Một năm mất 350 triệu USD vì website lậu

Với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực về tỉ lệ vi phạm bản quyền.

Với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực về tỉ lệ vi phạm bản quyền. Trong đó, vi phạm trên các nền tảng số hiện là hình thức vi phạm chủ yếu.

Chỉ vài tiếng sau khi bộ phim lên sóng chính thức, trên các website phim lậu đã lập tức đăng tải toàn bộ nội dung phim. Ảnh chụp màn hình

Chỉ vài tiếng sau khi bộ phim lên sóng chính thức, trên các website phim lậu đã lập tức đăng tải toàn bộ nội dung phim. Ảnh chụp màn hình

Chấp nhận để được xem miễn phí

20h, tập mới nhất của bộ phim truyền hình Hàn Quốc mà Phạm Thanh Nga (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) yêu thích được công chiếu trên Netflix. Nga đếm từng phút, chờ đến 23h để được xem bản đầy đủ có phụ đề trên website phim lậu. Nga cho biết, để tiết kiệm hơn 200.000 đồng mua tài khoản xem phim trên kênh phân phối chính thức, cô đã chấp nhận xem phim lậu.

Khoảng 20 phút sau khi những kênh phân phối chính phức phát sóng tập phim, những website lậu lập tức phát sóng lại. Tuy nhiên, những video này chưa có phụ đề. Đến khoảng 2-4 tiếng sau, bản đầy đủ của phim đã có mặt trên trang phim lậu.

Xem trên trang phim lậu, Nga phải chấp nhận việc màn hình xuất hiện nhiều quảng cáo phản cảm. Phụ đề của phim cũng nhiều “sạn”, chất lượng hình ảnh cũng chẳng thể được như mong muốn.

Đây cũng là tình cảnh mà Nguyễn Văn Hiếu (32 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải trải qua khi xem những trận cầu trên trang bóng đá lậu. Tình trạng “chết trang”, ấn nhầm vào quảng cáo cá độ bóng đá... diễn ra thường xuyên.

Tràn lan quảng cáo cá độ trên các website bóng đá lậu. Ảnh: Khánh An

Tràn lan quảng cáo cá độ trên các website bóng đá lậu. Ảnh: Khánh An

Việt Nam đứng thứ 3 khu vực về tỉ lệ vi phạm bản quyền

Luật sư Phạm Thanh Thủy - Phụ trách chống vi phạm bản quyền của Truyền hình số K+ cho biết, vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan trên internet.

Dẫn nguồn từ Media Partners Asia, bà Thủy cho hay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỉ lệ vi phạm bản quyền - với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu. Thế nhưng, nếu tính tỉ lệ trên đầu người thì Việt Nam lại đứng thứ nhất khu vực về vi phạm bản quyền.

“Trong tổng số 15,5 triệu thuê bao xem lậu, chỉ cần có 10% chuyển đổi thành thuê bao hợp pháp thì các đơn vị sẽ có thêm chi phí để tái đầu tư sản xuất hoặc mua bản quyền những nội dung giá trị tốt hơn. Qua đó, góp phần phát triển ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số tại Việt Nam. Sẽ có rất nhiều dịch vụ phát triển theo nếu như chúng ta bảo vệ bản quyền tốt” - bà Thủy nhận định.

Bà Thủy cho biết, có 4 khu vực xảy ra vi phạm bản quyền số nhiều nhất, là trên các website lậu, trên các ứng dụng, mạng xã hội và tivi box (một thiết bị dùng để xem truyền hình qua màn hình máy tính).

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia - các mê cung vi phạm bản quyền tồn tại dưới nhiều hình thức như vi phạm bằng cách sao chép thẻ đầu thu; vi phạm trên đầu thu, trên đường truyền tại một nhà mạng; vi phạm bằng phát lại trực tuyến (re-streaming)...

“80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số, các nội dung vi phạm nhiều nhất là liên quan đến chương trình truyền hình, phim, nhạc, sách” - ông Hân nói, cho biết thêm, năm 2022, thiệt hại liên quan đến vi phạm bản quyền tại Việt Nam là khoảng 350 triệu USD.

Ba ngành phim, âm nhạc, truyền hình toàn cầu năm 2022 thiệt hại 65 tỉ USD vì những hành vi vi phạm bản quyền.

Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) - cho biết, phương thức phổ biến đang được áp dụng là chặn truy cập từ người dùng đến website lậu. Cách làm này khiến lượt truy cập của các website phát bóng đá lậu giảm 98% trong mùa giải vừa qua.

Khảo sát cho thấy, 23% người dùng internet Việt Nam trả lời sẽ không truy cập web lậu hoặc ít truy cập do tác động của việc chặn truy cập. Thế nhưng, biện pháp chặn truy cập vẫn tồn tại một số bất cập do các nhà cung cấp dịch vụ internet chưa thống nhất giữa các biện pháp chặn, thời gian chặn - có nơi chặn ngay lập tức, nhưng có nơi chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn. Thêm vào đó, các nhà cung cấp dịch vụ internet chưa linh hoạt để đối phó khi các đối tượng liên tục đổi tên miền mới.

Lao Động

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-nam-mat-350-trieu-usd-vi-website-lau-275507.html