng chuyển đổi trọng tải tùy theo nhiệm vụ.

Theo Northrop Grumman, nó có thể được chia nhỏ từng mô-đun và nhét vào năm container vận chuyển tiêu chuẩn, di chuyển đến nơi nó sẽ được triển khai và lắp ráp lại tại hiện trường.

Kyle Woerner, người đứng đầu chương trình Manta Ray tại DARPA, cho biết: “Sự kết hợp giữa vận chuyển mô-đun xuyên quốc gia, lắp ráp tại hiện trường và triển khai sau đó chứng tỏ khả năng chưa từng có đối với một UUV cực lớn”.

Ông Woerner cũng lưu ý rằng phương pháp vận chuyển mô-đun có nghĩa là Manta Ray có thể tiết kiệm năng lượng bên trong cho nhiệm vụ của mình, thay vì sử dụng nó để đến địa điểm triển khai.

Trong khi đó, Trung Quốc, được quân đội Mỹ coi là “mối đe dọa” ở Thái Bình Dương, cũng đang đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực UUV.

Bà Salisbury cho biết: “Mặc dù thông tin chi tiết còn khan hiếm, giống như hầu hết các năng lực khác của Trung Quốc, nhưng họ đã phát triển chúng trong ít nhất 15 năm và có thể hiện nay đã có thứ gì đó tương tự như Orca (nhưng mang theo ngư lôi) đang trong giai đoạn thử nghiệm”.

Chuyên gia về tàu ngầm Sutton cho biết trên trang web Covert Shores của ông rằng, theo một phân tích của tình báo nguồn mở, Bắc Kinh được cho là có ít nhất 6 UUV cực lớn đang được phát triển.

Theo ông Sutton, ngoài Australia, Mỹ và Trung Quốc, các quốc gia khác đang nghiên cứu UUV bao gồm Canada, Pháp, Ấn Độ, Iran, Israel, Triều Tiên, Na Uy, Nga, Hàn Quốc, Ukraine và Anh.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/my-va-australia-trinh-lang-vu-khi-phong-thu-thai-binh-duong-trong-tuong-lai-20240515160832723.htm