Một mùa mưa bão bất thường

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), có khả năng năm 2024 sẽ phá kỷ lục nhiệt độ của năm 2023, gây hạn hán trên diện rộng. Tuy nhiên, trong một hình thái thời tiết trái ngược, nửa đầu tháng 5, những trận mưa dữ dội đã trút xuống nhiều nơi trên Trái đất.

Người dân ở Canoas (bang Rio Grande do Sul, Brazil) trong những ngày mưa bão bất thường nửa đầu tháng 5/2024. Nguồn: REUTERS.

Người dân ở Canoas (bang Rio Grande do Sul, Brazil) trong những ngày mưa bão bất thường nửa đầu tháng 5/2024. Nguồn: REUTERS.

Vào ngày 9/5, người dân Moscow (Nga) đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy những cây bồ công anh bỗng dưng bị phủ đầy tuyết. Ông Roman Vilfand - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nga cho biết đây là hiện tượng cực kỳ hiếm hoi, kể từ năm 1972, khi mà nhiệt độ lạnh giá đến mức nền nhiệt xuống mức 1,7 độ C trong khi đáng lẽ phải ở mức trung bình là 10,8 độ C.

Vậy, điều gì đang xảy ra?

Chuyên gia khí tượng học Tatyana Pozdnykova (Hãng tin tức thời tiết Meteonovosti) cho rằng, đó là sự bất ổn của thời tiết, báo hiệu những trận mưa dữ dội có thể đến rất sớm.

Cùng thời điểm, tại Afghanistan, những cơn mưa lớn kéo dài gây lũ lụt đã khiến 300 người thiệt mạng, hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Zabihullah Mujahid - người phát ngôn của chính quyền Kabul cho biết, các tỉnh Badakhshan, Baghlan, Ghor và Herat là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Quân đội đã phải điều động trực thăng thả lương thực thực phẩm, thuốc men xuống những vùng bị nước lũ cô lập.

Richard Bennett - báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc ở Afghanistan mô tả, cuộc khủng hoảng khí hậu ở đất nước này đưa tới những hậu quả rất nghiêm trọng. Nhiều nơi, nhân viên cứu trợ phải lê trong bùn. Còn người dân thì bất lực.

Đây cũng là đợt mưa được coi là bất thường ở thời điểm nửa đầu tháng 5 tại Afghanistan.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng với Afghanistan là Pakistan, mưa lũ cũng đã cướp đi mạng sống của ít nhất 144 người. Trung tâm Thời tiết quốc gia cho biết, hiện tượng thời tiết dị thường này chỉ được ghi nhận 1 lần trước đó, vào năm 1961.

Tại Indonesia, một quốc gia châu Á khác, trận lũ quét cũng khiến 34 người thiệt mạng, 16 người mất tích. Cơ quan cứu hộ West Sumatra cho biết, các nạn nhân đều ở huyện Agam và Tanah Datar. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn kéo dài nhiều giờ, gây ra lũ quét và dung nham lạnh chảy tràn ra từ núi lửa Marapi. Thảm họa này là bất thường vì mưa lớn thường xảy ra trong tháng 3, nhưng bây giờ nó lại đến vào tháng 5 - theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB).

Đáng chú ý, cùng với mưa lũ bất ngờ, thì các quốc gia kể trên cũng đang phải chống cự với nắng nóng khốc liệt, khi mà nhiệt độ trong ngày (kể từ đầu tháng 5 đến ngày 15/5) dao động ở mức 40-43 độ C.

Bên kia bán cầu, một số quốc gia châu Mỹ cũng bị mưa lớn tấn công. Nặng nhất là Brazil. Theo Cơ quan Phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, mưa lũ đã khiến 136 người tử vong, trong khi 125 người khác mất tích mà đợt tìm kiếm kéo dài từ ngày 11-15/5 vẫn không kết quả.

Ngày 16/5, đại diện chính quyền bang Rio Grande do Sul cho biết, đợt mưa lũ đã buộc 537.000 người phải di dời. 446 trung tâm đô thị lớn nhỏ bị nước lũ vây hãm, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2,1 triệu người trong số 10,9 triệu người của bang.

Theo Cơ quan Phòng vệ dân sự quốc gia Brazil, trong đợt mưa lũ kéo dài 1 tuần, nước sông Guaiba chảy qua thành phố Porto Alegre cao tới 5,04m; vượt mức kỷ lục 4,76m được thiết lập sau các trận lụt nghiêm trọng năm 1941. Kể từ ngày 13/5, phía bắc bang Rio Grande do Sul lại có mưa lớn lên tới 100mm.

Ông Guilhermer, cư dân thành phố Porto Alegre cho biết, hơn 50 năm người dân ở đây chưa từng chứng kiến trận mưa nào “lê thê” đến thế. “Chúng tôi bị giữ chân trong nhà, còn bên ngoài thì bầu trời trắng vì nước. Ban đêm, nghe rõ tiếng gầm gào của con sông cách đó cả cây số. Người ta nói đó là do biến đổi khí hậu. Cuộc sống yên lành của chúng tôi đã bị phá vỡ” - ông Guilhermer nói.

Tại Trung Quốc, ngày 12/5 hàng năm là Ngày Giảm thiểu và ngăn ngừa thảm họa quốc gia. Theo Giám đốc Trung tâm Thời tiết quốc gia Chao Qingchen, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã làm gia tăng tần suất các thảm họa cực đoan liên quan đến khí tượng. Để ứng phó, Trung Quốc đã phát triển các công nghệ giám sát và đánh giá rủi ro theo thời gian đối với những thiên tai như bão, mưa lớn, hạn hán, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Thời gian tới, nước này sẽ tiếp tục nâng cao năng lực truy vết và phân tích các hiện tượng thời tiết cực đoan, nghiên cứu sâu hơn về cơ chế gây thiên tai và củng cố năng lực ngăn chặn rủi ro thiên tai. “Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực phát triển các dịch vụ khí tượng cho nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, vận tải, cung cấp năng lượng, y tế và du lịch” - TS Chao cho biết.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mot-mua-mua-bao-bat-thuong-10280228.html