Martín Rama, thân thương lắm 'Vì tình yêu Hà Nội'

Thông qua cuốn sách 'Vì tình yêu Hà Nội', tác giả Martín Rama muốn chia sẻ nhiều góc nhìn mà trong đó, bảo tồn di sản cần phải được sự kết hợp hoàn toàn với phát triển kinh tế, để từ đó, giúp thành phố phát triển thịnh vượng, đồng thời vẫn giữ được bản sắc độc đáo của riêng mình. Và Hà Nội chính là nàng thơ cho ý tưởng này của ông.

Martín Rama là công dân Uruguay, từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), phụ trách các khu vực Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe từ năm 2013 đến 2021 và hiện làm cố vấn cho Chủ tịch của WB.

Trong giai đoạn 2002 - 2010, Martín Rama làm việc tại Hà Nội - nơi ông phụ trách chương trình kinh tế của WB tại Việt Nam. Từ năm 2017 đến 2020, ông đảm nhận cương vị Giám đốc dự án danh dự tại Trung tâm Phát triển bền vững đô thị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông còn là tác giả cuốn “Những quyết sách khó khăn” xuất bản năm 2008, đề tài về thời kỳ Đổi mới, dựa trên các cuộc trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong vòng một năm.

Năm 2014, ông được nhiều người Việt Nam biết tới với cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi” và đã được tặng “Giải thưởng Bùi Xuân Phái: Vì tình yêu Hà Nội”. Giờ đây, sau gần một thập niên nữa trôi qua, Martín Rama tiếp tục cho ra mắt cuốn sách thứ 2 viết về Hà Nội.“Vì tình yêu Hà Nội”của Martín Rama là cuốn sách thứ 9 góp mặt vào tủ sách “Hà Nội Phố và Người” của Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) với sự liên kết ấn hành của NXB Hà Nội.

Với tựa đề được lấy từ tên Giải thưởng Bùi Xuân Phái, cuốn sách “Vì tình yêu Hà Nội” (For the love of Hanoi) là một tập hợp các bài viết của Martín Rama từ năm 2016 đến 2022, với nội dung đề cập tới các sự kiện quan trọng trong việc bảo tồn di sản và phát triển đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội - nơi Martín Rama dành tình yêu đặc biệt của mình với cách gọi trìu mến Hà Nội là “Nàng”, gọi các ngôi nhà cổ, cũ là “Cô ấy” hay gọi nhà thờ là “Bà”… Trong ấn phẩm này còn có một số bài phỏng vấn Martín Rama hoặc viết về ông. “Vì tình yêu Hà Nội” gồm 5 chương: Hà Nội thật đặc biệt; Di sản là gì?; Các chiến dịch bảo tồn; Thiên sử ca Bùi Chu và Một dự án cho Hà Nội.

Cuốn sách “Vì tình yêu Hà Nội”cho thấy một hành trình nỗ lực của tác giả trong việc góp phần bảo vệ và phát triển những đặc điểm đáng quý của Hà Nội. Đó không chỉ là cảm xúc say mê trìu mến mà còn là tầm nhìn sáng suốt để giúp “Nàng” ngày càng được tỏa sáng trong khi vẫn giữ được những nét độc đáo làm nên cá tính của “Nàng”.

Là người được đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới, Martín Rama chia sẻ: “Hầu hết các thành phố đều nhạt nhẽo. Chúng có thể là nơi thuận tiện để sống và làm việc, nhưng không có gì khiến chúng trở nên đáng nhớ hay gắn bó. Một vài thành phố gần như tương tự nhau… Đây là một vấn đề rất điển hình của các quốc gia đang phát triển nhanh chóng, như các quốc gia ở Đông Nam Á. Với các nước trong cùng khu vực, từ thành phố này đến thành phố khác, người ta thấy những đường cao tốc choáng ngợp giống nhau, những tòa nhà buồn tẻ giống nhau, những biển quảng cáo thiếu tính thẩm mỹ giống nhau…”.

Vậy nhưng, theo Martín Rama: “Hà Nội là một ngoại lệ. Nàng có cá tính mạnh mẽ, điều mà du khách có thể ngay lập tức nhận ra và hầu hết những người dân ở đây đều ưa thích. ''Nàng'' có sự đặc sắc trong kiến trúc, với sự giao thoa gần như độc đáo giữa các phong cách: Truyền thống, Pháp và Xô viết. Những hồ nước và những con đường rợp bóng cây của ''Nàng'' thật quyến rũ. Cùng với cách mà những cư dân ở đây giao lưu, ăn uống và buôn bán chủ yếu trên các vỉa hè đông đúc đã khiến ''Nàng'' trở nên sinh động lạ thường. ''Nàng'' có thể bừa bộn, ồn ào và nóng nực một cách khó chịu - hẳn nhiên là thế! Nhưng cũng không nghi ngờ: ''Nàng'' thật đặc biệt”.

Trong phần luận bàn về vấn đề di sản và bảo tồn di sản song hành với việc phát triển kinh tế, đô thị ở Việt Nam nói chung và một số thành phố nói riêng, TS. Martín Ramachia sẻ: “Di sản có thể có giá trị kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp. Sức sống của một thành phố phụ thuộc rất nhiều vào nhân tài mà nó thu hút được. Di sản độc đáo làm nổi bật cá tính của một thành phố và giúp thu hút các nhân tài. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có cá tính hơn hầu hết các thành phố lớn khác ở Đông Á. Di sản của chúng ta là tài sản trong cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài toàn cầu. Việc mất đi tài sản phi vật thể này sẽ là tổn thất đối với Việt Nam, tương tự như việc mất đi thương hiệu chủ chốt của một doanh nghiệp…” và “Câu hỏi đặt ra không phải là liệu di sản của các trung tâm đô thị Việt Nam có nên được bảo tồn hay không. Câu trả lời rõ ràng là “có”. Thay vào đó, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để quyết định chính xác cái gì đáng được bảo tồn, làm thế nào để đánh giá chi phí xứng đáng cho bảo tồn và làm thế nào để sử dụng số tiền này một cách hiệu quả nhất”.

Là một nhà kinh tế học, đồng thời là người luôn trân trọng các giá trị di sản, TS. Martín Rama đã có dịp tới tìm hiểu thực trạng của các di sản cần được bảo tồn ở nhiều vùng đất tại Việt Nam và ông đã đề cập những vấn đề này trong nhiều báo cáo, hội thảo, cuộc tư vấn với các cơ quan chức năng của Việt Nam hoặc kiến nghị, đề xuất các phương án giải quyết thiết thực với các vị lãnh đạo, nhằm xúc tiến các dự án bảo tồn di sản và tránh lặp lại những xung đột quanh các quần thể kinh tế và văn hóa đang làm ảnh hưởng tới lợi ích đời sống cộng đồng ở thời hiện tại. Trong đó, tình yêu Martín Rama dành cho Hà Nội rất đặc biệt. Ông không nuối tiếc dĩ vãng của ''Nàng'', càng không cố gắng đưa ''Nàng'' trở lại dáng vẻ trong quá khứ. Martín Rama trân trọng Hà Nội trong từng khoảnh khắc hiện tại và trong những dự định tương lai.

Tiến sĩ Martín Rama. Ảnh: Lê Quang Vinh

Tiến sĩ Martín Rama. Ảnh: Lê Quang Vinh

Trong một bài viết, TS.Martín Rama đã nêu một ví dụ về sự kết hợp hài hòa giữa kinh doanh có lợi nhuận và bảo tồn di sản ở Nepal - một trong các quốc gia nghèo nhất ở châu Á và phải trải qua quá trình phát triển rất hỗn loạn, bao gồm một cuộc nội chiến và sau đó là một thời kỳ bất ổn chính trị sâu sắc, nhưng đồng thời lại có nền văn hóa đặc biệt phong phú, đặc sắc. Đó là trường hợp của ông Dwarika ở vùng Kathmandu, khi sau đó đã được nhận một số giải thưởng di sản.

Theo TS. Martín Rama, quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam không lộn xộn như của Nepal, nhưng trên hành trình hối hả đi tới thịnh vượng, một phần di sản phong phú của Hà Nội đang bị mất đi. Dễ hiểu là người dân bình thường có thể không cảm nhận hết vẻ đẹp xung quanh họ. Nhưng điều đáng lo ngại là các nhà đầu tư giàu có dường như cũng không quan tâm, bởi đa số chỉ dành sự quan tâm đến lợi nhuận chóng vánh mà các trung tâm mua sắm và các tòa nhà chung cư đem đến, ngay cả khi phải hy sinh di sản của thành phố.

TS. Martín Rama cho rằng: “Để đầu tư có lợi nhuận sẽ đòi hỏi cần phải xây dựng các tòa chung cư và văn phòng mới cao hơn. Nhưng bảo tồn di sản lại cần phải chú ý đến những đặc điểm làm nên nét đặc trưng của Hà Nội. Ví dụ, các biệt thự Pháp trong khu phố đó có thể cải tạo thành các cửa hàng, nhà hàng cao cấp; các khu tập thể có thể được xây cao hơn, các căn hộ bên trong được sửa lại hoàn toàn phần nội thất, còn dáng vẻ bên ngoài cần khôi phục lại theo thiết kế nguyên bản của kiến trúc phong cách Xô viết; những khoảng sân hay không gian công cộng của khu nhà cần được giữ lại và sửa sang để là nơi giữ gìn văn hóa vỉa hè của Hà Nội. Hẳn rằng, các nhà đầu tư thông minh và thực sự quan tâm có thể có câu trả lời tốt hơn tôi…”.

Trong ấn phẩm “Vì tình yêu Hà Nội”, các bài viết được hỗ trợ bởi nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam hằng quan tâm tới việc bảo tồn di sản và với việc lựa chọn nhà thơ trẻ Nguyễn Băng Ngọc làm dịch giả và họa sĩ trẻ Đặng Viết Lộc (thành viên của nhóm Urban Sketchers Hanoi - Ký họa đô thị Hà Nội) làm minh họa cho cuốn sách, Martín Rama có lẽ nhằm mong muốn truyền đạt tâm huyết của mình với nhiều "ngôn ngữ" khác nhau: Kinh tế học, cảm xúc và hội họa. Và như thế, cuốn sách “Vì tình yêu Hà Nội” sẽ có nhiều hơn một con đường để đến với trái tim độc giả.

Trải qua hơn hai thập niên, từ “Hà Nội, một chốn rong chơi” cho tới “Vì tình yêu Hà Nội”, từ khoảnh khắc phải lòng cho đến quá trình tìm hiểu, say mê và cam kết, Martín Rama đã không những thể hiện quan điểm của ông về vấn đề bảo tồn di sản và phát triển đô thị, mà còn về tình yêu và trách nhiệm. Hành trình bền bỉ đó cho thấy ông đã yêu Hà Nội bằng cả trái tim, nhưng quyết tâm bảo vệ ''Nàng'' bằng lý trí.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/martin-rama-than-thuong-lam-vi-tinh-yeu-ha-noi-i704187/