Mức chênh lệch lương hưu khi nghỉ hưu trước và sau cải cách tiền lương

Việc cải cách tiền lương sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024?

Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ, khi cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, nhà nước xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Mức hưởng lương hưu lâu nay được tính theo hệ số và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, việc bỏ lương cơ sở, sử dụng cách tính lương mới sẽ tác động đến lương hưu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điểm dễ thấy nhất, mức lương hưu tối thiểu sẽ thay đổi hẳn khi không còn lương cơ sở. Bởi, theo khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu thấp nhất của người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ bằng mức lương cơ sở.

Cùng với quá trình cải cách tiền lương khu vực công, Việt Nam cũng thực hiện sửa Luật Bảo hiểm xã hội, để có những điều chỉnh tương ứng, phù hợp. Tuy nhiên, sớm nhất thì giữa năm nay, dự luật mới được thông qua và dự kiến đến 1/7/2025 mới có hiệu lực. Trong khi đó, thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đã được ấn định từ 1/7 năm nay.

Trước đó, báo cáo các đại biểu Quốc hội chuyên trách về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội đã phân tích rõ tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến quy định trong dự thảo luật này.

Theo đó, từ ngày 1/7, do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu; không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội và một số chế độ quy định ở các luật khác.

Thêm nữa, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, dẫn đến tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng lên đáng kể. Điều này sẽ làm tăng phần chi ngân sách Nhà nước đóng cho những đối tượng này.

Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra, việc cải cách tiền lương sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7 tới, nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Theo đó, nếu nghỉ hưu sau thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương (1/7/2024) từ 4 - 6 năm, lương hưu của người nghỉ hưu sau khi thực hiện chính sách tiền lương đã tăng 40 - 50% so với những người nghỉ hưu trước khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Sẽ có sự chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau cải cách tiền lương

Sẽ có sự chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau cải cách tiền lương

Cách tính lương hưu từ 1/7/2024 khi bỏ lương cơ sở?

Theo quy định hiện nay tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cách tính lương hưu năm 2024 được tính dựa trên tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, cách tính lương hưu được thể hiện dưới công thức như sau:

Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hang tháng X Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, theo công thức trên thì lương cơ sở không phải là đối tượng điều chỉnh trực tiếp trong cách tính lương hưu hàng tháng, do đó, dự kiến, khi bỏ lương cơ sở từ 1/7/2024, cách tính lương hưu nêu trên có thể sẽ không thay đổi cho đến khi có quy định mới.

Đối với người được điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/7/2024 thì công thức tính lương hưu hàng tháng có thể được tính như sau:

Mức lương hưu hàng tháng sau điều chỉnh = Mức lương hưu trước điều chỉnh + (Tỷ lệ điều chỉnh x Mức lương hưu trước điều chỉnh).

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muc-chenh-lech-luong-huu-khi-nghi-huu-truoc-va-sau-cai-cach-tien-luong-320856.html