Mất hàng ngàn tỷ đồng vì lừa đảo trên không gian mạng

Năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Hoạt động lừa đảo xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05).

Tại Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng sáng 13/5, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.

Theo A05, dù liên tục được cảnh báo, nhiều người vẫn bị mắc lừa. Tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Trong năm qua, Bộ Công an đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, lừa đảo trên không gian mạng gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi, triệt để lợi dụng công nghệ mới nhất là trí tuệ nhân tạo, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.

 Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ tại Hội thảo.

Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ tại Hội thảo.

Riêng năm 2023, thế giới thiệt hại 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05 % GDP toàn cầu. Liên Hợp Quốc và một số tổ chức cộng đồng quốc tế và khu vực đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế, thúc đẩy phối hợp giữa các quốc gia, thiết lập các quy tắc chung nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ. Hơn 160 nước liên tiếp ban hành các chính sách mới, nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu, phòng chống đánh cắp, mã hóa dữ liệu để lừa đảo, đòi tiền chuộc.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua công tác đấu tranh tội phạm cho thấy, hoạt động của đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức phân công vai trò cụ thể, các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại nước láng giềng, lừa đảo ép buộc lôi kéo dụ dỗ người Việt Nam ra nước ngoài để phạm tội.

Thứ trưởng Lương Tam Quang cũng cho biết, công tác phòng chống lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều khó khăn, như: Hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp các vấn đề mới phát sinh; chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng Internet dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em, trong khi 1/3 người dùng internet tại Việt Nam là chưa thành niên, phần lớn không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn.

Ngoài ra, quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo, mất nhiều thời gian, hiệu quả kém.

Việc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng 3G, 4G. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong vấn đề an ninh mạng bị thiếu hụt, vấn đề sim rác, mua bán tài khoản ngân hàng, tuy đã tập trung xử lý xong vẫn còn tràn lan, khiến hoạt động điều tra gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, những khó khăn vướng mắc trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, cần đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất xác định giải pháp tháo gỡ triệt để trong thời gian tới.

 Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia giới thiệu về phần mềm phòng, chống lừa đảo dành cho người dân, cài trên điện thoại thông minh.

Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia giới thiệu về phần mềm phòng, chống lừa đảo dành cho người dân, cài trên điện thoại thông minh.

Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, cho biết, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm vào các nhóm đối tượng như người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.

Các nhóm lừa đảo này đều qua một hình thức kỹ thuật phổ biến, đó là lừa người dùng cài đặt, truy cập, cung cấp thông tin vào các địa chỉ, phần mềm độc hại. Đặc biệt gần đây xuất hiện mô hình cung cấp “Dịch vụ lừa đảo tống tiền”, là một “mô hình kinh doanh” trả tiền để thuê tội phạm mạng thực hiện tấn công tống tiền.

Ông Thái cho rằng, cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp và người dân cần phải cùng phối hợp, chung tay triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như định danh/xác thực người dùng và dịch vụ, cung cấp các dịch vụ viễn thông theo định danh và phát triển công cụ bảo vệ chủ động. Sử dụng năng lực viễn thông, công nghệ số để tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về các hình thức lừa đảo, sử dụng không gian mạng an toàn.

Ông Thái đề xuất Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia định hướng các chính sách để thúc đẩy việc triển khai các giải pháp an ninh an toàn không gian mạng trên toàn quốc.

Tại Hội thảo, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia giới thiệu về phần mềm phòng, chống lừa đảo dành cho người dân, cài trên điện thoại thông minh smartphone. Đây là sản phẩm được phát triển dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng về nguy cơ với người sử dụng tại Việt Nam, hỗ trợ các hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS. Dự kiến phần mềm sẽ ra mắt vào tháng 7/2024.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mat-hang-ngan-ty-dong-vi-lua-dao-tren-khong-gian-mang-post1636730.tpo