Lý do một số nhà văn lớn thống trị ngành xuất bản

'Life Before Man', 'The Cement Garden' hay 'Grimus' đều được xuất bản cách đây khoảng 5 thập kỷ nhưng tác giả của chúng vẫn đang được độc giả hiện đại tôn kính.

Margaret Atwood (giữa) và tạo hình các nhân vật trong phim chuyển thể Chuyện người tùy nữ. Ảnh: Markian Lozowchuk/Macleans.

Margaret Atwood, Ian McEwan hay Salman Rushdie - các nhà văn trụ cột của “Old Gang” (Nhóm tác giả thế hệ cũ) - đã duy trì được sức hút của họ từ những năm 1970 đến nay. Sách của họ, với những cuốn mới nhất như Old Babes in the Wood (Margaret Atwood), Lessons (Ian McEwan) hay Victory City (Salman Rushdie) ra mắt năm 2023 đều lọt vào các danh sách bán chạy nhất hiện nay.

Trong khi rất nhiều nhà văn mới “New Gang” tìm mọi cách để tác phẩm của họ đến được với độc giả, thông qua cả các kênh mạng xã hội, thì một câu hỏi đặt ra là tại sao công chúng vẫn quay lại với sách của các tác giả cũ? Liệu điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của các tác giả trẻ hay ngành văn học hay không?

Thành công đến từ sự rèn luyện giữa biến động

Những năm 1970 là thời kỳ có nhiều thay đổi trong nền văn học thế giới. Trong bối cảnh chính trị và xã hội đầy biến động, các tác giả đã mài giũa phong cách phản ánh thông qua nhiều tác phẩm thể hiện nhận thức của họ với thế giới đang thay đổi. Ngoài những tên tuổi phản ánh hiện thực với giọng văn độc đáo như Margaret Atwood, Ian McEwan hay Salman Rushdie thì tiếng nói trẻ trung của thời kỳ đó còn được thể hiện trong tác phẩm của Toni Morrison và Martin Amis. Phát triển giữa thời kỳ đầu hiện đại hóa, các tác giả thời kỳ đó đã được trui rèn qua sóng gió và luôn nắm bắt được nhu cầu của độc giả thời đại mới.

Với doanh số bán sách ở Anh vượt quá 3 triệu bản, người hai lần đoạt giải Booker Margaret Atwood đã khẳng định mình là một tên tuổi nổi bật trong thế hệ nhà văn những năm 1970. Cuốn tiểu thuyết Surfacing năm 1972 của bà đã được chuyển thể thành phim ở Anh năm 1981. Cuốn Life Before Man (1979) nhận được Giải thưởng Governor General tại Canada dành cho tiểu thuyết hay cuốn The Handmaid's Tale (1985) đoạt giải Arthur C Clarke.

Với nỗ lực sáng tác không mệt mỏi, Atwood tiếp tục giành được Giải thưởng Booker năm 2019 cho cuốn The Testaments. Bà vẫn nhạy bén về sự thay đổi của thế giới xung quanh khi tác phẩm này nói về quyền lợi của phụ nữ, một điều rất được quan tâm trong bối cảnh hiện tại.

Theo trang The Boar, sức hút của các tác giả thập niên 70 đã cho thấy sức mạnh của sự sẵn sàng đứng lên bảo vệ điều họ tin là đúng, khẳng định văn học vừa có thể chia sẻ góc nhìn với thế giới và vừa có thể đưa ra những ý kiến phê bình và phản biện.

Với góc nhìn văn học đặc biệt, Salman Rushdie từ lâu đã trở thành đối tượng của nhiều vụ ám sát sau khi cuốn tiểu thuyết The Satanic Verses của ông được xuất bản năm 1988.

Dù tác phẩm này gây nhiều tranh cãi, nhưng sự hiện diện của nó cho thấy văn học là nơi các quan điểm được thách thức và tranh luận một cách công khai. Mặc dù mới bị thương sau một vụ tấn công vào năm 2022, Rushdie vẫn tiếp tục phát hành cuốn tiểu thuyết thứ 15 của mình Victory City.

Salman Rushdie vẫn tiếp tục ra mắt cuốn Victory City sau khi bị tấn công. Ảnh: Random House.

Độc giả quen thuộc và tin tưởng vào các tên tuổi lớn

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sức hút của các tác giả thập niên 70 sẽ giảm sút. Theo The Boar, sự quen thuộc giúp tác phẩm của họ ngay lập tức bán được nhiều bản hơn và quảng bá sách dễ dàng so với các tác giả mới.

Một ví dụ rõ ràng là cuốn The Testaments. Trên thực tế, Atwood không cần phải quảng bá cuốn sách của bà quá nhiều vì tên tuổi của bà đã đủ để đảm bảo doanh số bán sách lớn. Độc giả thậm chí còn phải chờ hàng giờ bên ngoài các cửa hiệu sách Waterstones để có được ấn bản mới vào lúc nửa đêm.

Atwood đã có được 'địa vị' nhất định trong thế giới văn học và các nhà xuất bản luôn săn đón xuất bản các tác phẩm của bà. Với các tác giả lớn như vậy, nhà xuất bản tự tin rằng họ sẽ bội thu. Stephen King, người cũng nổi tiếng vào những năm 70 cùng với Carrie, được cho là đã được ứng trước 30 triệu bảng Anh cho hợp đồng xuất bản ba cuốn sách vào năm 2000.

Trong khi đó, các tác giả mới luôn phải vật lộn để tìm được chỗ đứng trong ngành văn học và tìm nhà xuất bản. Hầu như ai cũng biết rằng cuốn sách Harry Potter đầu tiên đã bị 12 nhà xuất bản từ chối trước khi thành công. Và đây không phải là trường hợp cá biệt. Các nhà xuất bản cần doanh thu và chấp nhận rủi ro với một tác giả mới không phải là điều dễ dàng. Do đó, các tác giả như Atwood và King tiếp tục là lựa chọn an toàn và họ sẽ còn kiếm được nhiều tiền từ các hợp đồng xuất bản.

Trong khi đang có nhiều lời kêu gọi quyền lợi cho các tác giả mới thì thế giới văn học rất đa dạng và cần nhiều tiếng nói. Thay vì dành chỗ cho một phía, kệ sách của công chúng cần có cả những tiếng nói trẻ trung và những tiếng nói dày dặn kinh nghiệm. Sự đa dạng và độc đáo của văn học cần được tôn vinh.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-mot-so-nha-van-lon-thong-tri-nganh-xuat-ban-post1452528.html